Cần thay đổi cách giáo dục trẻ mầm non
Hội thảo nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ trong nhà trường mầm non do Viện nghiên cứu phát triển giáo dục tổ chức diễn ra tại Hà Nội sáng 28/2.
Họ đã lái tất cả trẻ đi theo cùng một con đường và cùng chịu chung một sự đánh giá. Nhiều trẻ có thể học tập dễ dàng và tốt hơn nếu được tiếp thu kiến thức bằng chính thế mạnh của chúng
Hội thảo nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ trong nhà trường mầm non do Viện nghiên cứu phát triển giáo dục tổ chức diễn ra tại Hà Nội sáng 28/2.
“Có người nói để trẻ phát triển tự nhiên theo ý nó, tôi không đồng tình. Chúng ta phải có gợi ý chung nhất, do đó đặt vấn đề phương pháp trong giáo dục mầm non rất quan trọng”, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng bảo trợ trẻ em Việt Nam nói.
Theo bà Bình, không thể đem áp kết luận giáo dục trẻ mầm non của các nước vào chúng ta. Muốn cho các cháu phát triển thì chúng ta phải chia ra thành từng nhóm như nhóm ngôn ngữ, nhóm toán học… vì mỗi đứa trẻ phát triển không đồng đều.
Do đó, tại đây TS Lê Bích Ngọc, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm chia nhóm hoạt động giáo dục cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi theo lý thuyết thông minh đa dạng. Cụ thể, có thể chia ra các dạng thông minh: toán học, từ vựng – ngôn ngữ, không gian, âm nhạc, vận động thân thể, giao tiếp, nội tâm, thiên nhiên.
Bà Ngọc dẫn lý thuyết của nhà tâm lý học Howard Gardner (giáo sư Trường ĐH Harvard, Mỹ), mỗi trẻ đều tồn tại một vài kiểu thông minh và có một kiểu thông minh trội hơn. Một trẻ giải quyết dễ dàng một bài toán phức tạp chưa chắc đã thông minh hơn đứa trẻ khác loay hoay làm mãi không xong bài toán đó. Cậu HS thứ hai rất có thể sẽ giỏi hơn trong các dạng thông minh khác.
Trường học thông thường chỉ đánh giá trẻ thông qua 2 loại trí thông minh là về ngôn ngữ và toán học. Như vậy là bỏ rơi các dạng thông minh khác. “Họ đã lái tất cả trẻ đi theo cùng một con đường và cùng chịu chung một sự đánh giá. Nhiều trẻ có thể học tập dễ dàng và tốt hơn nếu được tiếp thu kiến thức bằng chính thế mạnh của chúng”, bà Ngọc nói rõ.
Từ đó, bà Ngọc đề xuất chia nhóm hoạt động giáo dục cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi theo lý thuyết trên để khắc phục những điểm yếu của chia nhóm truyền thống trong trường mẫu giáo hiện nay.
Từ kinh nghiệm thực tế, giáo viên Lê Thu Hằng, Trường mẫu giáo dân lập Liễu Giai (Hà Nội) lại đặt vấn đề trẻ em với khám phá môi trường xung quanh: Về mặt lý thuyết, khám phá xung quanh là trẻ đang tích cực tham gia vào các quá trình quan sát, so sánh, phân loại, sử dụng số, suy luận, dự đoán, giao tiếp…
“Giáo viên phải là người dẫn đường, hướng dẫn và tạo điều kiện cho trẻ được hoạt động, được sờ, nhìn, ngửi, nếm… và từ đó trẻ sẽ chủ động đưa ra vấn đề cần tìm hiểu”, cô Hằng giải thích.
Trên hết của việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, nhiều ý kiến đã nhấn mạnh đến việc nâng cao chất lượng của giáo viên. TS Hồ Lam Hồng, Viện nghiên cứu sư phạm đưa ra chủ đề Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non (Bộ GD-ĐT đã ban hành tháng 1/2008).
Ông Đinh Quang Báo, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển giáo dục nói rõ, đội ngũ ở mầm non đặc biệt có yếu tố quyết định vì “cô nào trò đó”.
Bao hàm các yếu tố trên, đến với hội thảo này, bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh, ban đầu phải giáo dục đứa trẻ tình thương. Trẻ được yêu thương nhưng cũng phải biết yêu thương.
Bà Bình cũng cho rằng, cần phải làm rõ mục tiêu đào tạo của mẫu giáo. Từ đó có chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Tình hình cấp mầm non hiện nay còn khó khăn nhưng rất quan trọng và phải chăm lo tốt hơn.
Lượt đọc: 4,532