7 CÁCH NUÔI DƯỠNG NIỀM YÊU THÍCH HỌC TẬP Ở TRẺ
Đứa trẻ nào cũng có tính tò mò bẩm sinh. Trẻ háo hức được khám phá thế giới xung quanh, tiếp thu những thông tin, kiến thức và kỹ năng mới như những miếng bọt biển. Nhưng khi con lớn dần, niềm đam mê học tập tự nhiên này thường mất đi, nhiều trẻ ngày càng không thích hay thậm chí sợ phải đến trường và học những điều mới. May mắn thay, niềm yêu thích học tập có thể được nuôi dưỡng và phát triển bằng một số cách thức đơn giản. Bố mẹ hãy cùng FasTracKids Bé Thông Minh tìm hiểu những cách đó là gì nhé!
1. Giúp trẻ khám phá sở thích và đam mê
Một cách đơn giản để khơi dậy niềm yêu thích học tập ở trẻ là giúp trẻ tìm tòi, khám phá và nghiên cứu các chủ đề mà con quan tâm.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc học tập sẽ được nâng cao khi trẻ được phép lựa chọn các chủ đề yêu thích để khám phá. Đây là một lý do khiến việc đưa ra những sự lựa chọn trong lớp học của giáo viên đạt hiệu quả.
PGS TS. Sally Reis chuyên ngành Tâm lý Giáo dục tại Đại học Connecticut đã giải thích rằng: chìa khóa để mở ra tiềm năng của trẻ là tìm ra sở thích và giúp trẻ phát triển chúng.
Hãy nói chuyện với con về những gì con đang làm, đang đọc, đang xem và đang học. Cho con nhiều trải nghiệm hơn tại bảo tàng, buổi biểu diễn nghệ thuật, sở thú,… Cùng con đọc thật nhiều sách với những chủ đề khác nhau ở thư viện. Tất cả những hoạt động này có thể giúp bố mẹ tìm ra và khơi dậy sự hứng thú của trẻ.
Có rất nhiều bảng câu hỏi khác nhau được thiết kế để giúp bố mẹ xác định được niềm đam mê của con là gì. Sau khi đã xác định được chủ đề mà con yêu thích, bố mẹ hãy đồng hành, hỗ trợ để giúp con khám phá, phát triển chúng. Ví dụ nếu bố mẹ biết con yêu thích những chiếc xe tải quái vật, hãy khiến con hứng thú hơn với việc đọc sách bằng cách cùng con tìm kiếm và đọc những cuốn sách về chủ đề này. Điều này đương nhiên sẽ khiến việc đọc trở nên thú vị hơn.
2. Cho trẻ được trải nghiệm thực tế
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi được kết hợp thực hành trong quá trình học tập, trẻ sẽ đạt hiệu quả tốt nhất.
Ví dụ, các nghiên cứu cho thấy rằng những học sinh giải 1 bài toán bằng cách diễn tả bằng hành động thường trả lời đúng hơn là những học sinh còn lại.
Học tập qua trải nghiệm thực tế không chỉ giúp trẻ trong việc xử lý thông tin nhanh hơn mà còn khiến việc học trở nên thú vị hơn.
Hầu hết trẻ em đều không thích đọc sách giáo khoa, chép lại những ghi chú hoặc học thuộc lòng. Ngược lại, những trải nghiệm và hoạt động thực hành sẽ khơi dậy sự quan tâm và trí tưởng tượng của trẻ.
Giáo viên nên kết hợp các trải nghiệm chuyển động, tương tác chạm, sờ,… trong lớp học càng nhiều càng tốt. Một cách đơn giản và hiệu quả chính là vận dụng các thao tác.
Nếu bạn đang dạy trẻ các phép tính cộng đơn giản, bạn có thể để học sinh đếm bằng bất cứ đồ vật nào như bút màu hoặc những viên bi. Khi dạy trẻ cách phân loại, có thể cho trẻ phân loại các hình khối với màu sắc và hình dáng khác nhau.
Bố mẹ cũng có thể cung cấp thêm kiến thức cho con khi ở nhà. Nếu con đang học về các loài động vật sống dưới nước, hãy cho con đi thăm thủy cung. Nếu con đang nghiên cứu về một danh nhân nào đó, hãy cho con đến viện bảo tàng xem các tác phẩm của họ.
Hãy cố gắng tìm những trải nghiệm thực tế hấp dẫn cho trẻ. Hãy biến việc học của con giống như một cuộc phiêu lưu. Trẻ sẽ rèn luyện được khả năng sáng tạo, học được cách giải quyết vấn đề từ những trải nghiệm đó.
3. Làm cho việc học trở nên thú vị hơn
Ngay cả những chủ đề có vẻ khô khan cũng có thể trở nên thú vị hơn thông qua các bài hát, trò chơi hoặc các hoạt động sáng tạo.
Ví dụ, nếu trẻ đang học về các địa danh, bố mẹ có thể cung cấp các manh mối và yêu cầu trẻ đoán đúng tên địa danh. Bố mẹ cũng có thể dễ dàng tạo các trò chơi cho trẻ như bingo, trò chơi ô chữ hoặc tìm từ. Các trang web như Kahoot cũng giúp việc học tập trên nền tảng kỹ thuật số trở nên dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng có thể kết hợp các dự án nghệ thuật, âm nhạc hoặc viết sáng tạo vào bất kỳ chủ đề học thuật nào. Sáng tác một bài hát về vòng tuần hoàn của nước, hay viết một câu chuyện dưới góc nhìn của một con nòng nọc về quá trình trở thành ếch của nó, dựng một mô hình hệ mặt trời bằng các vật liệu tái chế tìm thấy tại nhà hoặc lớp học,…
Đôi khi chỉ đơn giản dùng khiếu hài hước để kể một câu chuyện liên quan đến chủ đề trẻ đang học cũng khiến việc học tập trở nên thú vị hơn.
Một cách khác để khiến việc học trở nên thú vị hơn là sử dụng phương pháp “Brain breaks”. “Brain breaks” là một thuật ngữ chỉ “các hoạt động ngắn giúp não thư giãn”. Đây là những hoạt động ngắn, chúng phá vỡ sự đơn điệu hoặc khó khăn của một bài học hoặc bài tập để trẻ có thể quay trở lại nhiệm vụ học tập với cảm giác tràn đầy năng lượng và sự tập trung. Khi trẻ bắt đầu thấy việc học trở nên vui vẻ, ít căng thẳng hơn, niềm yêu thích học tập của trẻ sẽ lớn dần.
4. Thể hiện niềm đam mê của chính mình
Hãy là một tấm gương tuyệt vời cho con bằng cách nhiệt tình khám phá sở thích và đam mê của chính mình. Hãy cho con thấy bố mẹ cũng đam mê học tập.
Nếu có thời gian và nguồn lực, bạn có thể tham gia một khóa học (trực tuyến hoặc trực tiếp) về lĩnh vực mà bạn quan tâm: nấu ăn, nhiếp ảnh, thiết kế,…
Hãy nói chuyện với con về những gì bạn đang học: những thách thức, sự phấn khích, cách bạn áp dụng những gì mình đã học vào cuộc sống,…
Ngay cả khi không thể tham gia một lớp học, bạn vẫn có thể đọc sách hoặc xem video để tìm hiểu thêm về chủ đề mà bạn quan tâm. Nghe có vẻ đơn giản nhưng việc thể hiện sự nhiệt tình học tập của bạn sẽ giúp khơi dậy niềm đam mê tương tự ở trẻ.
5. Tìm phong cách học tập của trẻ
Trẻ em có phong cách học tập độc đáo của riêng mình hoặc 1 kiểu học hiệu quả đối với chúng. Các nhà giáo dục và nhà tâm lý học đã xác định ba phong cách học tập chính: học trực quan, học bằng thính giác và học qua vận động.
Có rất nhiều bảng hỏi trực tuyến có thể giúp bạn xác định được phòng cách học tập phù hợp của trẻ, nhưng bạn cũng có thể đưa ra dự đoán dựa trên sở thích và loại hoạt động mà trẻ có hứng thú.
Người học trực quan sẽ xử lý thông tin hiệu quả nhất khi thông tin được trình bày bằng văn bản hoặc hình ảnh. Họ rất tinh ý, có trí nhớ tuyệt vời và thường yêu thích nghệ thuật.
Người học bằng thính giác sẽ thích lắng nghe thông tin. Họ là người biết lắng nghe, làm theo chỉ dẫn tốt và thường có thế mạnh về ngôn từ và/hoặc năng khiếu âm nhạc.
Người học qua vận động là người có thể chất tốt, thường giỏi thể thao hoặc khiêu vũ. Họ học tốt nhất thông qua các chuyển động và sự chạm, sờ nắn. Họ có thể đếm trên các đầu ngón tay hoặc sử dụng các cử chỉ tay thường xuyên.
Nhiều trẻ thể hiện khả năng ở cả 3 phong cách, nhưng sẽ có 1 trong 3 phong cách mạnh hơn những cái còn lại. Nếu bạn có thể tìm thấy điểm mạnh của trẻ, bạn có thể giúp trẻ học theo cách mà trẻ thấy thoải mái và thích thú nhất.
6. Hãy thảo luận chứ không phải thuyết trình
Hãy biến việc học thành một cuộc trò chuyện, nơi mà trẻ có thể tham gia một cách chủ động và tích cực chứ không phải chỉ là 1 bài giảng mà chúng phải tiếp nhận kiến thức một cách thụ động.
Khi con bạn thể hiện sự tò mò bằng cách đặt một câu hỏi, hãy cố gắng hết sức để trả lời câu hỏi đó. Nếu bạn không biết câu trả lời, việc cùng trẻ khám phá đáp án cho câu hỏi đó cũng sẽ là một trải nghiệm thú vị và đáng nhớ.
Bn cũng có thể mở rộng cuộc trò chuyện bằng cách tự mình đặt những câu hỏi mở. Hãy bắt đầu câu hỏi của bạn bằng “Tại sao…”, “Như thế nào…” hoặc “Điều gì sẽ xảy ra nếu…?”. Những câu hỏi này có thể đưa trẻ lên mức độ tư duy phản biện và giải quyết vấn đề ở mức cao hơn.
Việc chú ý đến những câu hỏi mà con đưa ra cũng sẽ giúp bạn khám phá được sở thích của con, từ đó bạn có thể kết hợp chúng vào các cuộc trò chuyện hoặc bài học sau này.
7. Hãy ủng hộ và khuyến khích trẻ
Một lý do khác nữa khiến trẻ mất đi niềm yêu thích đối với học tập là vì trẻ đã bắt đầu liên tưởng việc học với sự lo lắng và áp lực. Trẻ lo lắng về việc bị điểm kém, trả lời sai các câu hỏi hoặc trượt bài kiểm tra.
Khi việc học chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng thì nó sẽ không còn thú vị nữa. Hãy tìm hiểu thêm về quá trình và những nỗ lực mà con bạn đã bỏ ra cho việc học tập của mình.
Điều quan trọng là hãy dạy trẻ rằng thành công không phải là kết quả của những khả năng bẩm sinh như “trí thông minh”. Thay vào đó, thành công đến từ sự kiên trì, luyện tập, chăm chỉ và trải qua những thất bại.
Nhà nghiên cứu Carol Dweck của Đại học Stanford phát hiện ra rằng khi sinh viên được khen ngợi vì nỗ lực thay vì khả năng, họ thực sự đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra trí thông minh.
Điều này là do những đứa trẻ liên tưởng sự khó khăn hoặc thất bại với sự thiếu thông minh có xu hướng né tránh những nhiệm vụ khó khăn hoặc bỏ cuộc khi gặp phải chúng.
Mặt khác, những đứa trẻ coi thử thách là cơ hội học tập có nhiều khả năng kiên trì, lập chiến lược và tiếp tục làm việc cho đến khi tìm ra giải pháp.
Hãy đặt ra những mục tiêu, kỳ vọng hợp lý cho trẻ, đồng thời luôn hỗ trợ và động viên khi trẻ gặp khó khăn hoặc thất bại. Hãy giúp trẻ học hỏi từ những kinh nghiệm và đừng tạo áp lực quá lớn về việc trẻ phải đạt điểm cao hoặc trở thành một học sinh xuất sắc ở mọi mặt.
Khi trẻ hiểu được rằng việc học chỉ đơn giản là trau dồi kiến thức chứ không phải là tất cả những thành tích hay sự hoàn hảo, trẻ sẽ có thể thư giãn và tận hưởng quá trình học tập nhiều hơn nữa.
Nếu niềm yêu thích học tập của trẻ đã phai nhạt thì nó cũng không nhất thiết phải mất đi vĩnh viễn. Phụ huynh và giáo viên có thể nuôi dưỡng niềm yêu thích học tập ở trẻ bằng cách:
- Cung cấp trải nghiệm thực tế
- Làm cho việc học trở nên thú vị
- Giúp trẻ khám phá sở thích và đam mê của mình
- Thể hiện niềm đam mê của riêng mình
- Tìm kiếm và thu hút phong cách học tập của trẻ
- Đặt và trả lời câu hỏi
- Động viên cho cả nỗ lực và quá trình chứ không chỉ là kết quả thành công.
Hãy cho trẻ không gian để mắc lỗi và trải nghiệm, đồng thời biến việc học trở thành một cuộc trò chuyện có tính tương tác giữa bố mẹ và con. Hãy mang đến cho con cơ hội được trải nghiệm thực tế, cá nhân hóa và tự do sáng tạo, bố mẹ sẽ ngạc nhiên khi mức độ yêu thích học tập của con ngày càng tăng đấy.
Vậy là bố mẹ vừa cùng FasTracKids Bé Thông Minh tìm hiểu được 7 cách giúp cho con yêu thích việc học tập hơn. Hãy lưu lại bài viết và bắt đầu đồng hành cùng con nuôi dưỡng, phát triển niềm yêu thích học tập của con ngay từ hôm nay bố mẹ nhé!
Bố mẹ quan tâm đến sự phát triển kỹ năng và khơi dậy tiềm năng của trẻ từ 3-10 tuổi có thể đăng ký trải nghiệm cho con tại đây: https://bethongminh.vn/gioi-thieu-chuong-trinh-fastrackids-be-thong-minh/
—————————————
FASTRACKIDS – BÉ THÔNG MINH
Chương trình Phát triển Tư duy và Rèn luyện các bộ Kỹ năng thế kỷ 21 cho trẻ từ 3-10 tuổi
Bản quyền Hoa Kỳ
Lượt đọc: 1,309