Cách phát hiện để phát triển năng khiếu ở trẻ từ sớm
Hiện nay, chương trình giáo dục ở nước ta chỉ chú trọng vào các môn học trên lớp mà bỏ qua các vấn đề về phát triển kỹ năng, tâm lý, giáo dục giới tính và thể dục thể thao ở trẻ em… Đặc biệt là việc phát hiện và đẩy mạnh năng khiếu của từng trẻ hiện không được quan tâm. Nếu đứa trẻ có khả năng về thể thao nhưng lại đánh giá chúng qua khả năng âm nhạc thì đứa trẻ sẽ bị tự ti và sẽ không phát triển được khả năng tiềm ẩn của mình. Cho nên nhận biết năng khiếu của trẻ và phát triển các năng khiếu ấy là điều tốt nhất cha mẹ có thể làm cho trẻ, giúp trẻ tự tin và sống thoải mái với khả năng của mình. Đây cũng có thể là chìa khóa, động lực để trẻ thành công sau này.
Các bậc cha mẹ đã biết năng khiếu của con chưa? Không cần đến các bài tập cao siêu hay những bài kiểm tra IQ, sự quan sát đơn thuần cũng có thể giúp bố mẹ phát hiện ra trẻ đang có năng khiếu ở lĩnh vực nào và giúp trẻ phát triển chúng. Dưới đây là các dấu hiệu có năng khiếu ở một số lĩnh vực cơ bản, được tổng hợp từ nhiều nguồn. Đứa trẻ chỉ cần có hơn 50% các dấu hiệu thì đã được xem là có năng khiếu rồi.
1. Phát hiện và phát triển năng khiếu học tập ở trẻ
+ Có nhiều điểm giống với năng khiếu về trí tuệ nói chung, nhưng tập trung vào một lĩnh vực cụ thể (một vài môn học);
+ Chú ý lâu dài, sâu sắc đối với lĩnh vực mà bé quan tâm;
+ Học nhanh chóng, dễ dàng và ít phải học thuộc lòng trong một (những) môn học yêu thích;
+ Thích hoặc yêu một số lĩnh vực;
+ Dành thời gian cho những môn yêu thích nhiều hơn những bạn khác;
+ Tự nguyện dành thời gian nghiên cứu thêm đối với những lĩnh vực mà bé thích;
+ Tự mở rộng kiến thức về vấn đề bé quan tâm;
+ Có quan điểm rõ ràng và cởi mở trong một hoặc một số chuyên môn nhất định;
+ Có khả năng đánh giá, nhận định về những thông tin có liên quan đến lĩnh vực mà bé tìm hiểu;
+ Chủ động tìm kiếm sự trợ giúp từ những người khác để mở rộng vốn hiểu biết về đề tài bé quan tâm.
2. Phát hiện và phát triển năng khiếu trong tư duy,sáng tạo:
+ Xây dựng ý tưởng lưu loát và thành thạo khi thực hành;
+ Có khả năng kết nối những ý tưởng không mấy liên quan với nhau;
+ Linh hoạt trong cách suy nghĩ;
+ Có khả năng phán đoán các vấn đề, trở ngại;
+ Hoạt động một cách tự nhiên, trực giác;
+ Chấp nhận sự mơ hồ và không chắc chắn;
+ Phán đoán được các mâu thuẫn và đứt quãng;
+ Dễ dàng đoán định và xây dựng các giả thuyết;
+ Có khả năng đánh tráo, đùa giỡn hoặc định nghĩa lại các yếu tố của các vấn đề một cách thông minh;
+ Có thể tập trung cao độ khi cần;
+ Luôn có những ý tưởng riêng khi thảo luận hoặc làm việc nhóm;
+ Đưa ra nhiều giải pháp hoặc xử lý được vấn đề;
+ Không ngại ngần trong cách bày tỏ quan điểm, đôi lúc hơi cực đoan;
+ Vui vẻ, có trí tưởng tượng phong phú, thích tưởng tượng;
+ Luôn cố gắng để thích nghi hoặc cải thiện bản thân;
+ Có ý thức sâu sắc về sự hài hước, luôn nhìn thấy sự hài hước trong những tình huống không ngờ nhất;
+ Không chủ tâm trở nên khác biệt (nhưng thật sự rất khác biệt);
+ Không chấp nhận những ý kiến áp đặt;
+ Hỏi nhiều câu hỏi thách thức hiểu biết của bố mẹ, thầy cô, bạn bè;
+ Chán ghét việc học thuộc lòng;
+ Dồi dào năng lượng, đôi khi hơi quá phấn khích;
+ Phản ứng khó lường và bất ngờ, đôi khi hơi ngớ ngẩn;
+ Được những người cùng trang lứa nhận xét là “điên rồ”;
+ Cực kỳ khó trong việc nắm bắt suy nghĩ và trí tưởng tượng của bé.
3. Trẻ có năng khiếu làm lãnh đạo:
+ Có thể khuyến khích và khơi dậy tinh thần của người khác;
+ Điều động, sắp xếp được những người khác;
+ Được người khác công nhận những kỹ năng và khả năng tự chủ;
+ Tóm tắt và trình bày lưu loát ý kiến tổng hợp của cả một nhóm người;
+ Có thể trình bày ý tưởng một cách rõ ràng;
+ Có thể đồng cảm và lắng nghe câu chuyện của người khác;
+ Biết cách làm cho mọi người thực hiện tốt vai trò của mình trong nhóm;
+ Đưa ra định hướng rõ ràng, hiệu quả;
+ Thực hiện vai trò một cách đáng tin cậy và có trách nhiệm;
+ Kiểm soát được tinh thần của nhóm, khơi gợi cảm hứng và sự hăng hái ở các thành viên;
+ Hỗ trợ các thành viên trong nhóm một cách thích hợp;
+ Có thể phối hợp công việc với một số cá nhân khác;
+ Thường đặt ra những câu hỏi và đề nghị cho cả nhóm;
+ Khi có một điều gì đó cần được quyết định, tất cả mọi người trong nhóm đều nhìn bé chờ đợi.
4. Trẻ có năng khiếu về vận động:
+ Thích các nhịp điệu;
+ Yêu thích thể thao;
+ Thích các hoạt động thể chất;
+ Ý thức về hình thể
+ Phối hợp tốt, tự tin và cân bằng trong các hoạt động thể chất;
+ Sáng tạo trong xây dựng hay “chế” lại các trò chơi;
+ Lúc nào cũng tràn đầy năng lượng;
+ Thể hiện được sự nhẫn nại, sức chịu đựng và tính kiên trì trong các hoạt động thể chất;
+ Có sức mạnh vượt trội khi tham gia các trò chơi vận động với các bạn cùng trang lứa.
5. Phát hiện và phát triển năng khiếu nghệ thuật của trẻ:
– Nếu bé có năng khiếu âm nhạc, bé sẽ:
+ Có hứng thú với nhịp điệu;
+ Cơ thể có sự phối hợp tốt, linh hoạt;
+ Phân biệt tốt âm nhạc và những âm thanh khác;
+ Cảm thấy sự thân thuộc đối với âm nhạc;
+ Ghi nhớ về âm điệu, nhịp tốt;
+ Hưởng ứng một cách nhanh chóng, dễ dàng với nhịp điệu, giai điệu và hòa âm;
+ Sử dụng âm nhạc để mô tả cảm giác hay trải nghiệm của bản thân;
+ Có thể lặp lại những giai điệu, tiết tấu khi nghe qua;
+ Thích khiêu vũ và những lĩnh vực có liên quan đến âm nhạc.
– Nếu có năng khiếu kịch nghệ, bé sẽ:
+ Thể hiện sự quan tâm và thích thú những hoạt động đầy kịch tính;
+ Dễ dàng nhập vai một nhân vật khác hoặc một con vật nào đó;
+ Sử dụng âm sắc khác nhau của giọng nói để phản ánh những thay đổi trong tâm trạng;
+ Thể hiện sự hiểu biết về sự xung đột hoặc tâm lý nhân vật khi theo dõi một sự kiện kịch tính;
+ Giao tiếp và bộc lộ cảm xúc bằng cử chỉ, nét mặt và ngôn ngữ cơ thể;
+ Thích gợi lên những phản ứng tình cảm từ người nghe;
+ Chứng tỏ được khả năng và kinh nghiệm về diễn xuất;
+ Có thể đẩy mâu thuẫn đến đỉnh điểm, dẫn dắt mọi người đến cao trào rồi dẫn đến kết thúc bất ngờ khi kể một câu chuyện.
– Nếu có năng khiếu nghệ thuật, bé sẽ:
+ Vẽ được nhiều đối tượng với nhiều cảm xúc khác nhau;
+ Tỷ lệ và màu sắc của bức tranh rất hài hòa một cách tự nhiên;
+ Trong nét vẽ có cá tính độc đáo riêng biệt;
+ Sẵn sàng thử vẽ trên các vật liệu mới để lấy kinh nghiệm;
+ Theo đuổi nghệ thuật trong những khoảng thời gian rảnh rỗi;
+ Sử dụng nghệ thuật để thể hiện cảm xúc và trải nghiệm của mình;
+ Thích làm các mô hình bằng đất sét, giấy, nhựa v.v…
Bé Thông Minh (Sưu tầm)
Lượt đọc: 6,918