Rối loạn gắn bó ở trẻ

Trẻ có thể có nguy cơ rối loạn gắn bó từ trong lòng mẹ

Gần đây cha mẹ rất quan tâm đến sự phát triển của con, nên một số cha mẹ đã đưa con đến bệnh viện với lý do ”nghĩ con bi tự kỷ”. Vì đã đọc thông tin về bệnh Tự kỷ trên báo viết hoặc trang web, cha mẹ có thể đối chiếu điều được đọc với các hành vi, cử chỉ hơi khác của con mình, rồi đâm ra hoang mang lo sợ.

Khi chuyên viên tâm lý tiếp xúc với trẻ, chuyên viên thảo luận với cha mẹ về một rối loạn khác: rối loạn gắn bó.

Rối loạn gắn bó là gì?

Giữa năm 1906-1946, nhiều nhà tâm lý, trong đó có ông René Spitz đã lưu ý đến sự cắt đứt đột ngột trong mối quan hệ mẹ-con dẫn đến những “thiếu thốn quan hệ sớm”. Năm 1951, ông John Bowlby cũng đã đề cập đến vấn đề này trong tài liệu “Sự chăm sóc của mẹ và sức khỏe tinh thần”, trong đó ông nhấn mạnh 3 yếu tố: tính liên tục, sẵn sàng và nhạy cảm của đáp ứng”.

Chúng ta biết mối quan hệ giữa mẹ và con từ trong bụng mẹ cho đến khi trẻ được 1 tuổi là mối quan hệ gắn bó rất mật thiết. Bà mẹ dường như hiểu được nhu cầu của trẻ qua tiếng khóc, qua cử động, nét mặt của trẻ và tìm cách thỏa mãn mọi nhu cầu của trẻ. Sự gắn bó này giúp trẻ phát triển về nhận thức, cảm xúc, hành vi sau này.

Khi nào trẻ có nguy cơ có rối loạn gắn bó?

Trẻ có thể có nguy cơ rối loạn gắn bó từ trong lòng mẹ nếu bà mẹ có vấn đề bất ổn và căng thẳng trong lúc mang thai, nên không để tâm đến sự hiện diện của bào thai trong lòng mình, do đó ít quan tâm tiếp xúc với bào thai. Chúng ta nên biết từ 6 tháng trở đi, bào thai có thể dùng ngũ quan của mình để tiếp xúc với mẹ và thế giới bên ngoài.

Trẻ cũng có nguy cơ rối loạn gắn bó khi trẻ sống trong sự bất ổn, chẳng hạn như: khi cha mẹ đi vắng, cha mẹ thường trốn trẻ vì sơ thấy trẻ khóc trước mặt mình. Hoặc cha mẹ bận trăm công ngàn việc, không có giờ chăm sóc trẻ nên giao trẻ cho 1 người vú nuôi. Càng khốn đốn hơn nữa, nếu trẻ phải thích nghi liên tục với sự thay đổi người vú nuôi ! Rồi cũng có tình huống cha mẹ không hợp nhau đi đến đổ vỡ gia đình…Trẻ được gửi vào nhà trẻ quá sớm mà không được chuẩn bị trước hoặc được cho xem tivi quá sớm và kéo dài suốt ngày …

Rối loạn gắn bó được thể hiện như thế nào ở trẻ?

Lúc đầu khi vắng cha mẹ, trẻ khóc la kêu cứu. Sau một thời gian không được đáp ứng, trẻ thất vọng, tự thu mình lại trong thế giới riêng, không tiếp xúc với ai, bỏ bú, khóc đêm, ăn kém, không giao tiếp bằng lời hay không lời(hành vi tránh né). Ngược lại, có trẻ tỏ hành vi tình cảm với người lạ, có thể hôn bất kỳ ai, và thích được bồng bế.

Rối loạn gắn bó đưa đến hậu quả gì?

 Khi lớn lên, trẻ có thể có những rối loạn hành vi và tính khí, hiếu động, kém tập trung, có khó khăn học tập, rối loạn giấc ngủ, tiểu dầm, béo phì, chậm phát triển …

 Cách trị liệu như thế nào?

Chuyên viên tâm lý tạo cho trẻ một môi trường an toàn, vui tươi trong phòng khám, giúp cha mẹ biết cách cải thiện mối quan hệ với trẻ, kích thích trẻ về mặt cảm xúc qua trò chơi và giúp trẻ có một chương trình giáo dục đặc biệt.

 Trẻ sống trong gia đình luôn khao khát sự chăm sóc của cha mẹ như các trẻ kém may mắn bị cha mẹ bỏ rơi trong các cô nhi viện. Làm thế nào để hài hòa đời sống ngoài xã hội và bổn phận nuôi dạy con để giúp con phát triển toàn diện một cách tốt đẹp? Các chuyên viên tâm lý luôn sẵn sàng hỗ trợ các cha mẹ cải thiện mối quan hệ với con để từ mối quan hệ gắn bó tốt đẹp khi trẻ dưới 1 tuổi, dần dần trẻ sẽ tiến đến sự tách rời khỏi cha mẹ để tập sống tự lập với cái nhìn âu yếm thương yêu của cha mẹ.

Lượt đọc: 2,642