Khuyến khích trẻ học

Các bậc làm cha mẹ và các giáo viên trên toàn cầu đang đau đầu tìm hiểu xem tại sao học sinh ngày nay lại càng ngày càng không quan tâm đến việc học và các công việc ở trường. Trước đây nhiệm vụ của cha mẹ luôn là cố gắng tạo điều kiện đầy đủ cho con học hành và bảo đảm rằng bài tập về nhà của chúng được hoàn thành đầy đủ. Nhiệm vụ của các nhà giáo là cung cấp thông tin và hướng dẫn học sinh của mình thông qua các bài tập. Những điều này dường như đã không còn tác dụng nữa. Cả cha mẹ và thầy cô phải liên tục phát kiến ra những phương pháp mới để đảm bảo việc học tập tốt của trẻ ở trường. Và có vẻ như đôi lúc họ còn phải dùng cả đến biện pháp mua chuộc.

Có lẽ, một trong những nguyên nhân của việc này là sự thiếu hiểu biết về những điều thực sự thúc đẩy học sinh ngày nay. Động lực là một khái niệm khó để định nghĩa hay giải thích. Động lực có thể được hiểu một cách nôm na là cái thúc đẩy và duy trì trong thời gian dài một hành vi nào đó. Tuy nhiên, mọi người đều đồng ý rằng, ít nhất là đối với mục đích học tập thì có 2 loại động lực-động lực bên ngoài và động lực bên trong. Động lực bên ngoài thường là những động lực xuất phát từ các giải thưởng, điểm số, vật kỉ niệm và ý muốn được công nhận là giỏi hơn người khác. Động lực này khiến học sinh học tập đơn giản là vì chúng muốn được khen thưởng hoặc để tránh cảm giác xấu hổ. Động lực bên trong xuất phát từ bản thân học sinh. Khi một học sinh được thúc đẩy học để thỏa mãn chính những ý muốn cá nhân thì khi đó việc học sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều và sẽ lâu dài hơn.

Động lực được tối ưu hóa khi :

  • Khi một người gắn mình với một nhiệm vụ bởi chính ý muốn của anh ta chứ không phải để đáp lại những tác động bên ngoài.
  • Nhiệm vụ có mức độ khó phù hợp.
  • Học sinh có thể chọn lựa

Vậy các thầy cô và cha mẹ phải làm thế nào để gây dựng một môi trường học tập mà có thể tối ưu hóa được những điều kiện trên? Câu trả lời cho câu hỏi này là rất rộng và rất khác nhau. Các phương pháp chiến lược phụ thuộc vào các môi trường và văn hóa khác nhau. Nhưng các nguyên tắc sau đây là bất di bất dịch:

  1. Áp lực lên học sinh cần phải được giảm thiểu tối đa, ví dụ, hãy bỏ đi các cuộc thi tài hay so sánh em này em kia và sửa lại hệ thống đánh giá, cho điểm.
  2. Hãy đảm bảo rằng nhiệm vụ được giao cho trẻ có mức độ khó phù hợp với tuổi và khả năng của trẻ. Nếu nó quá dễ, trẻ sẽ cảm thấy chán và không hứng thú. Trái lại, nếu nó quá khó, trẻ sẽ nản và sớm từ bỏ.
  3. Các nhiệm vụ học tập cũng cần phải thiết thực và thích hợp với người học. Các học sinh thường phàn nàn “Tại sao chúng con lại phải học về…Con sẽ không bao giờ dùng đến nó khi con lớn lên!” Mục tiêu của mỗi nhiệm vụ phải là để giúp trẻ cải thiện hoặc có được một vài kĩ năng nào đó thay vì học vẹt các con số hay thông tin không thích hợp.
  4. Khen thưởng thích đáng. Khen ngợi thường xuyên. Trao thưởng cho những học sinh biết nỗ lực và tiến bộ bên cạnh những học sinh đạt thành tích tốt.
  5. Để các em chọn lựa. Học sinh sẽ được thúc đẩy hơn để gắn mình vào một nhiệm vụ nào đó nếu có ai đó nói rõ cho chúng nhiệm vụ là gì, nó sẽ được thực hiện và trình bày như thế nào. Thầy cô giáo càng kiểm soát nhiều, động lực ở học sinh càng giảm.
  6. Cấu trúc của các bài tập có tác động lớn tới mức độ của động lực. Các bài tập cần phải có phần hướng dẫn rõ ràng. Học sinh cần phải nắm chắc được rằng chúng được trông đợi để hoàn thành việc gì. Hướng dẫn về việc nhiệm vụ đó sẽ được trình bày ra sao cần phải cụ thể và dễ hiểu. Các nhận xét nhanh và hữu ích từ phía thầy cô là rất cần thiết. Một bài tập lớn được trả cho học sinh với những nhận xét chỉ rõ học sinh đó đã sai ở đâu và cách sửa là gì sẽ có ích hơn rất nhiều những bài kiểm tra với chỉ những điểm B hay C trên đó.
  7. Một môi trường mang tính hỗ trợ là bắt buộc. Học sinh (hay bất kì ai đi nữa) sẽ không thể thể hiện tốt hay suy nghĩ thấu đáo được khi có cảm giác bất an và bị đe dọa. Mối quan hệ mà cha mẹ, thầy cô muốn phát triển với học sinh cần phải thật thoải mái và ấm áp-chẳng hạn như nói với các em một lời nói đầy khích lệ hay đặt tay lên vai các em. Những hành động này có vẻ như tầm thường nhưng tác động của chúng tới việc học của con em các bạn lại rất lớn.

Tóm lại, khi các em học sinh được đối xử tốt, được tôn trọng, khuyến khích và khi các nhiệm vụ mà các em đảm nhận có tính thực tiễn thì các em sẽ tự động hoàn thành tốt nhiệm vụ đó.

Lượt đọc: 3,848