Xây dựng kỹ năng xã hội cho trẻ

Không có gì quan trọng với thành công và hạnh phúc của một đứa trẻ hơn là học cách giao tiếp, ứng xử một cách tích cực với những người xung quanh. Khả năng thu hút và duy trì những mối quan hệ tốt đẹp của một đứa trẻ sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới thành công của chúng trong tình yêu, sự nghiệp, sức khỏe và sự phát triển về mặt tinh thần.

Do hầu hết các trường học không dạy trẻ những kĩ năng xã hội, việc chúng học được các kĩ năng đó ngay từ thuở nhỏ phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ. Mặc dù thầy cô giáo có đóng góp vào việc xây dựng kĩ năng cho trẻ nhưng những bài học ở nhà trẻ không thể so sánh được với tầm ảnh hưởng của cha mẹ trong việc hình thành các kĩ năng xã hội. Vậy làm thế nào để các bậc phụ huynh và thầy cô giáo có thể giúp trẻ phát triển các kĩ năng xã hội? Dưới đây là một vài cách hiệu quả.

1. Hãy xác định rõ ràng những kĩ năng xã hội là gì?

Dạy cho con bạn vì sao các kỹ năng này lại quan trọng. Nhìn chung, trẻ cần học cách hiểu người khác và ý thức được hành động của chúng sẽ tác động đến người khác như thế nào, qua đó trẻ có thể học cách thông cảm. Điều này sẽ khuyến khích trẻ đối xử với người khác tốt hơn và nhờ đó trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu trong tư tưởng.

Trẻ em cũng cần được dạy rằng đối xử tốt với người khác sẽ là có ích và đem lại những ảnh hưởng tốt. Ví dụ, nếu tỏ ra lịch sự với người phỏng vấn khi xin việc hay nhà quản lý ngân hàng thì sẽ có nhiều khả năng nhận được sự hợp tác và xem xét từ phía họ hơn cho bất cứ yêu cầu nào của mình. Nếu nhận thức được điều này, trẻ sẽ tỏ ra lễ phép hơn với cha mẹ, thầy cô cũng như là những bạn cùng lứa-những người mà sau này sẽ trở thành những người trưởng thành trong cộng đồng. Ngoài ra khi đó trẻ cũng có xu hướng cố gắng giao tiếp khi đang buồn hay thất vọng, thay vì giả vờ như không có chuyện gì.

Cuối cùng, trẻ cần học cách giới hạn, kìm nén sự tự tôn của mình. Thật không may, học cách cư xử với những hành động tồi của người khác lại là một kĩ năng rất cần thiết trong cuộc sống. Trẻ cần biết cư xử để bảo vệ mình mà lại không làm cho người khác ghét bỏ, thù hằn mình hơn.

2.Hãy là tấm gương tốt cho trẻ

Nếu như con bạn cư xử theo cách không hay, bạn hãy xem lại hành động của chính mình. Bạn có hay bị stress và thể hiện tình cảm một cách khó chịu hay nói ra những lời không hay không? Bạn có về nhà sau giờ làm và phàn nàn về ông chủ hay cộng sự, hoặc là nói xấu một ai đó sau lưng họ không? Bạn đã quan tâm chăm sóc cho chính sức khỏe, tình cảm và tinh thần của mình chưa? Bạn đã thật sự nhẹ nhàng, tình cảm khi nói chuyện với chồng con mình cũng như những người xung quanh chưa? Liệu những lời như, “thật là hết cách”, “tôi không thể chịu được,” “thế giới thật là tối tăm”, “thật là một lũ dốt nát!” đã trở thành thói quen của bạn hay chưa? Hãy xem lại điều đó. Bạn có thể cho rằng cách cư xử của mình là ổn, nhưng nếu bạn nhìn nhận kĩ hơn, có thể bạn sẽ nhận ra rằng có những cách cư xử ở con mà chính là do bắt chước bạn đó, dù có thể là theo cách riêng của chúng.

3.Phân tích và làm mẫu.

Trẻ không chỉ quan sát cử chỉ hành động của người lớn mà còn tập làm theo. Nếu như con bạn nói điều gì đó không hay, hãy phân tích cho bé một cách khách quan. Ví dụ, bạn có thể chỉ cho bé thấy rằng “bạn con tỏ ra tức giận khi con nói điều đó”, và rằng “mẹ cho rằng con có thể nói theo cách khác.” Hãy để gia đình bạn đóng vai những người khác và có những cuộc trò chuyện giả tưởng. Ví dụ, bạn có thể đóng vai một người bị mắng mỏ, bị lờ đi hay được chú ý. Hãy để bé đóng nhiều vai và hỏi bé về cảm giác của bé cũng như những gì có thể thay đổi.

Bạn hãy cố đừng tỏ ra lý thuyết hay giáo huấn khi dạy trẻ cách hòa đồng, bởi vì hiếm khi trẻ cố ý làm tổn thương ai đó và việc dằn vặt trẻ có thể sẽ gây phản tác dụng. Trẻ chỉ đang cố thử mọi thứ. Hãy giúp trẻ thực hiện điều đó và giúp phát triển sự đồng cảm ở trẻ qua việc cho trẻ đóng các vai khác nhau. Mẹo này cũng rất hữu ích khi con bạn là đứa trẻ thường hay bị bắt nạt. Việc chơi trò đóng kịch với gia đình giúp trẻ trở nên quyết đoán hơn và giúp chúng nhận ra rằng những tác động khác nhau sẽ dẫn tới những phản ứng khác nhau.

4.Tạo động lực cho trẻ.

Nếu như con bạn lớn hơn, hoặc không biểu hiện tiến triển về các kĩ năng xã hội theo cách tự nhiên (như trên), hãy tạo cho bé thấy những động lực. Bạn có thể thực hiện điều này theo hai cách khác nhau, phạt bé một chút khi bé hư và thưởng cho bé khi bé cư xử tốt.

Nếu bạn làm theo cách này, sẽ là rất quan trọng trong việc xác định rõ ràng thế nào là hành động đúng. Ví dụ, bạn có thể nói với Emma rằng mỗi lần bạn nghe thấy bé nói những từ không hay thì thời gian xem ti vi hay chơi trò chơi của bé sẽ bị rút bớt đi 10 phút.  Hãy để bé biết mỗi lần bạn thấy bé cư xửa chưa tốt.

Và hãy cân bằng việc đó bằng cách khen, thưởng cho bé mỗi khi bé cư xử đúng. Có thể bạn sẽ tăng thời gian chơi của Emma thêm 10 phút nếu như bé tự nhận lỗi. Dạy bé cách diễn đạt cảm xúc thay vì nói ra những lời không hay và sau đó thưởng cho bé về điều đó. Hãy dạy bé rằng thay vì nói “mày, tao” hãy nói là “ấy, tớ” hãy những lời như thế.

5.Hãy tin tưởng vào con bạn.

Dù cho tình huống mà bạn và con gặp phải có tệ đến đâu đi nữa thì cũng sẽ luôn luôn có một điều bạn có thể làm để giúp cho con. Hãy khắc họa trong tâm trí bạn hình ảnh vui vẻ, ngoan ngoãn, cười đùa và khỏe mạnh của bé. Hãy sử dụng trí tưởng tượng của bạn để hình dung ra hình ảnh của bé.. Những niềm tin như thế thực sự có thể giúp bạn làm được những việc vô cùng lớn lao mỗi ngày, và… sẽ chẳng có nơi nào để gửi gắm chúng tốt hơn là chính con của bạn.

Theo Parentkids

Lượt đọc: 6,159