Dạy trẻ biết yêu lao động

Bạn có biết: “Con người bẩm sinh đã yêu lao động”? Những kiến thức về tâm lý học cho thấy, một đứa trẻ mới chập chững biết đi đã có nhu cầu muốn giúp mẹ làm việc, 2 tuổi biết lấy giúp mẹ một số đồ vật, 3 tuổi đã có ước muốn làm việc như người lớn, 4-5 tuổi đã biết tự mình thu dọn đồ chơi, quần áo và tự rửa bát đũa cho mình. Điều đó chứng tỏ, lười biếng không phải bản tính của trẻ con, mà ngược lại, đứa trẻ nào cũng thích làm việc.

Cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng làm việc của trẻ. Có thể bạn chưa nhận ra, nhưng bạn chính là tấm gương chuẩn mực và là người truyền cảm hứng cho tình yêu lao động ở con trẻ.

Độ tuổi mẫu giáo

Ở độ tuổi mẫu giáo, trẻ rất dễ có hứng thú với lao động. Những việc đơn giản như thu dọn đồ chơi hay tự bỏ quần áo bẩn vào chậu có thể trở thành trò chơi thú vị và khiến trẻ có thái độ tích cực với lao động. Hãy tạo cơ hội cho trẻ tự lựa chọn giải quyết những việc vặt quanh nhà, bạn sẽ thấy bé thực hiện rất nhiệt tình. Những công việc đó có thể chỉ là giúp mẹ gấp quần áo, thu dọn vỏ trái cây hay cho mèo ăn,… Hãy để bé tự làm, và công việc của bạn khi bé hoàn thành là khen thưởng bé: “Con giỏi quá! Con đã làm rất tốt! Ba mẹ rất tự hào vì con!”

Trẻ nhỏ đặc biệt thích làm việc cùng ba mẹ. Khi bạn chuẩn bị bữa ăn, làm vườn hay rửa xe,… hãy tạo cơ hội cho bé cùng làm. Bạn có thể mất nhiều thời gian hơn khi bạn làm một mình, nhưng đó là cách trực tiếp nhất để bạn truyền cho con cảm hứng đối với lao động.

Thực ra, làm việc vặt trong nhà cũng là dịp tốt để mở mang kiến thức cho trẻ. hãy cùng bé đi dạo một vòng trong công viên hoặc cùng nhau làm một chiếc bánh để tự thưởng cho mình.

Đây cũng là thời điểm tốt để bé tham gia vào một đội, nhóm hoạt động nào đó. Hoàn thành tốt công việc của mình cùng cả nhóm sẽ dạy trẻ cách giúp đỡ người khác mà không phàn nàn hay đòi hỏi gì cả.

Phần thưởng sau khi trẻ hoàn thành một công việc phải có ý nghĩa giúp trẻ nhận ra giá trị của lao động.

Cần lưu ý:

  • Ở độ tuổi đầu tiểu học, trẻ đã sẵn sàng với những nhiệm vụ phức tạp hơn nhưng vẫn cần sự hiện diện và khuyến khích kịp thời của ba mẹ.
  • Nên có những khoảng nghỉ giữa buổi khi trẻ làm công việc mất nhiều thời gian.
  • Tham gia vào đội/ nhóm dạy cho trẻ luôn cố gắng mà không phàn nàn, đòi hỏi gì cả.

Độ tuổi cuối tiểu học

Ở độ tuổi cuối tiểu học, trẻ có thể tự làm tốt nhiều công việc, thậm chí trẻ có thể xung phong làm những công việc mà trẻ không sẵn sàng cho lắm. Hãy nắm lấy cơ hội này để làm cùng và hướng dẫn trẻ, giúp trẻ tạo thói quen không kén việc.

Phần thưởng vẫn đóng vai trò quan trọng ở giai đoạn này. Tất nhiên những công việc như tự chăm sóc bản thân vẫn là nhiệm vụ tất yếu của trẻ, nhưng một số công việc đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực cần có phần thưởng rõ ràng khi được hoàn thành.

Bản thân ba mẹ phải luôn duy trì sự hứng thú trong lao động nếu bạn muốn con mình luôn nhiệt tình với công việc. Ba mẹ hãy thể hiện sự chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trước mặt con trẻ- chắc chắn đây sẽ trở thành chuẩn mực mà trẻ noi theo.

Cần lưu ý: 

  • Tiếp tục hướng dẫn trẻ với những công việc phức tạp hơn.
  • Có phần thưởng đối với một số công việc nhất định.
  • Ba mẹ vẫn là tấm gương cho trẻ về tình yêu đối với lao động.

 

Lượt đọc: 7,644