Có thể kỳ vọng những gì ở trẻ mẫu giáo?

Các bé mẫu giáo có thể phát kiến ra những thứ hết sức kỳ quặc nhưng theo các chuyên gia thì đó lại là một dấu hiệu của sự trưởng thành. Đối với cha mẹ, việc biết con mình có thể hiểu được những gì là rất quan trọng, để rồi từ đó xác lập những kỳ vọng hợp lý cho con. Mỗi đứa trẻ lớn lên theo một chu trình riêng, và có những thay đổi thể chất có thể dẫn tới những bước nhảy vọt về tâm lý.

Jean Piaget, một nhà tâm lý học sống vào cuối những năm 1920 đã lập nên thuyết phát triển nhận thức ở trẻ. Theo đó, ông liệt kê một danh sách những việc mà các bé ở mỗi giai đoạn có thể làm được và những việc chúng chưa sẵn sàng thực hiện. Dưới đây là kết quả những nghiên cứu của ông đối với lứa tuổi mẫu giáo:

  • Một bé mẫu giáo có thể nói được những câu phức tạp nhưng tư duy của bé lại chưa logic với những vật xung quanh. Chẳng hạn, bé có thể nói, “Một quả táo thì phải có màu đỏ nên tất cả những loại quả có màu xanh thì không phải táo.”
  • Một khi bé đã đi đến một kết luận nào đó thì sẽ rất khó nếu ta muốn đảo ngược nó. Các bé mẫu giáo không thích quay trở lại và kiểm tra xem các lập luận hình thành nên kết luận đó có đúng hay không. Chúng cũng chưa hoàn toàn hiểu về luật nhân quả.
  • Trẻ ở tuổi này cũng luôn cho mình là trung tâm. Chúng tin rằng chúng nhìn nhận  thế giới ra sao thì mọi người xung quanh cũng thế.
  • Các bé thường tập trung chú ý vào một chi tiết của một sự kiện và lờ đi các chi tiết khác. Chẳng hạn, nếu một đứa trẻ đến dự một bữa tiệc sinh nhật, nó có thể miêu tả chi tiết chiếc bánh ga-tô nhưng không miêu tả được bất cứ trò chơi nào trong buổi tiệc cả.
  • Các bé tin rằng những vật vô tri có tâm hồn và hoàn toàn sống động. Sẽ là hoàn toàn bình thường nếu một bé mẫu giáo tin rằng con gấu nhồi bông của bé biết cảm nhận.
  • Ở tuổi này, các bé luôn cảm thấy việc ước lượng thật khó. Bé chưa hiểu được rằng với một lượng đồng xu nhất định, dù ta có cho vào bình to hay bình nhỏ thì chúng vẫn không đổi.

Vậy, các bé mẫu giáo có thể học được những gì? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ nghiên cứu thuyết của nhà tâm lý học Benjamin Bloom. Ông đã dẫn dắt một nhóm nghiên cứu và đưa ra những chỉ dẫn giúp ta biết được ở các độ tuổi khác nhau, trẻ xử lý thông tin mới như thế nào. Các chỉ dẫn chỉ ra ở từng giai đoạn trẻ có thể hiểu được một số khái niệm, và mỗi cấp nhận thức thì được hình thành dựa trên cấp trước đó theo trình tự bậc thang. Các cấp đó được xác định là:

  • Cấp 1: Nhận biết. Ở cấp độ này, trẻ được dạy các khái niệm, nhớ được các khái niệm và kể lại được một câu chuyện.
  • Cấp 2: Hiểu biết. Trẻ hiểu được các khái niệm đã học và hiểu được nội dung chính của chuyện.
  • Cấp 3: Vận dụng. Trẻ đưa ra được các ví dụ về việc vận dụng các khái niệm và đúc kết được bài học từ mỗi câu chuyện. Chúng cũng xác định được những bài học đó nên được áp dụng ra sao trong đời sống.
  • Cấp 4: Phân tích. Trẻ biết phân tách các ý kiến và tư duy về chúng theo cách riêng của mình. Chúng biết việc gì nên làm như thế nào. Chẳng hạn, bé có thể tư duy về các chi tiết của các bài học khác nhau trong câu chuyện và hình thành nên bài học cốt lõi.
  • Cấp 5: Tổng hợp. Trẻ biết vận dùng các khái niệm vào những tình huống mới. Ví dụ, khi phải đối mặt với thử thách, trẻ nhớ lại bài học từ câu chuyện và hành động giống hệt.
  • Cấp 6: Đánh giá. Trẻ tự đánh giá những gì được dạy. Chúng phân tách được các mặt ưu và khuyết của một ý kiến để rồi ra quyết định đó là ý kiến hay hay dở. Chẳng hạn như chúng có thể đánh giá một câu chuyện và đưa ra kết luận chúng có thích câu chuyện không và có rút ra được bài học hữu ích không. Nếu không, chúng có thể đưa ra một kết luận khác dựa trên một câu chuyện chúng đã đọc và thích.

Thông thường, các bé mẫu giáo có các kĩ năng của cấp 1 đến 3, còn các kĩ năng của cấp 4-6 thì không dễ đạt được.

Khi bạn dạy cho con một khái niệm mới, hãy nhớ đến các cấp độ trên và dựa vào đó để đưa ra các câu hỏi. Bạn hãy lắng nghe các câu trả lời của con và lấy đó làm cơ sở để dạy con những điều khó hơn. Ví dụ, nếu bạn biết rằng con mình có thể phân tích được vấn đề nhưng không giỏi tổng hợp chúng thì hãy giúp con thu thập các dữ kiện. Hãy hướng dẫn, chỉ bảo cho con cho đến khi bé hình thành được một kỹ năng và đạt được 1 cấp độ mới. Bạn cũng có thể giúp con tiến bộ nhanh hơn bằng cách đặt ra các câu hỏi mà đòi hỏi con phải đánh giá tình hình. Ví dụ, hãy hỏi con là con sẽ làm gì nếu gặp phải tình huống tương tự như trong chuyện. Câu hỏi này khuyến khích bé tư duy và cuối cùng quyết định xem hành động của nhân vật là đúng hay sai.

Tuy nhiên tất cả những hướng dẫn vẫn chỉ là hướng dẫn. Mỗi một đứa trẻ có nhịp phát triển riêng của chúng. Bạn có quyền kỳ vọng vào con nhưng hãy kỳ vọng những điều phù hợp với khả năng con mình. Hãy luôn ở bên con và chung hưởng niềm vui thấy con khôn lớn mỗi ngày.

Lượt đọc: 4,574