Dạy con cách tự chủ
Dạy con cách tự chủ là một trong những việc quan trọng nhất mà các bậc cha mẹ cần làm, bởi đây sẽ trở thành một trong những kỹ năng thiết yếu để bé thành công trong tương lai. Học được cách tự chủ, trẻ em có thể biết đưa ra những quyết định và cư xử phù hợp trong những tình huống căng thẳng và nhờ đó có thể nhận được những kết quả tích cực hơn.
Ví dụ như, nếu như bạn nói với con rằng con không được ăn kem sau giờ ăn tối nữa, con có thể sẽ khóc, mè nheo hoặc thậm chí hét lên với hy vọng rằng bạn sẽ mủi lòng. Nhưng nếu như con biết cách tự chủ, con sẽ hiểu rằng phản ứng tức giận sẽ chỉ càng khiến mẹ kiên quyết hơn, và tốt hơn là nên kiên nhẫn chờ đợi.
Sau đây là một số gợi ý để giúp con kiểm soát được cách hành xử của mình:
Dưới 2 tuổi
Khi con ở độ tuổi sơ sinh và đang tập đi, con thường sẽ không làm được những điều mà con muốn làm. Và con thường phản ứng với điều đó một cách giận dữ. Bạn có thể ngăn chặn sự bùng nổ của con bằng đồ chơi hoặc những hoạt động khác phù hợp.
Khi được 2 tuổi, con sẽ bắt đầu có ý thức hơn về mọi thứ vì thế bạn có thể bắt đầu dạy con cách kiểm soát hành vi của mình. Mỗi khi con phản ứng một quá đà, hãy để con ngồi một mình (trong sự theo dõi âm thầm của bạn) và không có đồ chơi hoặc bất kỳ đồ vật nào tiêu khiển nào ở xung quanh, như ở cầu thang hoặc nhà bếp, để con biết được hậu quả của việc cư xử không đúng của bản thân. Và đồng thời khi con bình tĩnh hơn, bé sẽ nhận ra là dành thời gian ở một mình sẽ tốt hơn nhiều so với việc làm ầm lên vì giận dữ.
Từ 3 đến 5 tuổi
Bạn có thể tiếp tục áp dụng cách thức như trên để kiểm soát hành động của con, nhưng thay vì để con ở một mình trong một khoảng thời gian định sẵn, hãy cho con ra ngoài ngay khi con cảm thấy bình tĩnh hơn. Điều này sẽ giúp con nâng cao ý thức tự chủ của bản thân. Và hãy khen ngợi con vì đã không mất kiểm soát trong những tình huống khó khăn hoặc bực bội.
Từ 6 đến 9 tuổi
Khi con ở độ tuổi đến trường, con nên được dạy để hiểu được về những hậu quả mỗi khi con cư xử không đúng, vì thế con sẽ có ý thức với hành động của bản thân, biết suy nghĩ kỹ càng hơn trước khi phản ứng lại với bất cứ điều gì. Mỗi khi con gặp một tình huống căng thẳng nào đó, hãy khuyến khích con rời xa khỏi đó trong chốc lát để có thể bình tĩnh hơn.
Từ 10 đến 12 tuổi
Khi con ở độ tuổi này, con đã có thể tự hiểu được cảm giác của mình. Hãy động viên con nghĩ về những điều đã làm con mất kiểm soát và phân tích chúng. Hãy giải thích cho con rằng đôi khi có những việc dù ban đầu không được tốt đẹp, cũng không có nghĩa là chúng sẽ kết thúc một cách tồi tệ. Hãy đề nghị con dành thời gian để suy nghĩ kỹ càng trước khi phản ứng lại trong một tình huống nào đó.
Khi con đánh mất sự kiểm soát
Mặc dù điều này không dễ dàng, nhưng bản thân bạn cũng cần kiếm chế để không quát nạt con mỗi khi cư xử không phải. Thay vào đó, khi con đang mất kiểm soát, bạn hãy tỏ ra cứng rắn và bình tĩnh, giải thích cho con hiểu rằng những hành động như la hét, làm ầm lên, hoặc đóng sầm sửa là không thể chấp nhận được và con sẽ phải chịu phạt cho những cách cư xử như thế.
Hãy cho con thấy rằng việc con mất kiểm soát sẽ không đem lại lợi ích gì cho con cả. Ví dụ như nếu con mè nheo ngay ở giữa siêu thị vì bạn không mua kẹo cho con, đừng tỏ ra mềm lòng. Kết quả là con sẽ nhận ra rằng hành động của con không những không được chấp nhận trong mắt bố mẹ, mà còn không có hiệu quả gì trong thực tế.
Và quan trọng nhất, hãy làm một tấm gương cho con. Nếu bạn gặp một tình huống khó khăn và con đang ở đó, hãy nói với con bạn đang gặp vấn đề gì và trao đổi với con những phương pháp thích hợp để giải quyết chúng. Ví dụ, nếu như bạn không thấy chìa khóa nhà, thay vì tỏ ra lúng túng, hãy nói với con rằng chìa khóa đang bị mất và để con đi tìm nó cùng bạn. Nếu chìa khóa không thể tìm ra, hãy thực hiện những bước tiếp theo (như là đi ngược những nơi mà bạn đã đi qua khi bạn nhớ rõ là mình vẫn còn cầm chìa khóa trên tay). Hãy cho con thấy là kiểm soát cảm xúc và tìm cách giải quyết vấn đề sẽ là những cách tốt nhất để đối diện với những tình huống khó khăn.
Theo Familydoctor
Lượt đọc: 3,849