Dạy con cách ứng xử
Trẻ nhỏ cần được dạy cách ứng xử ngay từ khi còn bé để có thể sống và hòa nhập tốt với xã hội khi các con lớn lên. Với mỗi độ tuổi lại cần những phương pháp dạy bảo khác nhau. Sau đây là một số gợi ý mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo để định hướng cho con những cách cư xử đúng đắn.
Những việc nên làm
- Luôn động viên con và trao cho con thật nhiều tình yêu thương.
- Khen ngợi con mỗi khi con làm được một điều gì đúng, thậm chí thưởng cho con nếu cần thiết.
- Con nhỏ thường bắt chước và làm theo những hành động của bố mẹ. Hãy luôn cư xử, giao tiếp và nói năng đúng đắn để có thể làm gương cho con.
- Hãy mềm mỏng nhưng vẫn cương quyết.
- Hãy để những đồ vật dễ bị hư hỏng, dễ vỡ…ra xa tầm tay của con. Đề phòng những rắc rối có thể gây ra từ bé luôn dễ hơn nhiều so với việc giải quyết chúng.
- Hãy bỏ qua cho con trong những vấn đề nhỏ nhặt hoặc nếu bé chỉ đang gây phiền nhiễu một cách vô hại. Có nhiều vấn đề lớn hơn cần được chỉnh sửa cho bé, đặc biệt khi những hành động của con có thể gây ra tác hại hoặc nguy hiểm cho bé hoặc cho người xung quanh.
- Hãy luôn nhất quán trong việc dạy con cách ứng xử. Đừng nhân nhượng và luôn có cùng một cách phản ứng mỗi khi con có một hành động sai, nếu không con sẽ cho rằng đôi khi con vẫn có thể được bỏ qua cho những cách cư xử không đúng của mình.
- Hãy sửa sai cho con mỗi khi con làm một hành động không đúng, nhưng chỉ khi cơn giận của bạn đã nguôi. Đếm đến 10 trước khi bạn nói hoặc làm một điều gì đó có thể giúp làm giảm cơn giận của bạn và bạn lúc này sẽ có thể kiểm soát bản thân tốt hơn.
- Đưa ra những nguyên tắc thích hợp với độ tuổi của con bạn. Những nguyên tắc này có thể áp dụng thích hợp nhất với trẻ em ở độ tuổi đến trường. Những bé nhỏ hơn (trẻ sơ sinh, trẻ trước giai đoạn mẫu giáo…) sẽ chưa hiểu được rõ nguyên tắc là gì.
- Đôi khi hãy phạt con bằng cách không cho con làm một số việc con thích, như xem TV, chơi điện tử hoặc chơi cùng bạn bè.
- Hãy nói với con rằng con đã có một hành động sai, nhưng bản thân con không phải là một đứa trẻ hư hỏng.
Những việc nên tránh
- Đừng cằn nhằn hoặc phàn nàn về những hành vi xấu của con quá nhiều. Trẻ em thường có xu hướng lờ đi nếu bố mẹ nói quá nhiều.
- Đừng cố gắng phân tích nguyên nhân tại sao con đã sai nếu con nhỏ hơn 3 tuổi. Trẻ em ở độ tuổi này vẫn chưa có khả năng hiểu được những điều đó.
- Hãy cho con biết về những sai lầm của bản thân, nhưng đừng chỉ trích và phê phán.
- Đừng gọi tên con mỗi khi la mắng.
- Đừng bao giờ nói con là một đứa trẻ hư chỉ vì con có một vài hành động không đúng.
- Đừng la mắng con quá nhiều. Bị la mắng quá nhiều sẽ làm con sợ hãi, lo lắng và sẽ tìm cách lờ bố mẹ đi, đồng thời điều này cũng sẽ có những nguy cơ khiến cho cách cư xử của con càng tệ đi.
- Đừng đánh con. Nếu bạn đánh con, con sẽ cho rằng con có thể giải quyết vấn đề bằng cách đánh một ai đó. Đặc biệt không đánh con khi bạn đang giận dữ. Đừng bao giờ ném các đồ vật vào người con. Không kéo tóc, giật tay hoặc lắc người con.
Theo American Family Physician
Lượt đọc: 10,501