Giúp trẻ học phép lịch sự ngay từ tấm bé

Phép lịch sự chính là nền tảng căn bản để xây dựng con người chúng ta. Nhờ giữ phép lịch sự, chúng ta sẽ gây được cảm tình của những người chung quanh. Và một khi đã gây được cảm tình, chúng ta sẽ dễ dàng tiến tới thành công. Vì thế người ta thường bảo: lịch sự là chiếc chìa khóa bằng vàng có thể mở được mọi khung cửa.

Tuy nhiên, phép lịch sự đòi hỏi chúng ta phải thành thực, tránh đi mọi hình thức bôi bác giả hình. Và muốn uốn nắn con trẻ biết cư xử lịch sự, thì chính người lớn chúng ta cần phải là những người đi tiên phong, làm gương để con trẻ noi theo.

Dưới đây là những phương pháp giúp con trẻ học được phép lịch sự ngay từ nền giáo dục của gia đình.

1-     Bản thân cha mẹ cũng phải tốt: nếu đã chứng kiến cảnh cha hoặc mẹ đùng đùng nổi cơi tam bành hoặc lớn tiếng nạt nộ người khác thì bạn cũng đừng ngạc nhiên khi thấy trẻ cũng có thái độ tương tự như vậy.

2-     Ðừng bỏ qua hay tán thưởng cho cách cư xử bất lịch sự: thỉnh thoảng bạn không nín cười được khi nghe con bạn vụng về nói chuyện điện thoại với bạn và tiếng cười đó vô tình làm tăng khả năng chẳng mấy chốc con bé sẽ lặp lại hành động đó trong trường hợp tương tự.

3-     Biết cách kềm chế bản thân: rất có thể bạn sẽ nổi giận khi thấy con mình đang giành ăn bánh với bạn nhưng cũng đừng quát nạt con trước mặt người khác, tốt nhất là dẫn con đến chỗ khuất để khuyên nhủ và giải thích.

4-     Giải thích lý do: Lịch sự, hòa nhã có nghĩa là hiểu rõ về cảm xúc của người khác. Vì vậy giải thích cho bé hiểu thái độ bất lịch sự của nó khiến cho mọi người tức giận. Ðưa ra trường hợp nếu có người nào cư xử khiếm nhã như vậy thì chắc hẳn bé sẽ không thích.

5-     Khuyến khích hơn là trừng phạt: bạn không thể uốn nắn trẻ trở thành một đưa bè hòa nhã chỉ trong một sớm một chiều. Chỉnh sửa bé từ từ, không thể gấp được.

6-     Mềm dẻo một chút: không cần phải chụp lấy bất cứ hành động nào của trẻ để chỉ trích bởi bản thân chúng ta thỉnh thoảng cũng làm lỗi cơ mà. Thỉnh thoảng cũng nên lờ đi một số hành động hơi “chướng tai, gai mắt” nhưng bạn hiểu là trẻ không cố ý làm điều đó.

                                                                                                                                     Lan Phương

Lượt đọc: 3,842