SỰ TỰ TIN LÀ GÌ? BIỂU HIỆN VÀ CÁCH RÈN LUYỆN SỰ TỰ TIN Ở TRẺ
Sự tự tin sẽ mang lại trạng thái tích cực cho trẻ, giúp trẻ dễ dàng đối mặt với khó khăn và thử thách trong học tập lẫn trong cuộc sống. Vậy tự tin là gì? Tự tin được biểu hiện như thế nào và làm thế nào để rèn luyện sự tự tin ở trẻ? Bố mẹ hãy cùng FasTracKids Bé Thông Minh tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Sự tự tin là gì?
Sự tự tin là một trạng thái tinh thần, là sự tin tưởng và đánh giá cao khả năng của bản thân mà không bị ảnh hưởng bởi sự nghi ngờ hay sự phê phán từ người khác. Trong học tập, sự tự tin còn được hiểu là sự chủ động, sẵn sàng tham gia vào tất cả hoạt động để khám phá giới hạn bản thân, không ngần ngại học hỏi thêm nhiều kiến thức mới.
Tự tin có thể được xây dựng qua việc nhận ra, phát triển các tài năng và kỹ năng của bản thân, đối mặt với sự sợ hãi và vượt qua thách thức. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được sự hài lòng và thành công cá nhân.
Biểu hiện của sự tự tin ở trẻ
1. Khi đến môi trường mới – đông người, trẻ dám giới thiệu tên, chào hỏi mọi người.
Một bạn nhỏ tự tin đơn giản là khi đến chỗ lạ, chỗ đông người nhưng vẫn thoải mái cười đùa, không bị rụt rè, e thẹn, dám giới thiệu con tên là gì, con mấy tuổi…mà không cần bố mẹ nhắc nhở hay hỗ trợ. Nhưng đôi khi xuất phát từ tình yêu thương bao bọc của người lớn mà vô tình lại lấy đi sự tự tin của con.
Con đi chơi cùng ba mẹ – ông bà khi có người hỏi con tên gì thay vì để con tự trả lời thì ba mẹ – ông bà trả lời hộ con. Tuy chỉ là một hành động rất nhỏ nhưng lâu dần chính người lớn vô tình sẽ làm mất đi sự chủ động – tự tin của con.
2. Dám chủ động bắt chuyện, làm quen với bạn mới, biết cách chơi với các bạn.
Trong thời đại 4.0 nhiều trẻ thích chơi với ipad, tivi, game… thay vì chơi cùng các bạn.
Khi trẻ tương tác, giao tiếp một chiều, tiếp xúc thiết bị điện tử quá lâu, không có thói quen giao tiếp với người khác sẽ có rất ít bạn, đi học dễ bị bạn bè trêu chọc, cô lập. Ngược lại nếu rèn được kĩ năng này con sẽ dễ hòa nhập và tạo ấn tượng tốt với mọi người dù ở bất kỳ môi trường nào.
3. Dám giơ tay phát biểu, đưa ra ý kiến của bản thân.
Một bạn nhỏ có thể giỏi về tư duy, giỏi về sáng tạo nhưng không dám nói ra những gì mình nghĩ thì không ai biết được. Con sẽ mất đánh mất đi nhiều cơ hội như: học bổng, cơ hội du học, cơ hội được tham gia đội tuyển học sinh giỏi… Như vậy sẽ rất thiệt thòi cho con vì tài năng của con sẽ bị lãng phí và thui chột, không được tận dụng tối đa vì không được đặt đúng vị trí.
4. Dám nghĩ, dám làm, dám thử những cái mới.
Trong thời buổi hiện nay, công nghệ, cuộc sống thay đổi liên tục. Nếu trẻ chỉ dám sống trong vùng an toàn mà không dám thử thách bản thân với những cái mới thì những suy nghĩ, sự hiểu biết của con sẽ bị giới hạn. Sự sáng tạo chỉ được tạo ra trong quá trình con học tập và dám thử, dám làm. Chính những sự trải nghiệm, thử thách mới thì mới giúp con biết con thích gì, con mạnh ở đâu.
5. Dám tự tin thuyết trình
Tự tin thuyết trình thể hiện từ phong thái tự tin, ánh mắt dám nhìn vào người đối diện. Trẻ biết thuyết trình là trẻ biết tự tổng hợp thông tin, biết cách làm chủ cảm xúc của mình và nhận biết cảm xúc của người khác, dám đưa ra câu hỏi cho khán giả… lâu dần trẻ sẽ linh hoạt hơn trong cách nói chuyện và xử lí tình huống. Đây là một trong những kỹ năng nền tảng đầu đời mà trẻ nên được phát huy sớm, rất có lợi cho việc học tập và làm việc sau này của con.
Tự tin – chìa khóa thành công của trẻ
Sự tự tin chính là CHÌA KHÓA giúp trẻ phát triển toàn diện và hạnh phúc, thành công trong tương lai bởi rất nhiều những lợi ích nó mang lại:
1. Tự tin là tiền đề giúp trẻ bộc lộ tiềm năng:
Những trẻ em tự tin sẽ mạnh dạn bộc lộ khả năng của bản thân, dám thử những cái mới, không ngại thử thách khó và trẻ tự tin cũng nhanh chóng xây dựng được nhiều mối quan hệ trong trường học và ngoài xã hội, có tinh thần làm việc nhóm cao. Sự tự tin chính là yếu tố then chốt giúp trẻ dễ dàng nắm bắt được những cơ hội tốt và thăng tiến trong cuộc sống sau này.
2. Sự tự tin giúp làm chủ bản thân rất tốt
Tự tin vào giá trị bản thân là nhân tố quan trọng đề kháng mọi sự cám dỗ. Rất thường xảy ra trường hợp trẻ nhút nhát, thường bị bắt nạt, chọc ghẹo nhưng không dám lên tiếng, để kéo dài sẽ khiến các em rơi vào trạng thái co cụm, sợ hãi dễ bị cám dỗ dẫn dắt làm những điều xấu. Trẻ nhút nhát vẫn có thể học giỏi, rất vâng lời, dễ bảo, nhưng trẻ dần mất đi khả năng làm chủ bản thân, dễ dàng bị chi phối.
3. Sự tự tin giúp trẻ định hướng tương lai vững chắc
Những đứa trẻ tự tin sẽ dễ dàng phát hiện sở trường, thế mạnh của mình ngay từ nhỏ và có những định hướng sớm trong cuộc sống. Ngược lại, những đứa trẻ nhút nhát sẽ khó phát hiện điểm mạnh của bản thân, vì các em luôn có xu hướng che giấu ưu điểm cũng như khuyết điểm của mình, từ đó ưu điểm sẽ dần mai một, còn khuyết điểm thì sẽ không được sửa chữa uốn nắn kịp thời.
Cách rèn luyện sự tự tin ở trẻ
Khuyến khích con tự lập: Hãy tạo cơ hội cho con tự quyết định trong khả năng và giải quyết vấn đề một cách độc lập. Bên cạnh đó, bố mẹ có thể để con thể hiện ý kiến và suy nghĩ của mình bằng cách cho con tham gia vào các cuộc trò chuyện và bày tỏ quan điểm cá nhân.
Đánh giá cao những thành tựu của con: Bố mẹ hãy dành những lời khen cho những nỗ lực và cố gắng của con, dù là nhỏ nhất. Nó có thể đến từ việc con hoàn thành bài tập, phụ giúp bố mẹ việc nhà hay con đã giúp đỡ một ai đó. Sự công nhận là phần thưởng xứng đáng về mặt tinh thần, giúp con dần hình thành sự tự tin từ bên trong.
Dám để con mắc lỗi: Bên cạnh việc hỗ trợ và động viên con trong quá trình học tập, hãy cho con được phép sai lầm trong khuôn khổ. Bởi kinh nghiệm được tích lũy từ những lần thất bại, con có thể học được nhiều bài học quý báu từ những lần “chưa thành”, miễn là con dám làm, dám sai, dám thay đổi và trở thành phiên bản tốt hơn của ngày hôm qua.
Cùng con tìm ra sở thích cá nhân: Một năng khiếu sẵn có hay một khả năng được rèn luyện chắc chắn sẽ giúp con ghi điểm trong mắt thầy cô, gia đình và bạn bè. Vì thế, cùng con khám phá ra sở trường của bản thân con cũng là cách xây dựng sự tự tin mà con cần có. Bố mẹ có thể cho con tiếp cận với các môn năng khiếu về âm nhạc, thể thao, võ thuật hay nghệ thuật từ bé để phát hiện và phát triển tài năng sẵn có của con.
Để con được giao tiếp và chia sẻ: Khuyến khích con giao tiếp là cách hiệu quả để thúc đẩy sự tự tin trong con. Khi được giao tiếp tích cực và công bằng, con nhận thấy mình được lắng nghe và có tiếng nói, từ đó con sẽ mạnh dạn thể hiện ý kiến, cảm xúc cá nhân của mình. Việc này không chỉ giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp mà còn xây dựng sự tự tin nhất định trong học tập cũng như các mối quan hệ cá nhân.
Sự tự tin không chỉ là một kỹ năng, mà là một đức tính cần rèn luyện lâu dài, nhất là đối với trẻ em. Đây chính là khoảng thời gian để các con tích lũy nhiều trải nghiệm, từ đó hình thành nhân cách về sau. Càng hiểu rõ lợi ích của đức tính này, bố mẹ sẽ dễ dàng đồng hành cùng con trong học tập cũng như nắm bắt được tâm lý trẻ nhỏ, giúp con xây dựng sự tự tin cần có.
Bố mẹ quan tâm đến sự phát triển kỹ năng và khơi dậy tiềm năng của trẻ từ 3-11 tuổi có thể đăng ký trải nghiệm cho con tại đây: https://bethongminh.vn/gioi-thieu-chuong-trinh-fastrackids-be-thong-minh/
—————————————
FASTRACKIDS – BÉ THÔNG MINH
Chương trình Phát triển Năng lực Tư duy và Kỹ năng dành cho trẻ từ 3-11 tuổi
Bản quyền Hoa Kỳ
Lượt đọc: 1,451