Lắng nghe những cảm xúc của trẻ một cách hiệu quả
Các bậc cha mẹ ngày này thường rất khó kiếm được thời gian để trò chuyện và lắng nghe các con. Tuy nhiên, chính những cuộc tâm sự với các bé có thể giúp bố mẹ hiểu cảm nhận của con hơn, qua đó có thể giúp làm tình cảm giữa bố mẹ và con thêm gắn bó.
Hãy tưởng tượng ra tình huống bạn thường xuyên thấy con ở tâm trạng bực bội và thiếu kiềm chế, một hôm bạn quyết định nói chuyện với con. Bạn ngồi xuống cùng con và hỏi:
“Ngày hôm nay của con thế nào?”
“Minh nó không ngoan gì cả. Nó đánh con đau lắm! Con rất tức, ngày mai con sẽ không để nó yên đâu!”
Bạn lắng nghe con một cách kiên nhẫn sau đó giảng giải cho con: “Con không nên tức giận với bạn như thế. Như vậy là không tốt, ngày mai con phải làm hòa với bạn nhé!”
Nhưng ngày hôm sau con đã có một trận đánh nhau lớn với Minh. Và bạn bắt đầu băn khoăn rằng liệu việc bạn lắng nghe và giảng giải có thực sự có tác dụng với con hay không?
Việc lắng nghe đòi hỏi sự thấu hiểu cảm giác của trẻ
Hãy cùng xem xét lại cuộc hội thoại trên. Liệu bạn có đang thực sự lắng nghe con không? Trên danh nghĩa thì có. Tuy nhiên, quá trình lắng nghe không chỉ đơn giản là đón nhận từ ngữ. Lắng nghe thực sự là khi người nghe nắm bắt được cảm xúc mà người nói đang muốn bày tỏ và có thể phản hồi lại với những gì mình hiểu được. Ví dụ như, bạn có thể nói rằng: “Con có vẻ giận Minh quá nhỉ?” Với cách này, con sẽ bắt đầu tự nhìn nhận lại cảm xúc của mình.
Phương pháp nắm bắt cảm xúc của người nói và hồi đáp một cách thẳng thắn được coi sự phản ảnh cảm xúc. Điều căn bản nhất của việc lắng nghe là làm sao để người nói có cảm giác được thấu hiểu.
Được thấu hiểu có thể giúp trẻ suy nghĩ một cách tỉnh táo hơn
Sự lắng nghe chỉ có ý nghĩa sau khi người nói nhận được sự đồng cảm. Dưới khía cạnh khoa học, năng lượng vốn được người nói sử dụng cho những cảm xúc mãnh liệt sẽ được giải tỏa và lúc này sẽ sẵn sàng cho quá trình tư duy. Nhiều nhà nghiên cứu tin tưởng rằng mỗi người đều có những mật độ năng lượng cố định cho những hoạt động khác nhau như suy nghĩ, cảm nhận…Khi quá nhiều năng lượng được dồn hết vào một quá trình, như ở trong ví dụ được đề cập ở trên là để cảm nhận sự giận dữ, thì sẽ còn lại rất ít năng lượng cho hoạt động tư duy. Nhưng khi một người có thể để những cảm xúc của mình được giải phóng một cách tự do mà không sợ bị đánh giá, thì lúc này họ có thể dành tâm trí của mình cho việc suy nghĩ. Vì thế, ở ví dụ trên, con sẽ tiếp thu lời khuyên của bố mẹ dễ dàng hơn nếu như bé không bị phê phán bởi những câu như: “Con không nên tức giận với bạn như thế”.
Không chỉ thế, khi con được lắng nghe và thấu hiểu, trong nhiều trường hợp bố mẹ thậm chí còn không cần phải đưa ra lời khuyên mà con có thể tự biết được mình cần phải làm gì. Ví dụ như, sau khi giải tỏa được tâm sự với bố mẹ về việc bị cô giáo mắng ở trên lớp, con sẽ cảm thấy bớt buồn hơn, sau đó sẽ bắt đầu ngồi suy nghĩ lại và tự rút ra được rằng chính vì con nói chuyện riêng ở trong lớp nên cô giáo mới phê bình con như thế. Và đương nhiên, việc con tự nhìn nhận sai lầm bản thân sẽ có hiệu quả với con hơn nhiều so với việc được bố mẹ giải thích rằng lỗi sai của con nằm ở đâu.
Những cảm xúc bị chối bỏ có thể sẽ bị giải tỏa một cách tiêu cực
Ở khía cạnh khác, nếu như cảm giác của con bị phủ nhận trong quá trình tương tác với bố mẹ, tâm trạng của con sẽ không thể được giải tỏa và con sẽ tìm đến những phương pháp không lành mạnh để thoát khỏi chúng. Trong ví dụ nêu trên, khi không nhận được sự đồng cảm, con đã giải quyết sự tức giận của mình bằng cách đánh nhau với bạn một lần nữa. Một trường hợp điển hình thường gặp trong các gia đình cũng bắt nguồn từ nguyên nhân này: Khi con phàn nàn rằng bố mẹ yêu em hơn con, cảm giác này của con sẽ ngay lập tức bị phủ định với những câu nói như “Con không nên tị nạnh với em như thế!”. Và vì thế, sau đó con có thể sẽ thể hiện sự ghen tỵ của mình một cách tiêu cực, như đánh em trong lúc người lớn không có mặt ở đó.
Một điều quan trọng mà các bậc cha mẹ cần nhớ là, để có thể lắng nghe và thấu hiểu con một cách dễ dàng hơn, đầu tiên bố mẹ cần chấp nhận rằng không có gì là sai nếu như con có những cảm xúc tiêu cực như tức giận, bị tổn thương…Nhờ đó, bố mẹ sẽ cảm thấy dễ dàng hơn trong việc giúp con đối diện với những tâm trạng xấu của bản thân bằng một thái độ tích cực. Và điều này sẽ có tác động rất lâu dài trong quá trình phát triển cảm xúc của trẻ.
Theo Indiaparenting
Lượt đọc: 2,830