Trẻ nhỏ và sự phát triển của não bộ

Ngay sau khi chào đời, bộ não của trẻ đã sẵn sàng cho việc học hỏi. Thậm chí, một đứa trẻ vừa mới ra đời vẫn có thể nhận thức được một số đồ vật hay các mối quan hệ xung quanh chúng. Bộ não từ đó sẽ sắp xếp các trải nghiệm của trẻ thành những nhóm khác nhau. Là người chăm sóc trẻ, bạn nên cho trẻ được sờ, nếm, nhìn, nghe và ngửi; để trẻ có cơ hội được cảm nhận Thế giới xung quanh. Khi trẻ chơi với một đồ vật nào đó đồng nghĩa với việc chúng đang tìm hiểu về đồ vật đó. Ví dụ, trẻ thường ngồi lên các đồ vật hoặc ném chúng đi để xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Khi trẻ lớn hơn, chúng sẽ tiếp tục khám phá về Thế giới theo nhiều cách hơn. Ví dụ, trẻ có thể tô màu vàng lẫn màu xanh nước biển để có  được màu xanh lá cây. Khám phá và sáng tạo mọi vật là cách để trẻ học hỏi.

Học hỏi là cách tốt nhất giúp bộ não của trẻ phát triển. Bài viết này sẽ miêu tả quá trình phát triển bộ não của trẻ. Trong vài năm gần đây, có rất nhiều nghiên cứu về não bộ. Có một vài yếu tố cơ bản chúng ta đã biết về sự phát triển của bộ não trẻ trong thời kỳ thơ ấu. Có rất nhiều học thuyết cũng chỉ ra rằng, những người thường xuyên chăm sóc và tiếp xúc với trẻ như: cha mẹ, người thân, hay bảo mẫu… có thể kích thích sự phát triển của não bộ bằng việc giúp trẻ học những điều hay và làm những điều đúng. Có rất nhiều phương pháp để gia tăng sự phát triển của não bộ: (1) chăm sóc và giúp đỡ bé; (2) chú ý tới bé và hỗ trợ cho bé những điều bé cần; (3) cung cấp cho bé một môi trường học tập tốt.

Những đứa trẻ mới được sinh ra đều có đầy đủ các tế bào não.

Khi trẻ phát triển, chúng học thêm rất nhiều thứ, nhưng sẽ không có thêm bất kỳ tế bào não mới nào được sinh ra. Tương tự như các cơ có trên cơ thể vậy.

Các phần cơ có trên tay hay chân của trẻ sẽ phát triển khi chúng trưởng thành. Theo cách đó, các tế bào thần kinh có trong bộ não cũng sẽ dần hoàn thiện và phát triển.

Cơ bắp khi được rèn luyện thường xuyên sẽ cứng cáp hơn. Não bộ cũng sẽ trở nên nhanh nhạy hơn nếu trẻ tư duy thường xuyên.

Khi được sử dụng, các tế bào não sẽ kết nối với nhau

Các tế bào não sẽ không hoạt động thực sự hiệu quả nếu chúng không được liên kết như một hệ thống. Sau khi trẻ ra đời, các tế bào não luôn luôn tạo ra một sự kết nối. Những sự kết nối này được gọi là: Khớp thần kinh.

Sự kết nối đó giúp trẻ có được những trải nghiệm. Những trải nghiệm đó sẽ kích thích trẻ suy nghĩ. Khi trẻ suy nghĩ, các tế bào não sẽ được kết nối. Trẻ tư duy càng nhiều thì sự kết nối (khớp thần kinh) càng chặt chẽ. Những sự kết nối này là nền tảng của quá trình tư duy ở trẻ.

Những người thường xuyên chăm sóc và tiếp xúc với trẻ cần có kiến thức về quá trình hình thành các kết nối của não bộ để hỗ trợ cho sự phát triển của trẻ. Khi đã hiểu nguyên lý hoạt động, bạn sẽ biết được tại sao một số hoạt động lại quan trọng như vậy.

Câu chuyện sau đây về hai đứa trẻ sẽ giúp giải thích về việc kết nối của các tế bào trong não.

Câu chuyện thứ nhất về cậu bé Issac – 2,5 tuổi; hiện đang sống tại Mỹ và nói tiếng Anh. Issac được sinh ra tại Mông Cổ. Trong 6 tháng đầu sau khi chào đời, cậu chỉ được nghe tiếng Mông Cổ. Từ khi được một gia đình người Mỹ nhận nuôi, cậu bắt đầu được tiếp xúc với tiếng Anh. Các tế bào não được sử dụng để nghe và hiểu tiếng Anh bắt đầu được sử dụng trong khi cậu nghe, nói và nghĩ. Giống như bao đứa trẻ khác, khi Issac bắt đầu học tiếng Anh lần đầu tiên, cậu phải nghe đi nghe lại những từ đơn giản để hình thành liên kết trong não bộ. Và bây giờ, liên kết “nghe tiếng Anh” và “hiểu tiếng Anh” của cậu đã rất bền vững. Issac có thể sử dụng tiếng Anh rất tự nhiên.

Câu chuyện thứ hai về Giulia – 16 tuổi, hiện đang sống tại Ý. Giulia có cha là người Ý và mẹ là người Hàn Quốc. Khi còn nhỏ, cô bé không nghe và nói tiếng Anh. Liên kết “nghe tiếng Anh” trong não bộ của cô bé có thể phát triển, nhưng nó đã không diễn ra do cô bé không sống trong một môi trường nói tiếng Anh. Thay vào đó, bộ não của cô bé lại phát triển liên kết “nghe tiếng Ý”.

Quá trình hình thành liên kết tương tự sẽ được diễn ra đối với mọi kỹ năng khác của trẻ khi trẻ học hỏi. Và đây cũng là lý do tại sao trải nghiệm thực tế là vô cùng quan trọng.

Theo Extention

Lượt đọc: 5,828