Giao tiếp với con: Trò chuyện với con như thế nào?

Phần lớn mọi người thở phào khi con họ đến tuổi đi học. Nhưng bản thân tôi lại cảm thấy lo lắng khi bé ở ngoài sự trông chừng của tôi. Tôi đã ở cạnh bé suốt 5 năm và giờ đây tôi thấy lo khi để bé tiếp xúc với một thế giới rộng lớn hơn bên ngoài. Điều tôi muốn làm nhất nhưng cũng khó khăn nhất hiện thời là làm sao để bé kể cho tôi nghe một ngày của bé khi không có tôi, vì chỉ như vậy tôi mới có thể nắm được những việc xảy ra quanh bé và những thay đổi ở bé.

Dưới đây là một vài mẹo tôi sử dụng để giải quyết vấn đề này. Chúng có thể sẽ có ích cho bạn nếu bạn đang gặp phải vấn đề tương tự:

1. Nếu bạn hỏi bé “Ngày hôm nay của con thế nào?” hoặc “ Con đã làm gì hôm nay?”, thì có lẽ câu trả lời bạn nhận được sẽ chỉ là “Chả có gì cả mẹ ạ, toàn chuyện lặt vặt.” Những câu hỏi này có vẻ hơi rắc rối với đầu óc non nớt của trẻ. Bạn nên hỏi một câu hỏi khác, chẳng hạn như “Hôm nay con có gì vui không?”. Nhớ là đừng hỏi cụ thể quá, hãy để cho bé suy nghĩ và trả lời.

2. Khi bạn đã nắm được một chút thông tin, hãy nhẹ nhàng hỏi để con bạn giải thích thêm với bạn về các hoạt động đó. Bạn có thể yêu cầu con miêu tả lại cho bạn. Hãy cố gắng nhắc đến tên một vài bạn khác của bé trong câu chuyện và thường xuyên nhắc đến chúng.

3. Khi bé bắt đầu ghép các việc bé hoạt động trong ngày lại với nhau thì bạn hãy hỏi bé “và điều gì xảy ra tiếp theo?”, “Và con đã thực hiện nó thế nào? ”, “Mẹ có thể thử làm nó cùng con được không?”

4. Hãy luôn nhớ rằng cả bạn và bé đều cần chờ cho đến lúc cả hai đều có thể suy nghĩ mạch lạc. Đừng hỏi han con lúc bé vừa về tới nhà, lúc bé đang đói hay đang khát, hay lúc bé đang chơi. Tư duy non nớt của bé không thể xử lý được quá nhiều việc cùng một lúc. Bạn cũng cần thể hiện với bé rằng bạn đang rất quan tâm tới câu chuyện, nếu không bé sẽ không muốn kể. Khoảng thời gian tốt nhất để hỏi han bé có lẽ là sau bữa tối hoặc sau một bữa ăn nhẹ nào đó.

5. Chỉ nên tập trung vào một thông tin tại một thời điểm. Đừng hy vọng là bạn sẽ có một tóm tắt hoàn hảo về cả một ngày của bé. Điều đó sẽ giống như là đang nhổ những chiếc răng, nhưng ngay cả các bác sĩ nha khoa cũng cần phải rất mềm mỏng.

6. Đừng tạo cho bé cảm giác là bạn đang tra khảo bé với quá nhiều câu hỏi. Hãy hỏi nhưng sao cho chúng có vẻ như đang xoay quanh một câu chuyện và bé sẽ không trả lời với chỉ một từ. Hãy dùng tay để minh họa. Hãy khuyến khích sự nhiệt tình của bé đối với những gì bé đã làm trong ngày. Hãy thể hiện sự quan tâm của bạn tới các hoạt động của bé và chia sẻ với bé rằng bạn nghĩ các hoạt động đó thú vị đến nhường nào.

7. Hãy hỏi con bạn những câu hỏi như, “Và sau đó thế nào con?” hay “ Chuyện gì đầu tiên nhỉ?” Hãy dạy con cách sắp xếp các ý nghĩ bằng những câu hỏi về những điều xảy ra tiếp theo.

8. Bạn hãy nhớ rằng các bé chưa ở tuổi đi học thì không hay giữ bí mật. Các bé chỉ không thể tóm tắt mọi chuyện theo cái cách người lớn làm; và cũng không biết cách tách bạch các ý nghĩ khỏi những việc đang làm. Bạn cần luôn bên con, dạy cho con nghệ thuật giao tiếp dù nó không phải quá phức tạp.

Đây là một trải nghiệm mới cho mỗi chúng ta. Dĩ nhiên, khi đứa con thứ bắt đầu đi học, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn vì ta đã có kinh nghiệm. Khi con cái sắp sửa đến trường, chúng ta phải nằm lòng những điều này rồi. Nếu không thì khi các con đến tuổi vị thành niên-tuổi “teen”, chúng ta có lẽ sẽ chẳng khi nào có được những câu trả lời nữa.

Nhưng giờ đây, chúng ta đều đang học hỏi những điều mới và tôi tin rằng đây cũng là một điều cần phải học. Tôi mong rằng với tình yêu thương vô điều kiện, sự quan tâm và lòng nhiệt tình mà tôi dành cho con cũng như những gì chúng làm mỗi ngày, con cái tôi sẽ ngày càng thích chia sẻ với tôi nhiều điều hơn là “ngày hôm nay của con thế nào?”. Tôi hy vọng chúng sẽ cảm thấy rằng chúng có thể tâm sự với tôi về cả những điều xấu và điều tốt, bởi vì dù bên ngoài mọi chuyện có vẻ như là tôi để con tự lớn lên …nhưng về bản chất, tôi luôn theo sát con mỗi bước vào đời.

Chúc may mắn!

Lượt đọc: 5,434