Chơi như thế nào sẽ giúp trẻ phát triển
Chơi giúp trẻ phát triển và thay đổi 4 điều cơ bản: thể chất, tinh thần, giao tiếp xã hội và cảm xúc. Khi bạn tìm hiểu về điều này, hãy ghi nhớ một điều quan trọng: tất cả các bé đều khác nhau. Bạn sẽ nhận biết được điều này khi quan sát các bé chơi, sẽ thấy sự khác biệt ở trẻ em cùng độ tuổi. Một đứa trẻ hiện tại không ném được quả bóng có thể sẽ ném tốt hơn bất cứ ai trong lần tới. Hãy nhớ, có một con đường phát triển chung cho tất cả trẻ em nhưng không phải đứa trẻ nào cũng làm giống nhau và có tốc độ phát triển như nhau. Ví dụ, một số trẻ bò rất lâu trong khi đó, một số trẻ đã có thể đứng và bắt đầu đi lại. Ngay cả các cặp song sinh cũng phát triển theo những cách khác nhau tại những thời điểm khác nhau. Sự khác biệt cá nhân và tốc độ phát triển chính là nguyên tắc quan trọng trong sự phát triển của nhân loại.
Chơi và phát triển thể chất.
Khi chơi, bé học cách vận động cơ bắp. Trò chơi vận động tổng thể giúp bé phát triển cơ bắp toàn diện. Các loại trò chơi như chạy, leo trèo, nhảy lò cò sẽ giúp tay và chân bé rắn rỏi, khỏe mạnh hơn. Những cơ nhỏ như ngón tay, ngón chân cũng trở nên dễ dàng phối hợp hơn. Trẻ em thường nắm chặt các thứ bằng cả bàn tay, những bé bốn tuổi thì cầm những miếng nhỏ dễ dàng hơn. Khả năng kiểm soát các cơ sẽ xuất hiện khi bé chơi các trò như cưỡi ngựa, trèo cây, đu xà, nhảy lò cò trên đường kẻ. Khi các phần của cơ thể cùng làm việc, toàn bộ cơ thể sẽ di chuyển nhịp nhàng và hoàn thành mục tiêu. Đây được gọi là phối hợp.
Trẻ con có rất nhiều năng lượng. Chúng cần có nhiều cơ hội vui chơi để đốt cháy những năng lượng đó, sau đó chúng sẽ ăn ngủ tốt hơn và tiếp tục lớn lên. Ở mọi lứa tuổi, khả năng hợp tác vận động phụ thuộc vào kinh nghiệm khi chơi. Ví dụ, nếu một đứa trẻ chưa bao giờ được vẽ và sơn, chúng sẽ không có được kĩ năng như những đứa trẻ đã có kinh nghiệm chơi những trò này rồi.
Trẻ em nhỏ tuổi sẽ nhìn sự chuyển động màu sắc trên cũi để phát triển cơ mắt.
Trẻ lớn hơn thì sử dụng bút màu, kéo để luyện kĩ năng cắt, vẽ.
Các bé lớn nữa thì đá bóng, đi xe đạp và chơi các trò vận động khác.
Các trò chơi phát triển trí tuệ.
Các trò này giúp bé điều khiển tâm trí của mình. Nhìn trẻ chơi ta sẽ hiểu rõ hơn về tính cách cũng như suy nghĩ của trẻ. Bé học trên tất cả các giác quan: xúc giác, vị giác, thị giác, thính giác và khứu giác. Khi chơi bé nhận thức được màu sắc, kích thước, và cách sắp đặt.Học đếm sớm sẽ giúp bé hình thành khả năng lý luận và tư duy logic ngay từ sớm.
Trò chơi nên phù hợp và có độ khó vừa phải để thách thức một đứa trẻ nhưng cũng cần phải có những yếu tố dễ dàng để bé có thể vượt qua, tránh những trò khó quá sẽ làm bé rơi vào tình trạng chán nản và thất vọng lâu dài. Những phần thách thức như tìm một cái gì đó, chẳng hạn như một mẩu ghép hình sẽ làm bé hứng thú và hoàn thành công việc.
Trẻ em làm rất nhiều thử nghiệm khi chơi các trò chơi. Chúng sẽ tự nhận ra một điều nếu bị bẩn thì sẽ khó chịu như nào, chúng cũng phát hiện ra một số đồ chơi sẽ nặng hơn các đồ chơi khác. Bé tìm hiểu tên, màu sắc và nhận ra những gì nguy hiểm cho bản thân. Bé học cách bắt chiếc những gì người khác làm và làm thế nào để chia sẻ thông tin.
Trẻ em cũng suy nghĩ rất kĩ về những gì mình làm và cũng thử thực hiện những ý tưởng của riêng mình. Khi xếp các khối chồng lên nhau, có thể bé sẽ đứng lên cao để xếp. hoặc khi chơi búp bê, bé sẽ mặc và cởi quần áo cho búp bê . Chơi giúp các cơ quan trong cơ thể phối hợp nhịp nhàng để hoàn thành nhiệm vụ.
Trí tưởng tượng của trẻ em rất phong phú. Một đứa trẻ sẽ nghĩ ra được rất nhiều trò từ bút màu, sáp, nước, sơn, cát, giấy, hộp dụng cụ, vật tư để chơi trò cửa hàng hay các bộ trang phục. Vui chơi sẽ mang đến cho bé những niềm vui thực sự. Đôi khi bé không chơi mà chỉ cần quan sát những gì người lớn làm cũng hình thành nên những quá trình trong đầu bé.
Trò chơi và sự phát triển xã hội.
Khi bé chơi với những người khác, bé sẽ hình thành những kĩ năng phát triển xã hội. Những nhà nghiên cứu trẻ em nhận thấy rằng quan hệ xã hội của bé khác nhau theo từng độ tuổi.
Trẻ sơ sinh
Hầu hết các trẻ sơ sinh chỉ hay chơi với bố, mẹ hoặc các thành viên trong gia đình. Bé có cảm giác yên tâm. Bạn có thể hát cho bé nghe, bế bé hoặc cho bé ngồi lên đùi, bụng mình. Bé sẽ cười, thậm chí là cười lớn. Khi lớn thêm một chút, các trò chơi đơn giản như ú òa cũng làm cho bé cảm thấy rất vui.
Chơi một mình (bé còn chập chững)
Các bé trong độ tuổi này thường không thích chơi với các bạn cùng lứa, chúng có thể ngồi cạnh nhau, nhìn thấy nhau nhưng ko thích chơi với nhau.
Khi trẻ khoảng 2 đến 2 tuổi rưỡi sẽ bắt đầu hơi chú ý đến trẻ khác bằng cách chạm vào và nói một hai câu.
Trẻ mầm non
Ở độ tuổi này, trẻ thích chơi với trẻ khác nhưng chúng không tương tác với nhau nhiều lắm. Chúng chơi cạnh nhau, xem và lắng nghe nhau. Đôi khi chúng cũng chơi chung một trò chơi.
Chơi kết hợp
Ở độ tuổi này bé vẫn làm việc riêng theo ý mình, bé bắt chước những đứa trẻ khác và những gì người khác làm. Bé ngồi cạnh một hộp cát, quan sát những đứa trẻ khác và lặp lại những hành động theo chúng.
Chơi hợp tác
Khi kĩ năng nghe và nói phát triển hơn, bé thích giao tiếp, bàn luận với các bạn, lên kế hoạch về những việc mình muốn làm. Bé thử đóng các vai trong xã hội. Chơi trò bố mẹ, đến nhà thăm hỏi nhau và thử tạo các mối quan hệ.
Chơi và phát triển tình cảm.
Sơn, vẽ và cảm thụ âm nhạc. Những điều này giúp bé phát triển đồng đều tất cả các giác quan, học cách điều khiển cơ thể, tình cảm và cảm xúc của chính bản thân mình. Bé thấy vui vẻ, hạnh phúc khi được ngắm nhìn, vẽ những màu đẹp theo ý mình, cảm nhận những giai điệu ngọt ngào hay chơi một trò chơi hấp dẫn. Chơi với búp bê, các con vật hoặc các công cụ thợ mộc giúp bé thể hiện cảm xúc của mình như tức giận, yêu thương, nhường nhịn…
Trong các trò chơi đóng vai, bé thoải mái thể hiện cảm xúc của mình, những cảm xúc đó không phải lúc nào bé cũng có thể biểu hiện ở ngoài đời thật. Khi bé được khuyến khích để kể một câu chuyện riêng của mình, vẽ một bức tranh, biểu hiện chân thật cảm xúc cá nhân hay xây dựng một thế giới riêng, bé sẽ cảm thấy mình được tôn trọng, bé cũng tự tin hơn và khả năng biểu đạt theo đó cũng tăng thêm. Bạn cũng nên lắng nghe, tạo cho bé nhiều cơ hội và thỉnh thoảng hãy ôm.
Translator: Vũ Lan Phương
Lượt đọc: 9,497