Phát hiện sớm kỹ năng giải quyết vấn đề ở trẻ

Kỹ năng giải quyết vấn đề là một trong những dấu hiệu sớm để đánh giá trí thông minh ở trẻ về sau. Không cần phải đợi đến khi trẻ biết nói hay đã đến trường thì mới bộc lộ kỹ năng giải quyết vấn đề. Nếu quan tâm và chú ý, các bậc cha mẹ sẽ phát hiện ra kỹ năng giải quyết vấn đề của con mình thông qua những hành động mà chúng ta vẫn cho rằng đó là những biểu hiện thông thường của trẻ.
Biểu hiện của kỹ năng giải quyết vấn đề tương ứng với từng độ tuổi của trẻ
Kỹ năng giải quyết vấn đề là yếu tố tiên quyết ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển trí não và cả thành công về sau này của một đứa trẻ. Kỹ năng này được thể hiện ngay từ những năm tháng đầu đời thông qua những khả năng về ghi nhớ, chú ý, ngôn ngữ… chẳng hạn:
– Ở giai đoạn sơ sinh: trẻ có khả năng tự tìm vú mẹ để bú; biết phân biệt  bình sữa với vú mẹ, biết đáp ứng với màu sắc, ánh sáng
– Từ 1 – 4 tháng tuổi: trẻ bắt đầu biết tìm đồ vật khi người lớn giấu đi, hay khóc nhiều kiểu khác nhau để thể hiện nhu cầu 
– Từ 4 đến 8 tháng tuổi:  biết biểu lộ cảm xúc khi nghe gọi tên mình, sợ hãi khi gặp người lạ, lo lắng khi phải xa cha mẹ 
– Từ 8 đến 12 tháng tuổi:  có thể hiểu những câu đơn giản, biết sử dụng động tác tạm biệt.
– Từ 18 đến 24 tháng tuổi: trẻ có thể nói câu khoảng 2 – 3 từ, biết gọi tên đồ chơi, thích nghe hát…
Theo thời gian, theo từng độ tuổi, kỹ năng này được phát triển, hoàn thiện và khéo léo hơn.
Làm sao để nhận biết và phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề ở trẻ?
Trẻ trong những năm tháng đầu đời nếu có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt, sẽ có chỉ số IQ và khả năng tiếp thu cao hơn rất nhiều so với trẻ kém, hoặc không có kỹ năng này. Vì vậy, việc nhận biết sớm kỹ năng này sẽ là có hội để giúp tối đa hóa tiềm năng trí tuệ ở trẻ. 
Theo BS Thái Thanh Thủy – Chuyên gia tâm lý – BV Nhi Đồng 2: Chính vì tầm quan trọng và sự ảnh hưởng của kỹ năng giải quyết vấn đề đối với trí tuệ và sự thành công về sau của trẻ, nên trong giai đoạn này (0 đến 3 tuổi), các bậc cha mẹ cần đặc biệt quan tâm, chú ý  đến từng hành động của trẻ, đừng bỏ qua bất kỳ biểu hiện nào, dù là nhỏ nhất của trẻ.
Bên cạnh đó, phải quan tâm, thương yêu và gần gũi với trẻ thông qua việc thường xuyên ôm ấp, trò chuyện và chơi trò chơi với trẻ để giúp trẻ có khả năng nhận biết và ứng phó với các tình huống diễn ra hằng ngày, đồng thời kích thích phát triển tư duy của trẻ. 
Cha mẹ cũng cần phải đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng hằng ngày của trẻ, đảm bảo cung cấp cho trẻ một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý, bởi đây là yếu tố cực kỳ quan trọng nhằm giúp trẻ hoàn thiện và phát triển trí não một cách hiệu quả.
Làm được điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn đã tạo cho con mình một chỗ dựa, một đòn bẩy vững chắc để trẻ phát triển và hoàn thiện kỹ năng giải quyết vấn đề – dấu hiệu sớm của trí thông minh về sau của trẻ.

Lượt đọc: 5,717