10 điều con trẻ cần

1. Đáp ứng nhu cầu hàng ngày của bé.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ luôn cần 1 ai đó yêu thương, gặp gỡ hàng ngày. Điều này có nghĩa là : cho bé ăn khi đói, ăn mặc ấp áp, khô ráo, an toàn và tránh xa sự nguy hiểm. Giúp đỡ khi bé cảm thấy buồn bã hay khi bé gặp khó khăn.  Tạo các thói quen sinh hoạt gia đình và đảm bảo rằng luôn có một người đáng tin cậy trông nom chúng.
Một vài phút là thời gian khá dài đối với trẻ nhỏ khi chúng đói hoặc thấy buồn chán. Bạn đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu của bé sớm bao nhiêu thì chúng càng thấy yên tâm bấy nhiêu. Với các bé lớn hơn bé có thể chịu đựng lâu hơn một vài phút, tuy nhiên trẻ con vẫn là trẻ con. Bạn không nên để bé đợi lâu quá.

Khi trẻ khóc
Vì là trẻ con, trẻ khóc trung bình 2 đến 5 tiếng mỗi ngày, nhưng không phải trẻ hư nhé, đấy là cách nói chuyện riêng của trẻ con đấy. Hãy xem danh sách dưới đây để hiểu con trẻ hơn nhé (nếu lúc đó trẻ vẫn chưa ngừng khóc thì hãy yêu thương trẻ hơn nhé).
Khi trẻ khóc hãy:
– Kiểm tra tã lót của trẻ.
– Có thể trẻ đói hoặc thấy không thoải mái.
– Kiểm tra nhiệt độ xem trẻ có bị sốt hay bị đau bộ phận nào không.
– Quấn trẻ trong một chiếc khăn mềm và ôm trẻ.
– Dỗ trẻ, cho trẻ ngồi lên xe ngựa hoặc ô tô.
– Cho trẻ chơi cùng một chiếc ghế xoay tròn hoặc chiếc xích đu nhẹ nhàng của trẻ em.
– Bật những bài nhạc nhẹ nhàng, hát hoặc ngân nga những giai điệu êm ả.
– Tắm và mát xa nhè nhẹ.

2. Cho bé cảm giác an toàn và được bảo đảm.
Khi bé cảm thấy an toàn và bảo đảm, bé sẽ học cách tin tưởng người khác. Ngược lại, bé sẽ lo lắng và cảm giác mình không được hạnh phúc. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng học tập của bé. Tuy nhiên, khi bé học cách tin tưởng những người xung quanh, tình trạng này có thể sẽ được cải thiện, bé cảm thấy vui vẻ, khỏe mạnh và hòa đồng cùng các bạn xung quanh mình. Bởi thế, trước tiên, chúng ta phải làm cho trẻ cảm thấy an tâm bằng cách trò chuyện, gặp mặt bé hàng ngày, song song với đó, thể hiện cho bé biết được rằng bạn yêu bé rất nhiều.

3. Tình yêu và những cái ôm.
Ôm ấp, vuốt ve và âu yếm cho bé cảm giác an toàn và thoải mái. Bế bé, cho bé ngồi lên đùi, rung đùi hoặc lắc lắc bé trên đầu gối sẽ tạo cho bé những kỉ niệm và niềm vui nho nhỏ.
Nắm tay bé khi ra ngoài đi bộ vừa giúp bé tránh được nguy hiểm, vừa tạo cho bé cảm giác yên tâm, an toàn khi ra ngoài xã hội.
Đối với các bé lớn hơn, cảm xúc của bé bắt đầu phát triển, bé cần được quan tâm nhiều hơn, thường xuyên hơn. Bạn có thể thực hiện điều này bằng cách thường xuyên âu yếm bé, chúc bé ngủ ngon hay ôm bé nhẹ nhàng, đọc truyện cổ tích cho bé nghe trước khi đi ngủ.

4. Khen ngợi bé.
Trẻ con thường rất thích làm hài lòng bố mẹ. Khi bạn khen ngợi khi bé làm tốt điều gì hoặc khi bé đang cố gắng thực hiện công việc của mình sẽ khích lệ bé rất nhiều. Nó làm bé thấy hứng thú, vui vẻ và càng muốn làm tốt công việc đó hơn nữa. Khen ngợi chính là cách để tiếp thêm tự tin cho bé. Các trẻ tự tin thường có xu hướng học tập, tiếp thu bài dễ dàng hơn và có nhiều nỗ lực, cố gắng để hoàn thành công việc.

5. Cười với bé.
Thường xuyên cười với trẻ nhỏ để bé cảm thấy hạnh phúc, hòa đồng với thế giới xung quanh. Cười là một trong những cách biểu lộ cảm xúc đơn giản nhất khi muốn hòa đồng, gần gũi với người khác. Khi mỉm cười và nói với bé những điều sau, bé sẽ cảm thấy rất vui vẻ, hạnh phúc.
– Bạn yêu thương bé
– Bạn ủng hộ bé
– Bạn hài lòng với bé
– Bạn chú ý đến bé
– Bạn hạnh phúc.

6. Trò chuyện.
Trò chuyện và hát ru bé từ khi chào đời là cách giao tiếp cực kì hiệu quả đối với trẻ nhỏ. Một giọng nói nhẹ nhàng cho bé thấy thoải mái và an toàn. Giọng nói giúp bé nhận biết được người quen, và cảm nhận được mình đang có người chăm sóc. Thường xuyên trò chuyện cũng làm tăng thêm hiểu biết và vốn từ vựng cho trẻ, bé sẽ hiểu thêm về thế giới xung quanh cũng như tăng khả năng giải quyết vấn đề.
Cho dù công việc của bạn bận rộn đến mấy thì cũng hãy dành một khoảng thời gian nhỏ trong ngày để quan tâm trò chuyện cùng bé. Thời gian này có thể là bữa ăn tối, một vài phút trước khi đi ngủ hoặc buổi sáng sớm, trong khi đưa bé đến trường học. Chủ đề nói chuyện có thể do bạn nghĩ ra hoặc có thể khơi gợi bé nói ra những việc mình thích, những việc bé gặp hoặc những khó khăn bé vấp phải.

7. Lắng nghe
Lắng nghe người khác là cả một nghệ thuật, nhất là với trẻ em. Bởi vốn từ và khả năng trình bày của trẻ chưa được lưu loát, mạch lạc như người lớn. Bạn phải tốn một khoảng thời gian khá lâu nghe và hiểu rõ ngọn ngành của vấn đề. Không nên tỏ ra sốt ruột hay cắt ngang những gì trẻ nói. Nếu bạn chăm chú, ko tỏ ra lơ là khi trẻ nói chuyện, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái và cảm giác mình được tôn trọng, quan tâm.

8. Học hỏi những điều mới.
Để bé học những điều mới thì không nhất thiết bạn phải thường xuyên mua đồ chơi hoặc cập nhật những thiết bị hiện đại. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng những thứ hàng ngày, xung quanh mình, ví dụ như đi bộ, khám phá những bãi biển, công viên gần nhà. Bạn cũng có thể cùng bé bắt đầu thực hiện một bộ sưu tập về đá, vỏ ốc hay xây dựng một thư viện đồ chơi.
Bằng cách này, bé sẽ hào hứng quan sát và học hỏi những điều mới từ thế giới xung quanh mình.

9. Để ý đến cảm xúc của trẻ.
Thỉnh thoảng, trẻ rất khó tìm lời để diễn tả cảm xúc của mình, bé không tìm cách nào để diễn tả được tại sao mình buồn hay sợ hãi. Nói chung, trẻ em sợ hãi nhiều thứ và có nhiều nguyên nhân khác nhau. Đôi khi, với người lớn, những thứ đó là quá bình thường, ko có gì đáng sợ, nhưng với một đứa trẻ thì mọi chuyện lại khác. Lý do chỉ đơn giản là một tiếng động to, sâu bọ, côn trùng hoặc những đồ vật mang hình thù kì dị. Bạn nên thường xuyên chú ý đến bé để kịp thời giải thích, an ủi đúng lúc.

10. Khen thưởng và đối xử đặc biệt.
Tất cả các phụ huynh đều muốn con mình học được cách hành xử đúng đắn. Nếu bạn chú ý khi bé đang làm điều tốt, bé sẽ cố gắng để làm điều đó tốt hơn, ngược lại, khi bạn chú ý, theo dõi khi bé đang nghịch ngợm, bé sẽ cảm thấy trò đó rất hay và càng nghịch ngợm nhiều hơn nữa. Điều này cho thấy, sự chú ý của bạn rất quan trọng với bé. Đó là phần thưởng vô giá. Bởi vậy, dành thời gian vui chơi, trò chuyện, dã ngoại cùng bé sẽ tạo được rất nhiều niềm vui và khơi dậy tính tích cực trong trẻ nhỏ.
Trẻ em thường thích kể những câu chuyện liên quan đến bản thân mình, nó giúp trẻ cảm thấy mình được yêu thương và được tôn trọng. Bạn có thể làm một cuốn sổ lưu niệm, ghi lại những khoảnh khắc yêu thương của bé cũng như của gia đình như:
– Lưu lại 1 dấu tay
– Lưu lại những hình ảnh
– Ghi lại những mẩu chuyện, những điều bé nói
– Gắn vào những tấm thiệp sinh nhật của các thành viên trong gia đình.

Lượt đọc: 3,550