Dõi theo quá trình phát triển kỹ năng hàng ngày của trẻ!

Thật kinh hoàng khi mỗi lần cậu con 4 tuổi nhà bạn đánh răng! Nhìn phòng tắm chẳng khác nào vừa bị một con lốc thuốc đánh răng, bọt thuốc và nước vương vãi cuốn qua cả. Và liệu bạn có tin rằng hoạt động vệ sinh răng miệng như thế có hiệu quả không? Thế rồi bạn, bậc phụ huynh bắt đầu tự hỏi “Liệu vệ sinh răng miệng có phải một trách nhiệm quá nặng nề đối với một đứa trẻ?” Trong quá trình con bạn trưởng thành, sẽ có nhiều lúc bạn sẽ phải đặt những câu hỏi như thế đối với bản thân khi tập cho trẻ những kỹ năng cơ bản.

Thật  may mắn, tiến sĩ Kathleen Gouley, chuyên gia tâm lý trẻ thơ tại trung tâm nghiên cứu trẻ em NYU có thể giải đáp những thắc mắc trên của phụ huynh. Theo tiến sĩ, có 2 điểm báo chính cho thấy trẻ có thể tự phát triển những kỹ năng cần thiết: Thứ nhất, hệ thần kinh của trẻ phải phát triển đến đúng độ “chin” để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thứ hai, trẻ cần được trao cơ hội (bởi phụ huynh và người coi sóc) để thực hành việc hoàn thành nhiệm vụ, và tất nhiên trẻ cũng cần được hỗ trợ khi thực tập các nhiệm vụ đó. Tiến sĩ giải thích rằng theo thời gian phụ huynh sẽ dần thấy những thay đổi nhỏ ở trẻ cho tới khi trẻ nhuần nhuyễn kỹ năng đó. Rồi những kỹ năng này sẽ dần được trẻ sử dụng thuần thục, điều này cũng giống như khi từ khi trẻ tập đánh răng, mặc quần áo cho tới khi trẻ tập đọc, tập viết, tất cả đều phải trải qua một quá trình.
Đối với phụ huynh vẫn còn băn khoăn thời điểm trẻ có thể học các kỹ năng hàng ngày, sau đây là những chỉ dẫn “cấp tốc” về tuổi nào làm gì. Tiến sỹ Gouley cũng nhấn mạnh về nhịp độ phát triển khác nhau ở từng đứa trẻ và khái niệm bước phát triển thông thường cũng rất linh hoạt với mỗi trẻ, vì thế nếu con bạn có bắt đầu nắm vững những kỹ năng sau đây muộn hơn hay sớm hơn một chút so với thông thường thì cũng không nên o lắng. Tuy nhiên, nếu như mọi thứ diễn ra quá chậm so với thông thường hoặc trẻ dễ quên những khả năng đã nắm vững trước đó thì phụ huynh nên nói chuyện với những nhà trị liệu.

Đọc và Viết

  •  Đọc – 7 tuổi

Đối với hầu hết phụ huynh thì kỹ năng đọc là tối quan trọng. Thường xuyên vừa đọc sách vừa chỉ dẫn đến từ đó sẽ giúp trẻ nhà bạn phát triển tối ưu kỹ năng đọc. Hầu như trẻ nào cũng có thể nhận mặt chữ cái khi lên 4 tuổi và bắt đầu nhận biết từ và âm thanh. Đến khi lên 7, giờ kể truyện sẽ trở nên thật kỳ diệu, thay vì đọc cho trẻ nghe, phụ huynh sẽ được nghe trẻ kể truyện.

  • Cầm bút đúng cách, viết các chữ cái – 4 tuổi

Thông thường, những chuyên gia lúc nào cũng thích thấy trẻ cầm bút chì hay bút sáp vẽ linh tinh vào lúc 2 tuổi. Đến năm 3 tuổi, trẻ có thể cầm được những công cụ viết nhỏ hơn ở tư thế gần chuẩn. Sau đó trẻ bắt đầu copy các hình khối (hình tròn, vuông, tam giác) và viết chữ (thường là viết tên) vào năm 4 tuổi. Cũng có thể kỹ năng này phát triển sớm hơn nếu như trẻ ham mê các chữ cái. Luôn luôn ghi nhớ rằng trẻ sẽ còn phátt riển tiếp kỹ năng này trong suốt thời gian tiểu học. Để khuyến khích trẻ viết tốt mà không tạo áp lực, hãy để sẵn bút sáp và giấy để lúc nào trẻ cũng có thể tập vẽ tùy thích.

Kỹ năng trong cuộc sống thường ngày

  • Đánh răng hiệu quả – từ 6 đến 7 tuổi

Hình ảnh 1 cậu bé đang đánh răng

Hãy bắt đầu sớm với việc đánh răng. Vì răng miệng có tầm quan trọng lớn, phụ huynh cần có sự giám sát ban đầu thật kỹ lưỡng với việc chăm sóc răng miệng của trẻ. Khuyến khích trẻ chà răng bằng bàn chải từ nhỏ (trước 2 tuổi), như thế trẻ sẽ quen dần với cảm giác đánh răng. Sau đó, ngay khi bố, mẹ chỉ cho con cái những kỹ năng cần thiết, không lý do gì trẻ lại k hông học được cách chà răng hiệu quả. Đừng lo lắng khi phải nghiêm khắc với trẻ – vì sức khỏe răng miệng, cần phải rèn luyện trẻ từ sớm.

  • Dùng đũa – 5 tuổi

Cũng giống như tập viết, kỹ năng này cần có sự phối hợp và khéo léo. Khi trẻ gần đạt 4 tuổi, trẻ sẽ có khả năng tự gắp thức ăn. Nhưng một lần nữa, nếu như bạn định đưa trẻ một đôi đũa và bắt trẻ tự gắp thức ăn khi trẻ tròn 5 tuổi thì chắc chắn trẻ sẽ không thành công. Trẻ cần hàng nghìn cơ hội để thực tập trước, và cũng cần rất nhiều lời động viên, khích lệ trong suốt cả quá trình.

  • Tự mặc quần áo – 5 tuổi

Hình ảnh 1 cô bé đang phơi quần áo

Để trẻ có thể tự chăm sóc cho mình, giúp trẻ tự mặc trang phục là bước cần thiết cuối cùng. Cũng giống như đọc, quá trình này cần có sự tích lũy dần dần. Trẻ có thể tham gia vào quá trình mặc trang phục khi bước sang tuổi thứ 2, mặc dù có vẻ trẻ chưa đủ khả năng để tự làm mọi việc, nhưng sẽ rất tốt khi để trẻ tham gia vào quá trình. Thường thì đến 5 tuổi, trẻ sẽ có đủ khả năng tự mặc trang phục, mặc dù những khuy nút nhỏ và những chiếc khóa sẽ cần sự giúp đỡ của người lớn.

  • Buộc dây giày – từ 4 đến 6 tuổi

Để dạy trẻ buộc dây giày, phụ huynh cần làm mẫu và cho trẻ cơ hội thực tập. Bố mẹ có thể tìm mua những búp bê thông minh giúp trẻ cách buộc dây giày, hoặc đơn giản giúp trẻ làm quen với việc buộc dây giày 1 ngày 1 lần.

  • Không “tè dầm”

Phụ huynh thường mong đợi trẻ có thể ngủ trọn vẹn qua một đêm mà không gây “hậu quả” cho chiếc nệm giường. Tuy nhiên đó là cả một quá trình phát triển thể chất: bắt đầu từ năm 5 tuổi đến 7 tuổi. Để tránh việc trẻ “tè dầm”, cơ thể trẻ phải có khả năng nhận ra những dấu hiệu và thôi thúc trẻ đi vệ sinh. Một lần nữa thì khái niệm “thông thường” ở đây cũng rất rộng, thế nên không nên quá lo lắng nếu con  bạn đến 7 tuổi vẫn “tè dầm”. Và cũng nên nhớ rằng bé trai thường phát triển kỹ năng này muộn hơn bé gái!
Mặc dù cha mẹ có thể thấy chút muộn phiền vì con mình không phát triển theo đúng những bước đã nêu, tuy nhiên không có một bằng chứng nào cho thấy rằng việc trẻ phát triển muộn những kỹ năng này sẽ thiệt thòi trong quá trình học. Theo tiến sĩ Gouley, quá trình này đơn thuần chỉ phản ảnh sự đa dạng trong tốc độ phát triển của trẻ. Chính vì thế, mỗi khi bạn muốn thúc ép con mình phát triển các kỹ năng thì hãy nhớ rằng: đây không phải là một cuộc đua, hãy để mọi việc tự nhiên!

Lượt đọc: 5,001