Xung đột giữa anh chị em: Cùng con giải quyết và vượt qua.

Gia đình nào có từ hai con đều hiểu rõ những xung đột giữa anh chị em trong nhà là không tránh khỏi. Bầu không khí đầm ấm hòa thuận của gia đình sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi tiếng gào khóc, sự giận dỗi và phụng phịu của bọn trẻ.

Hòa đồng là khả năng hiểu và thể hiện cảm xúc và hành vi tạo điều kiện cho các mối quan hệ tích cực. Trẻ em học được tính hòa đồng là khi chúng cố gắng thể hiện cảm xúc của mình vào lời nói thay vì sử dụng nắm đấm, và là khi chúng nhận thấy ảnh hưởng của lời nói đối với người khác.

Anh chị em ruột không hòa hợp với nhau và thường hay xích mích, thậm chí đánh nhau vì tranh giành đồ chơi. Còn cha mẹ thì đau đầu vì không biết làm thế nào để giảng hòa, can thiệp hay không và cách nào để giải quyết dứt điểm vấn đề này?

xung đột anh chị em

 

Những cơ sở nghiên cứu về xung đột anh chị em

Cách đây 50 năm, Theodore Dreikurs, một trong những người cha tiêu biểu của việc nuôi dạy con cái tích cực, đã đưa ra nhận định rằng sự ganh đua giữa anh chị em là một nỗ lực của con cái để thu hút sự chú ý của cha mẹ. Ông cho rằng việc cha mẹ can thiệp vào những xích mích này chỉ khiến mọi việc tệ hơn. Một loạt các nghiên cứu sau đó đã xác nhận rằng khi cha mẹ tỏ ra không quan tâm đến việc những đứa trẻ khẩu chiến, chúng bớt cãi vã và đánh nhau hơn.

Nhưng trong những năm qua, các nghiên cứu tiếp theo về xung đột giữa anh chị em đã chỉ ra mọi chuyện không đơn giản đến thế. Đúng là anh chị em ít đánh nhau hơn nếu không có sự can thiệp của cha mẹ. Tuy nhiên, vì đó là vì một trong những đứa trẻ đã bị anh chị em mình “đàn áp”. Những đứa nhóc yếu thế hơn không thể dùng nắm đấm hay lời nói để thuyết phục đứa trẻ còn lại làm theo ý mình được. Thế nên phần lớn các cuộc tranh cãi không có sự can thiệp của cha mẹ kết thúc bằng việc một đứa trẻ thuận theo ý của đứa còn lại. Trên thực tế, việc cha mẹ hiện diện gần cuộc cãi vã mà không tham gia can thiệp lại làm gia tăng sự ganh đua ngầm cũng như tỉ lệ gây hấn giữa anh chị em trong nhà

Như một nhà nghiên cứu đã nhận xét, “Trẻ em… hiểu việc không can thiệp là sự xác nhận ngầm về hành vi của chúng, điều này có thể dẫn đến xung đột thường xuyên hơn hoặc gay gắt hơn (Perlman & Hildy, 1997).”

Việc cha mẹ can thiệp vào cuộc tranh luận và quyết định ai đúng ai sai rồi bắt bọn nhóc hòa giải chỉ làm tăng thêm xích mích giữa những đứa trẻ. Thậm chí điều đó còn làm xấu đi mối quan hệ trong gia đình vì những đứa trẻ bị bảo là “sai” đó sẽ cảm thấy oan ức và thua cuộc, thế là lại bắt đầu một cuộc tranh cãi khác. 

Nhưng điều đó không có nghĩa là cha mẹ hoàn toàn không can thiệp vào sự ganh đua giữa anh chị em với nhau. Đặc biệt là khi thiếu sự can thiệp sẽ không dạy trẻ tự giải quyết được mọi việc và thậm chí có thể tạo thành sự bắt nạt giữa đám trẻ. Nghiên cứu chỉ ra rằng có những cách khác hữu ích hơn để cha mẹ dạy con học cách tự giải quyết mọi việc. Bao gồm:

  • Điều chỉnh lại các quy tắc trong gia đình. Hãy lắng nghe cả hai phía — không phải để cha mẹ có thể đưa ra phán quyết ai sai hay đúng, nhưng để cả hai đứa trẻ đều cảm thấy được lắng nghe.
  • Giúp trẻ thể hiện ý kiến với anh chị em của mình.
  • Bày tỏ sự tin tưởng rằng trẻ có thể giải quyết vấn đề để cả làng cùng vui.

Khi cha mẹ làm theo những hướng dẫn đơn giản này, trẻ sẽ phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề tốt hơn. Những đứa trẻ sẽ đưa ra những cách giải quyết với nhau hòa hợp hơn. Và kết quả là, sự ganh đua giữa anh chị em với nhau giảm đi. Thậm chí với những trường hợp trẻ dùng bạo lực để giải quyết, thì việc can thiệp của cha mẹ cũng có tác động: ít gây hấn về thể chất hơn (Perlman & Hildy, 1997) và có sự quan tâm đến cảm xúc của anh chị em con hơn thay vì nhất định con phải thắng (Dunn & Munn, 1986). Cách tiếp cận này dần dần xóa bỏ cảm giác bị đối xử bất công, do đó, sự ganh đua giữa anh chị em tiếp tục giảm dần theo thời gian.

xung đột anh chị em

Biến xung đột thành hòa bình

Trẻ sẽ học được rất nhiều từ việc biến xung đột anh chị em thành hòa bình. Con sẽ được thực hành giải quyết vấn đề, bày tỏ ý kiến cá nhân, lắng nghe và đồng cảm, tư duy nhiều khía cạnh và hợp tác với mọi người.

Việc hướng dẫn ban đầu của cha mẹ và dần để con tự quyết trong việc giải quyết xung đột rất quan trọng. Nếu cha mẹ hướng dẫn con theo chiều hướng để con tự suy nghĩ và giải quyết vấn đề, sự ganh đua giữa anh chị em trong nhà sẽ giảm đi đáng kể. Trẻ sẽ dần không cần sự can thiệp của cha mẹ vì con sẽ học cách bày tỏ nhu cầu của bản thân và cách lắng nghe người khác. Hẳn cha mẹ sẽ rất tự hào khi nghe được sự nỗ lực trong việc cùng tìm ra cách giải quyết vấn đề một cách hòa bình của các con.

(Nguồn: Sưu tầm)



Lượt đọc: 317