Để trẻ vượt qua cảm giác lo lắng ngày đầu đến trường – Phần 1
Bước vào năm học mới sau 2 tháng hè nghỉ ngơi, con không thể tránh khỏi những lo lắng về những gì sẽ diễn ra trong năm học sắp tới. Vậy, bố mẹ cần làm gì để có thể giúp con tìm thấy được sự thoải mái trong những ngày đầu của năm học mới và quen với lịch học ở trường học
Hãy thể hiện cho con biết bạn quan tâm đến con như thế nào: Nếu con của bạn đang lo lắng về trường học, hãy gửi đến con một lời nhắn đặt trong hộp cơm hoặc cặp sách của con. Củng cố khả năng giải quyết các vấn đề của con bằng cách cho con lời khuyên hoặc tâm sự với con. Trẻ con dễ bị ảnh hưởng bởi sự lo lắng của cha mẹ vì vậy bạn cần là một tấm gương về sự lạc quan và tự tin đối với con. Bạn hãy giúp con hiểu rằng bất kỳ khi nào con bắt đầu làm một việc gì đó cảm giác bối rối, lo lắng là rất tự nhiên và chắc chắn rằng, mọi thứ sẽ dần bình thường một khi con đã quen được với bạn học, thầy cô và trường học. Cho con thấy rằng ngay cả cha mẹ cũng có khi phải lo lắng khi bắt đầu một công việc mới. Hãy kể cho con nghe những trải nghiệm của bạn để con có thể biết được bạn đã đối phó với những căng thẳng đó như thế nào.
Đừng tạo quá nhiều áp lực cho con: Nếu một vài ngày đầu tiên có chút khó khăn thì bạn cũng không nên ép buộc con. Trẻ nhỏ lúc ban đầu thường tỏ ra nhút nhát, lo lắng, tách biệt với các bạn nhưng những giáo viên có trình độ sư phạm sẽ có đủ khả năng giúp con bạn điều chỉnh những cảm giác đó. Khi bạn đưa con đến trường, cố gắng không nấn ná ở lại trường cùng con. Trấn an tinh thần con rằng bạn rất yêu con, sẽ nhớ đến con cả ngày và sẽ đón con đúng giờ. Hãy duy trì sự bình tĩnh và suy nghĩ tích cực.
Giúp con vượt qua nỗi sợ hãi do những vấn đề xảy ra với con trong những năm học trước: Những đứa trẻ có một khoảng thời gian khó khăn trong học tập, khả năng hòa nhập hoặc đã từng bị chọc ghẹo, bắt nạt thường nơm nớp cảm giác sợ hãi hoặc có xu hướng từ chối quay lại trường học. Nếu con bạn chưa sẵn sàng đến trường, hãy dành thời gian chia sẽ những mối lo lắng về trường học và giúp con biết cách làm thế nào để đối phó với những trường hợp xấu có thể phát sinh. Bạn nên làm con yên tâm rằng những vấn đề tương tự ở trường cũ sẽ không xảy ra ở trường mới, và rằng bạn cũng như những người có trách nhiệm ở trường học sẽ cùng góp sức ngăn chặn những hành động xấu đó. Rèn luyện cho con khả năng giải quyết vấn đề. Lời khuyên hữu ích dành cho cha mẹ đó là hãy giúp con vạch ra một vài chiến thuật hợp lý để ứng phó với những tình huống khó khăn mà con sẽ gặp phải. Tuy nhiên, bạn vẫn cần phải động viên con không sợ những lời đe dọa và khi vấn đề vẫn tiếp tục xảy ra con phải nói ngay với cha mẹ hoặc giáo viên. Bên cạnh đó, bạn cũng cần duy trì liên lạc với nhà trường để tiện trao đổi thông tin.
Sắp xếp hài hòa ngày học và ngày chơi: Cố gắng hòa đồng với cộng đồng xung quanh bằng cách tổ chức các buổi vui chơi cùng nhau với sự góp mặt của những người bạn mới có thể là bạn cùng lớp với con bạn trước ngày đến trường. Những buổi đi chơi chung này nên duy trì trong những tuần đầu bắt đầu năm học. Điều này sẽ giúp con bạn có những mối quan hệ xã hội tốt với những bạn cùng trang lứa.
Lên kế hoạch làm các hoạt động tình nguyện cho lớp học của con: Nếu có thể, ít nhất bạn nên tham gia các hoạt động tình nguyện của hội phụ huynh theo định kì trong năm học. Làm vậy, bạn sẽ giúp con hiểu rằng sinh hoạt ở trường và cuộc sống ở nhà có mối quan hệ mật thiết với nhau, đồng thời thể hiện cho con thấy mối quan tâm của bạn đến tình hình học tập của con nhiều đến mức nào. Tham gia những hoạt động tình nguyện này cũng góp phần tạo mối quan hệ thân thiết với các giáo viên dạy con cũng như bạn bè của con, đồng thời bạn cũng được trực tiếp tiếp xúc với môi trường học tập, thói quen học tập của con. Hầu hết các giáo viên đều rất hoan nghênh sự giúp đỡ của phụ huynh trong những dịp quan trọng, ngay cả khi bạn không thể tham gia thường xuyên.
Thực hiện theo những gợi ý trên đây, các phụ hunh có thể yên tâm rằng trẻ nhỏ sẽ thoải mái bắt đầu năm học mới mà không gặp phải khó khăn gì quá lớn.
Lượt đọc: 1,982
- Bí quyết giúp phát triển và rèn luyện sự tập trung cho trẻ
- 10 cách giúp bé tập trung
- Cẩm nang nuôi dạy trẻ 5-6 tuổi
- Điều gì sẽ xảy ra với chiếc kẹo cao su mà bé nuốt?
- Giúp con làm quen với trường học mới – Phần 3
- Giúp con làm quen với trường học mới – Phần 2
- Giúp con làm quen với trường học mới – Phần 1
- Giúp trẻ thích nghi với môi trường học tập mới
- 10 lời khuyên giúp thắt chặt mối quan hệ giữa cha và con trai
- Dạy con về lòng tốt