Dạy bé tự làm vệ sinh

Khi trẻ đã có thể đứng vừa tầm với bồn rửa mặt cũng là lúc bạn đưa ra những quy tắc “tự tắm rửa, làm vệ sinh” mà không cần đến bàn tay của mẹ.

Có lẽ các bà mẹ thường tự hỏi tại sao nhóc tì nhà mình đã 8 tuổi nhưng chẳng hề quan tâm thế nào là ở dơ, chơi bẩn cả. Chắc ai cũng ngạc nhiên khi biết là trong thực tế đôi vớ “có mùi” lại khá hấp dẫn với bọn trẻ ở lứa tuổi này. Lúc bạn mang con đến gởi nhà ông bà thì trẻ mới được tắm rửa sạch sẽ, quần áo phẳng phiu, thơm lừng, có thể nói là trắng từ đầu xuống chân; nhưng khi đến đón thì hỡi ơi trẻ xuất hiện với bộ dạng cứ như là mới tắm bùn vậy.

Có gặng hỏi tại sao con lại lếch thếch đến mấy thì cũng chỉ nhận được câu trả lời thờ ơ “Con chơi mà mẹ” và rồi trẻ cũng chẳng buồn quan tâm đến việc trút bỏ bộ đồ dơ và rửa ráy cho sạch.

Nếu bạn để ý thì bạn sẽ nhận thấy là khi được 7 tuổi, “sự lôi thôi” là một trong những “đặc tính khó ưa” ở lứa tuổi này và sẽ kéo dài trong vài năm.

Hãy bắt đầu với “cái mặt”:

Thực ra thì đưa trẻ không hề nhận thấy là trẻ đang trong trạng thái “bẩn thỉu”, “bốc mùi” và trẻ cảm thấy khó hiểu pha lẫn một chút buồn cười trước thái độ của người lớn. Ðể đưa ra tiêu chuẩn cho sự “sạch sẽ”, việc đầu tiên cần làm là tạo mối quan tâm của trẻ đối với vẻ bề ngoài của nó và hướng dẫn thật rõ ràng.  Trước khi trẻ bước chân ra khỏi nhà để đi học mỗi buổi sáng, cần nhắc nhở trẻ rửa tay, rửa mặt; và rồi khi trẻ trở về nhà yêu cầu trẻ thử ngắm mình trong gương. Lúc này, nếu nhìn thấy vết bẩn ở tay hoặc trên mặt, trẻ sẽ tự đi rửa ngay.

Cứ nhắc nhở mỗi ngày như vậy (cả vào những ngày cuối tuần) liên tục trong một tháng hoặc đến khi bạn nhận thấy trẻ nhanh nhẹn làm theo hoặc tự giác làm mà không cần sự nhắc nhở của mẹ nữa thì hãy giảm bớt “tần số” của sự nhắc nhở và “bí mật” quan sát.

Một khi bạn đã thành công trong việc giúp trẻ nhận thức giữ vệ sinh cho bản thân thì hãy bước thêm một bước nữa – giữ quần áo sạch sẽ. Tương tự như trước đây, trước khi bước chân ra khỏi nhà cũng như khi vừa quay về nhà, trẻ phải nhìn chân tay, mặt mũi thì bây giờ bắt đầu ngắm cả quần áo nữa. Dặn dò trẻ không nên mặc quần áo có vết dơ, vì vậy khi đã mặc xong thì phải tắm rửa thay đồ.

Sẵn đây cũng phân thêm trách nhiệm cho trẻ, sau khi đã tắm rửa và thay đồ thì phải để quần áo đã mặc vào đúng sọt để quần áo chuẩn bị giặt. Một khi đã hướng dẫn rõ ràng thì bạn đừng đụng tay đến những việc như thế nữa nếu không trẻ sẽ ỷ lại. Tuy vậy, cũng nên kiểm tra trong phòng của trẻ có quần áo dơ mà trẻ làm biếng mang ra ngoài và giấu ở dưới gối, dưới nệm hoặc dưới gầm giường hay không? Hễ trẻ chịu khó vệ sinh thật sạch sau khi chơi thì trẻ sẽ cố gắng “ở sạch”. Bạn đừng lo!

Hãy lạc quan!

Nói như vậy nhưng muốn thành công thì phải vượt qua chặng đường gian nan khi cố thuyết phục để thay đổi thái độ của trẻ về việc giữ vệ sinh mà trẻ thì chẳng thấy lợi ích gì khi phải làm như vậy. “Con có mặc đồ dơ thì bạn bè vẫn chơi với con đấy thôi, chỉ có mẹ là suốt ngày la con”. Ðến mức này thì phải thực hiện chiến thuật “nhấn mạnh tầm quan trọng” của việc “ở sạch”.

Chỉ cần bỏ một ít thời gian để tắm rửa và thay đồ thì đâu mất nhiều thời gian; tắm rửa mát mẻ, thay đồ sạch sẽ hẳn phải dễ chịu hơn nhiều, ngồi chơi thoải mái hơn. Không nên chỉ trích hoặc lôi tất cả những hậu quả của người không chịu vệ sinh sạch sẽ mà hãy nhấn mạnh điểm tốt của việc giữ vệ sinh.

Cuối cùng, đừng quên khen ngợi trẻ nếu sau giờ học trẻ trở về nhà mà tay chân, quần áo vẫn sạch sẽ như trước khi đi học. Sự hài lòng, lời khen của bạn thể hiện sự tin tưởng của bạn vào con của mình, qua đó trẻ vui hơn vì thấy mình đã “lớn hơn một chút”, đã biết chăm sóc cho bản thân.

Lượt đọc: 3,021