Nói “Không” như thế nào với bé lên 5?
Con bạn sẽ cư xử ra sao khi lên 5?
Khi bé đã đi học mẫu giáo thì tiếng “không” mà cha mẹ nói dường như không “lọt tai” bé cho lắm. Mà có khi, chính các bậc cha mẹ cũng muốn tìm một cách nói “không” nhẹ nhàng hơn mà vẫn hiệu quả. Thật may là có vô vàn cách mà các bậc cha mẹ có thể sử dụng để thay thế tiếng “không” vốn có vẻ hơi “phũ phàng” với bé này. “Trẻ thường cố lờ đi những tiếng “không” của bố mẹ và bạn có thể cần phải nói “không” tới 10 lần thì bé mới chịu nghe lời,” ông Roni Leiderman, trưởng trung tâm nghiên cứu về gia đình của trường đại học Nova Southeastern, bang Florida, Hoa Kỳ nói. Cho dù bạn đang cố gắng ngăn con làm những điều dại dột hay đang nỗ lực dạy cho chúng điều hay lẽ phải thì điều quan trọng là thay vì nói “không”, hãy nói điều gì đó khác hiệu quả hơn.
Là cha mẹ, bạn nên làm gì?
Gợi ý. Nếu bạn yêu cầu con một cách nhẹ nhàng và thiện ý, con bạn-vốn luôn muốn làm bạn hài lòng- sẽ đáp lại một cách lễ phép. Thay vì nói không, bạn hãy gợi ý cho con một điều gì đó khác. Ví dụ, nếu con bạn chơi bóng trong nhà, bạn đừng nên hét lên với con “Đừng có chơi ném bóng trong phòng khách”. Thay vào đó, hãy nói “chúng ta cùng ra ngoài sân chơi đi con”. Nếu con bạn đang sáng tạo một cách say sưa và làm vương vãi keo dính ra khắp sàn nhà, hãy yêu cầu con trải báo dưới sàn để giữ sạch. Có như vậy, bạn mới có thể tạo điều kiện cho con phát triển về mọi mặt chứ không phải là ngăn cản chúng.
Đưa ra các phương án khác – kèm theo những lời giải thích. Bất kì ai – đặc biệt là các bé ở tuổi mẫu giáo luôn luôn muốn mình độc lập và tự chủ trong bất kì việc gì. Do đó, các bé sẽ thích được cha mẹ cho phép lựa chọn hơn là phải tuân thủ một mệnh lệnh. Chẳng hạn, nếu bé đòi ăn kẹo trước bữa trưa, hãy nói con được lựa chọn ăn nho hoặc ăn táo. Bạn cũng có thể nói với con là sẽ cho con ăn và cho con chọn loại kẹo ưa thích nhất – nhưng phải sau bữa trưa. Con bạn có thể không thích các phương án mà bạn đưa ra lắm nhưng rồi bé sẽ học cách chấp nhận chúng. Ở tuổi này, bé cũng đã đủ lớn để hiểu được những điều bố mẹ giải thích rồi nên bạn có thể giải thích cho con tại sao bé nên ăn thức ăn giàu dinh dưỡng trước khi hoạt động và đốt cháy ca-lo.
Lái sự chú ý của bé theo hướng khác. Sẽ rất khó đấy nếu bạn muốn ngăn cản một đứa trẻ lên 5 làm điều chúng thích, nhưng bạn lại có thể thương lượng với bé. Hãy phân tích trường hợp sau: Bé nhìn thấy một công trường xây dựng lớn và muốn tìm hiểu về nó. Bạn sẽ làm gì? Kéo bé lại và nói “không” ư? Đó không phải là một cách hay. Trong trường hợp này, bạn nên lái sự chú ý của bé theo hướng khác bằng cách chỉ cho bé những chiếc cần cẩu và xe ủi đất ở cạnh đó – những thứ mà bạn và bé có thể quan sát một cách an toàn từ xa.
Tránh đề cập các chủ đề khiến bạn phải nói “không”. Dù thế nào đi nữa, bạn cũng phải hết sức tránh nói với bé về những chủ đề mà bạn sẽ có thể phải nói “không”. Hãy đặt các đồ vật có thể gây nguy hiểm cho bé và các vật quý giá ở xa tầm với của trẻ và đừng bao giờ để bé ở trong tình cảnh phải cố làm gì đó. Nếu bé thường xuyên đánh lộn với các bạn đến chơi vì bộ sưu tập khủng long của bé chẳng hạn, thì bạn hãy cất bộ sưu tập đó đi trước khi các bạn bé đến. Và đừng bao giờ đưa bé đến cửa hàng đồ cổ nếu bạn biết bé sẽ phải ngồi một chỗ suốt thời gian ở đó. Dĩ nhiên, bạn không thể tránh được hoàn toàn các trường hợp này, nhưng mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu bạn có thể nói “ừ” với bé nhiều hơn nói “không”.
Chấp nhận những đòi hỏi nhỏ của bé. Đúng là giờ đây, bạn đã có thể dạy bé sống có kỉ luật dễ hơn so với một năm trước nhưng đừng có lúc nào cũng nói “không” với bé. Nếu bé muốn một chiếc bánh săng-uých phết pho mát chứ không phải là trứng ốp với pho mát vào bữa sáng thì tại sao không? Nếu bé muốn mặc quần soóc màu tím và đi tất đỏ thì cũng đâu có gì xấu? Bạn hãy luôn ghi nhớ câu khẩu hiệu sau: Hãy lựa chọn lúc nào nên nói không. Nếu bé được an toàn và bạn không nhất thiết phải nói “không” thì hãy chấp nhận ý muốn của bé.
Nói điều bạn muốn. Tuy nhiên, rõ ràng là sẽ có những trường hợp mà bạn bắt buộc phải nói “không”, vậy thì đừng do dự. Hãy nói “không” một cách dứt khoát nhưng điềm tĩnh, với một nét mặt đầy tin tưởng vào những gì mình đang nói – “Không. Con sẽ không thể qua đường một mình đâu. Đường đông lắm.” Nếu bạn chỉ nói “không không con yêu” thì chưa chắc đã ngăn được bé. Khi bé làm theo lời bạn, hãy cười với bé, ôm bé và nói với bé điều gì đó, chẳng hạn như “Cảm ơn con. Con là đứa trẻ rất biết lắng nghe.”
Lượt đọc: 4,852