Dạy con kinh doanh từ tấm bé
Duane Spires – CEO của công ty Extreme Youth Sports (EYS – công ty chuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa và trại hè cho trẻ em) đã đúc rút mười bước để dạy trẻ làm quen với công việc kinh doanh.
Ngày nay, hầu hết các chủ doanh nghiệp không muốn con em mình dừng lại ở mức độ thành công như họ. Họ muốn con em họ thật thành công với việc tạo lập doanh nghiệp riêng. Duane Spires – giám đốc điều hành của công ty Extreme Youth Sports (EYS – công ty chuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa và trại hè cho trẻ em) đã đúc rút mười bước để dạy trẻ làm quen với công việc kinh doanh.
1. Đề ra mục tiêu – điều thiết yếu để chạm tới thành công
Dạy con trẻ cách thức đề ra mục tiêu và hoàn thành mục tiêu của bản thân chúng là một hoạt động vui vẻ và thú vị! Bạn có biết rằng nếu bạn viết mục tiêu của mình ra giấy một cách chi tiết, khả năng bạn đạt được mục tiêu đó tăng lên đến trên 80%?
Dạy bằng cách nào: Yêu cầu con bạn suy nghĩ và viết ra 10 mục tiêu mà chúng quan tâm nhất, sau đó hãy giúp con chọn một mục tiêu mà theo bạn là có tác động tích cực nhất tới cuộc sống sau này của chúng. Nhắc nhở con tập trung vào mục tiêu này. Tiếp theo, cùng con lập ra các bước cần thiết để hoàn thành mục tiêu thú vị này và khuyến khích con hành động ngay từ lúc đó.
2. Học cách nhận biết và nắm bắt cơ hội
Có một sự thật rằng hàng ngày, nhiều người trong chúng ta vẫn bỏ lỡ những cơ hội quý giá. Dạy lũ trẻ cách tìm kiếm và nắm bắt cơ hội là một trong những cách thức làm tăng cơ hội thành công của chúng trong tương lai.
Dạy bằng cách nào: Khen ngợi, khích lệ, động viên chúng ngay cả đối với những chuyện nhỏ nhặt hoặc những vấp ngã khiến chúng đau khổ như: bánh mì bị ngấm nước trong giờ ăn trưa hay không thể với đến những đồ vật ở trên giá cao. Áp dụng giải pháp brainstorm – tập trung suy nghĩ sẽ giúp chúng tìm kiếm giải pháp tối ưu để giải quyết khó khăn thay vì chỉ tập trung vào vấn đề. Thói quen này còn cho phép chúng nảy sinh những ý tưởng có lợi cho doanh nghiệp tương lai của mình.
3. Kỹ năng bán hàng – tác động tới mọi giai đoạn của cuộc sống
Kỹ năng này phát huy tác dụng trong suốt cuộc đời lũ trẻ. Từ bán sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng đến thu hút vốn từ các nhà đầu tư… Kỹ năng này vô cùng quan trọng cho sự thành công trong bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào.
Dạy bằng cách nào: Khuyến khích lũ trẻ bắt đầu với các dự án nhỏ như bán đồ chơi cũ, nước chanh, hay bán hàng handmade. Hãy để chúng tự định giá, chào bán các sản phẩm và thực hiện giao dịch.
4. Khả năng quản lý tài chính – điều bắt buộc
Dạy con trẻ về tiền bạc khi con còn nhỏ sẽ giúp các bé có được một nền tảng kiến thức tài chính vững chắc mà hiếm ngôi trường nào có thể dạy được.
Dạy bằng cách nào: Tạo cơ hội cho lũ trẻ tự kiếm tiền thông qua việc vặt, các kế hoạch kinh doanh nho nhỏ hay thậm chí là giúp đỡ công việc kinh doanh của chính bạn. Dạy chúng tự thanh toán. Dạy chúng về đầu tư và cách thức tiền sử dụng tiền của mình để “tạo ra thêm tiền” trong tương lai. Giúp chúng mở một tài khoản ngân hàng và học cách quản lý thu nhập của mình.
5. Cảm hứng sáng tạo – rèn luyện kỹ năng tiếp thị
Dạy lũ trẻ về tiếp thị là một cách tuyệt vời để chuẩn bị cho chúng thu hút khách hàng cho doanh nghiệp trong tương lai của chúng bởi lẽ nếu như không có khách hàng, ngay cả doanh nghiệp lớn nhất sẽ sụp đổ.
Dạy bằng cách nào: Tạo ra lòng hiếu kỳ khám phá cho trẻ em về việc quan sát các phương tiện tiếp thị như bảng, biểu ngữ quảng cáo ở phía trước cửa doanh nghiệp, quảng cáo trên các tạp chí và trên truyền hình, đài phát thanh. Yêu cầu chúng chú ý tới các thông điệp và khuyến khích chúng suy nghĩ về phương tiện tiếp thị cho doanh nghiệp trong ý tưởng của chúng.
6. Các trường học thường có quan niệm sai lầm về THẤT BẠI
Hẳn là ở trường, chúng ta đều được dạy rằng thất bại là không tốt. Trong lĩnh vực kinh doanh, thất bại có thể trở thành một cơ hội nếu bạn biết cách đúc rút những kinh nghiệm quý báu cho bản thân.. Napoleon Hill, tác giả của cuốn sách “Nghĩ giàu – làm giàu” từng chia sẻ: “Mỗi lần thất bại là một lần ta có được một hạt giống nảy nở thành lợi ích ngang bằng hoặc lớn hơn những gì bạn đã mất đi.”
Chấp nhận thất bại của con trẻ là động lực giúp chúng tìm ra những con đường mới để hoàn thành mục tiêu và học hỏi từ những sai lầm của mình. Hơn nữa, điều này còn mang lại sự tự tin và kiên trì cho trẻ, nhất là trong những thời điểm khó khăn.
Dạy bằng cách nào: Khi trẻ gặp thất bại, thay vì trừng phạt, hãy cùng con tìm ra những yếu tố dẫn đến thất bại và cùng suy nghĩ cách để thất bại này sẽ không xảy ra thêm một lần nào nữa. Luôn tìm kiếm cơ hội học hỏi và khuyến khích con không bao giờ TỪ BỎ.
7. Giao tiếp hiệu quả – Thúc đẩy mọi mối quan hệ
Hầu hết trẻ em ngày nay đều coi giao tiếp mặt đối mặt và điện thoại là điều “khủng khiếp” bởi sự phổ biến của các phương tiện truyền thông xã hội và tin nhắn văn bản. Trong khi đó muốn trở thành một doanh nghiệp thành công đòi hỏi phải giao tiếp trực tiếp với đối tác. Dạy trẻ cách giao tiếp hiệu quả sẽ giúp chúng tới gần thắng lợi trong kinh doanh và trong các mối quan hệ cá nhân của mình.
Dạy bằng cách nào: Đầu tiên, dạy con biết lịch sự và tôn trọng. Quan trọng nhất là thực hành giao tiếp bằng mắt khi nói chuyện với người đối diện. Khi sử dụng điện thoại, dạy trẻ nói chậm rãi và rõ ràng. Ngoài ra, dạy trẻ em giao tiếp qua thư điện tử cũng mang lại những lợi ích lâu dài. Không cho phép chúng viết tắt các từ và cụm từ mà cần viết đúng ngữ pháp, các câu chữ được liên kết với nhau và truyền tải một thông điệp hoàn chỉnh, rõ ràng.
8. Lòng yêu thương – mang lại hạnh phúc
Tại sao bạn không khuyến khích con xây dựng một doanh nghiệp với một mục tiêu vĩ đại nào đó? Hãy để con trẻ phát triển tính cách luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác. Tính cách này sẽ giúp con bạn luôn khiêm tốn ngay cả khi đã rất thành công và nó sẽ cung cấp cho họ những cái nhìn sâu sắc rằng một doanh nghiệp thành công cung cấp lợi ích hơn so với chủ sở hữu của nó.
Dạy bằng cách nào: Khi trẻ suy nghĩ về ý tưởng kinh doanh của mình, yêu cầu chúng nghĩ về hoạt động từ thiện, nơi chúng sẽ giành một phần lợi nhuận của mình để hỗ trợ những người khác. Đồng thời, giải thích một quan niệm là mọi doanh nghiệp lớn đều đóng góp vào việc cải thiện cuộc sống của người khác.
9. Độc lập – tạo ra sự tự tin
Bạn có muốn con mình trở thành một người độc lập và thành công hay không? Hầu hết các câu trả lời là có! Những suy nghĩ kinh doanh sẽ giúp trẻ tự mình tạo ra thành công, trở thành nhà lãnh đạo chuyên nghiệp trong tương lai.
Dạy bằng cách nào: Lần sau, nếu con bạn xin tiền để mua một món đồ chơi yêu thích, hãy yêu cầu chúng suy nghĩ cách tạo ra tiền thông qua kinh doanh. Điều này sẽ truyền cảm hứng cho tư duy sáng tạo và nảy sinh các ý tưởng kinh doanh.
10. Tận dụng lợi thế trở thành người lãnh đạo ngay bây giờ
Ở trường, trẻ em được dạy phải tuân thủ các quy tắc. Chúng được bảo phải học và ghi nhớ các sự kiện thay vì trở thành một người tư duy độc lập. Để trở thành người chủ doanh nghiệp, trẻ em nên học cách suy nghĩ “sâu xa”, tạo ra các giải pháp đột phá, và lãnh đạo các thành viên còn lại. Điều này sẽ dẫn đến thu nhập, cơ hội, và sự tự tin trong tương lai của trẻ tăng lên rất nhiều.
Dạy bằng cách nào: Tạo cơ hội cho con dẫn đầu các nhóm bạn bè trong các hoạt động vui chơi như: luyện tập thể thao ngoài trời, câu lạc bộ đọc sách, chơi nhạc, và các dự án kinh doanh nhỏ. Bạn cũng có thể cho phép con có bài phát biểu nho nhỏ tại bữa tối gia đình hay tiệc sinh nhật để cho chúng kinh nghiệm phát biểu trước công chúng!
Lượt đọc: 5,135