TRÍ THÔNG MINH NGÔN NGỮ

Trong các bài trước tôi đã đề cập tới Học thuyết về Trí Thông minh Đa dạng, khi các bạn đã hiểu về học thuyết này chúng ta sẽ bắt đầu ứng dụng học thuyết vào cuộc sống, vào việc học tập của những đứa trẻ. Trong loạt bài này tôi sẽ tập trung nói sâu về độ tuổi 4-11 tuổi, các ví dụ để các bạn dễ dàng cùng con phát triển các trí thông minh. Trí thông minh của con bạn cho thấy con bạn học theo cách nào là dễ nhất và tốt nhất. Chúng ta bắt đầu bằng trí thông minh ngôn ngữ.

Chúng ta đều thông minh ngôn ngữ, khi đọc sách, kể chuyện, khi viết bài, khi thảo luận, khi học ngoại ngữ, khi viết truyện hay làm thơ, chơi các trò chơi ô chữ chúng ta đều sử dụng trí thông minh ngôn ngữ. Có những trẻ nổi trội về trí thông minh này và đây là cách nhận biết những đặc điểm cho thấy con mình nổi trội về ngôn ngữ:

  • Trẻ nổi trội thông minh ngôn ngữ cho thấy khả năng về từ ngữ và ngôn ngữ, đọc sách, viết, kể chuyện và ghi nhớ từ ngữ cùng ngày tháng. Những đứa trẻ này thường học tốt nhất qua đọc, ghi chép, nghe, thảo luận và tranh cãi.
  • Trẻ cũng có khả năng giải thích tốt, truyền đạt thông tin và thuyết phục. Những đứa trẻ này cũng học ngoại ngữ rất dễ dàng và thường có trí nhớ tốt về lời nói và hồi tưởng, và khả năng hiểu và thao tác cú pháp và cấu trúc.

trí thông minh ngôn ngữ

Làm thế nào để giúp con phát triển trí thông minh ngôn ngữ:

  • Khi con còn nhỏ bạn hãy thường xuyên nói chuyện với con, đọc sách cho con nghe là một cách rất tốt để con làm quen với ngôn ngữ, yêu sách, tò mò thích khám phá, bạn hãy chơi đố chữ, cùng con học từ vựng mới qua các mẩu chuyện, các tình huống, hãy cùng con kể lại các tình tiết nhỏ để con làm quen dần và phát triển trí thông minh ngôn ngữ. Khi cùng con trò chuyện bạn hãy động viên con nói đủ câu, giải thích theo trình tự, tập sắp xếp câu theo logic.
  • Khi con bắt đầu biết đọc thì đọc sách là cách rất tốt để tăng cường vốn từ vựng và học được cách sử dụng ngôn ngữ trong câu, trong ngữ cảnh.
  • Ở độ tuổi này trẻ rất thích trao đổi những câu chuyện, những suy nghĩ và hỏi bạn thật nhiều câu hỏi. Một số cha mẹ tránh những phiền toái phải trả lời câu hỏi bằng cách gạt phăng đi câu chuyện của con, bảo con ra xem tivi hoặc cho con mượn thiết bị di động thay cho việc trò chuyện cùng con, điều này thật là dở. Các bạn cần lắng nghe con và tương tác cùng con.
  • Tôi đã từng hỏi 50 bé trong độ tuổi lớp 1 và lớp 2: con đã làm thí nghiệm nước mặn và sự nổi, con đã thuyết trình rất tốt trong lớp FasTracKids, con có làm lại thí nghiệm và thuyết trình cho bố mẹ nghe không, và bạn hãy nghe 1 số câu trả lời và tự đánh giá xem bạn có xử sự giống trường hợp nào:

**Con bảo mẹ cho con muối và nước và trứng để con làm thí nghiệm, mẹ bảo thôi, rồi lại đổ nước ra nhà mẹ phải lau.

**Con có làm lại nhưng mẹ bảo để mẹ giúp việc đổ nước và cho muối, khi con giải thích tại sao trứng nổi thì cả nhà rất thích vì không ai biết ạ, anh con bảo học ở đâu ra hay thế.

**Con bảo làm thí nghiệm thì bà bảo là thôi, học suốt cả ngày giờ lại học à, bố mẹ lên phòng rồi.

**Con ở với bà và bà bảo con làm cho bà xem, bà rất thích và bảo con là con rất giỏi, lần sau con đi học về có gì hay thì kể cho bà

**Con không kể đâu, bố mẹ con toàn đi về muộn.

**Mẹ rất hay hỏi con học gì và bảo con kể ạ.

**Không ạ, tôi đã hỏi tại sao thế và con không trả lời.

Nếu trẻ đang phấn khởi và muốn chia sẻ với bạn, đừng từ chối trẻ, bởi vì đây là cách tốt nhất giúp trẻ phát triển vốn từ vựng, sắp xếp ý tưởng khi nói và trình bày một vấn đề, và đương nhiên bạn đang giúp cho con phát triển kỹ năng giao tiếp. Nếu lâu nay bạn vô tình gạt đi sự hứng thú kể chuyện của con thì bạn hãy thay đổi ngay nhé, đừng dập tắt sự hứng thú của trẻ.

Ngôn ngữ là vấn đề quan trọng nhất ta cần chú ý khi trẻ trong giai đoạn mẫu giáo và tiểu học, hãy cùng con phát triển ngôn ngữ.

Bố mẹ muốn tìm các khóa học giúp trẻ yêu thích học tập từ nhỏ hãy liên hệ với chúng tôi:

Hotline: 0961362606 hoặc đăng ký tại đây

Lượt đọc: 1,513