Cùng bé làm họa sỹ truyện tranh
- Truyện tranh là một loại phương tiện truyền thông đặc biệt. Nó vừa là một loại truyện kể trực quan, lại vừa có chỗ để trẻ thỏa sức tưởng tượng. Còn điều gì thú vị hơn đọc một quyển truyện tranh đầy màu sắc? Đó là tự tay mình sáng tạo ra nó.
Truyện tranh có nguồn gốc từ chữ tượng hình ở Ai Cập, nhưng phải đến cuối những năm 1800 mới xuất hiện các biểu tượng “quả bóng” hình tròn chứa lời thoại của nhân vật. Hồi đầu, những tác phẩm truyện tranh chủ yếu có đề tài hài hước, do đó thuật ngữ “truyện tranh” (comic) còn có nghĩa là “hài hước”. Càng ngày, truyện tranh càng có nhiều đề tài phong phú, và rất nhiều trong số đó lấy đề tài về các anh hùng.
Một trong những điều tuyệt vời về truyện tranh là ai cũng có thể sáng tạo nên một quyển truyện tranh, miễn là người đó có một câu chuyện để kể. Những đứa trẻ chính là chủ sở hữu của cả một kho truyện kể. Và chỉ cần một vài vật liệu đơn giản cộng với một trí tưởng tượng phong phú, bé hoàn toàn có thể bắt đầu sáng tạo một quyển truyện tranh.
Độ tuổi đầu tiểu học
Ngay khi bé bắt đầu tự “điều khiển” được chiếc bút chì trong tay là lúc bé có thể vẽ ra một số nhân vật và cảnh truyện. Sử dụng mẫu là một quyển truyện tranh, có thể là quyển truyện chính tay bạn đã làm, sau đó thực hiện theo các bước sau:
Yêu cầu trẻ kể/ đọc lại câu chuyện. Ghi lại các sự kiện và từ khóa. Chia các sự kiện và từ khóa thành các ô truyện khác nhau.
Bắt đầu phác thảo các sự kiện chính, dần hình thành một “bản thảo”. Khuyến khích trẻ tự làm việc này. Nhớ đánh dấu các trang để tránh nhầm lẫn thứ tự các sự kiện.
Thực hiện vẽ dần các nhân vật chính đến khi thể hiện rõ tính cách nhân vật trong bản vẽ cuối cùng.
Cùng quyết định xem các nhân vật sẽ làm gì hoặc nói gì trong từng ô truyện. Mở rộng ô hoặc thêm ô mới để nội dung câu chuyện rõ ràng hơn. Vẽ các biểu tượng “quả bóng” và thêm lời thoại cần thiết. Vậy là bạn đã hoàn thành bản thảo.
Trẻ nhỏ hơn có thể bắt đầu từ một câu chuyện chỉ với 3 đến 6 ô. Không cần thiết phải sử dụng lời thoại nếu các bức tranh đã đủ để kể cả câu chuyện. Khi bạn đã có đầy đủ cả câu chuyện và hài lòng với nhân vật được xây dựng, bạn có thể bắt đầu xây dựng ô truyện cuối cùng.
Thực hiện câu chuyện trên từng ô riêng lẻ (trẻ 5-6 tuổi bắt đầu với ô truyện bằng cả tờ giấy A4, trẻ 7-9 tuổi có thể thực hiện các ô truyện nhỏ hơn). Tô màu các ô truyện. Đừng quên thêm các biểu tượng thể hiện trạng thái nhân vật, như tức giận, bối rối, vui mừng, yêu thương,…
Gắn bìa cho các ô truyện và gắn các ô truyện theo đúng thứ tự. Thiết kế bìa, nhớ đề tên truyện, tên tác giả ở ngoài bìa sao cho thật bắt mắt.
Đọc lại toàn bộ câu chuyện. Khuyến khích trẻ chia sẻ “tác phẩm” của mình với người thân hoặc bạn bè.
Cần lưu ý:
- Bắt đầu thật đơn giản.
- Một số câu chuyện chỉ cần được thể hiện bằng các hình vẽ.
- Yêu cầu trẻ kể lại câu chuyện nếu trẻ chưa biết viết và hướng dẫn trẻ lưu ý các sự kiện chính.
- Kết thúc công việc khi trẻ vẫn còn hứng thú chứ không phải khi trẻ đã thấy chán.
Độ tuổi cuối tiểu học
Trẻ ở độ tuổi này đã có thể kể những câu chuyện phức tạp và thực hiện các bức vẽ tinh tế hơn. Có thể thực hiện theo các bước như ở trên, ngoài ra khuyến khích trẻ sử dụng thêm phần mục lục để đánh dấu các sự kiện của câu chuyện. Để trẻ hiểu rằng có thể cần phải mất công với vài ô truyện trước khi có được 1 ô truyện theo ý muốn. Ở độ tuổi này, trẻ có thể sáng tác 1 cuốn truyện dài 6 đến 12 ô truyện.
Cho phép trẻ tham khảo các loại truyện tranh khác nhau (ba mẹ nên lưu ý về nội dung truyện trước khi cho trẻ đọc) để trẻ có nhiều ý tưởng phong phú về nội dung và bối cảnh câu chuyện. Nếu có điều kiện, giúp trẻ thành lập một “Câu lạc bộ truyện tranh”, cùng nhau trao đổi các tác phẩm và kinh nghiệm khi sáng tác. Nếu không, một bữa tiệc sinh nhật cũng có thể xoay quanh chủ đề truyện tranh và là cơ hội cho những người bạn thực hiện hoạt động này ngay trong bữa tiệc.
Đến tuổi này, trẻ có thể không cần đến sự giúp đỡ của cha mẹ, do đó nên tạo điều kiện phù hợp với từng mức độ độc lập của trẻ. Trên hết, hãy tạo cơ hội cho trẻ có hứng thú với hoạt động sáng tạo đầy ý nghĩa này.
Cần lưu ý:
- Trẻ lớn có thể thực hiện các câu chuyện phức tạp với các bản vẽ tinh tế hơn.
- Để trẻ hiểu được rằng mọi tác giả trước khi có được một tác phẩm ưng ý đều phải bỏ đi một số bản thảo và phải tốn khá nhiều thời gian và công sức. Điều này sẽ rèn luyện tính kiên trì khi thực hiện một mục tiêu của trẻ.
- Cho trẻ tham khảo các thể loại truyện tranh khác nhau.
- Một “câu lạc bộ truyện tranh” hoặc các hoạt động xung quanh chủ đề truyện tranh là nguồn tạo thêm hứng thú cho trẻ.
Lượt đọc: 2,549