Tầm quan trọng của việc đọc cho trẻ nghe
Trong quá trình phát triển của một đứa trẻ, có khá nhiều yếu tố liên quan và tác động lẫn nhau. Những yếu tố đó bao gồm sự phát triển về mặt thể chất, nhận thức, xã hội, tinh thần và tình cảm ở trẻ. Mỗi mặt khác nhau của quá trình phát triển này chịu ảnh hưởng của những mặt khác và không thể bị tách rời. Ví dụ, một đứa trẻ bị suy dinh dưỡng thì khó có thể học tốt được. Cũng như vậy, những trẻ học kém thường có những vấn đề liên quan tới lòng tự trọng và gặp khó khăn trong việc hòa nhập.
Tất cả những yếu tố kể trên đều vô cùng quan trọng đối với quá trình phát triển của trẻ. Tuy nhiên, trong bài này, chúng ta sẽ chỉ tập trung bàn về việc tại sao đọc lại quan trọng với trẻ và tác động của việc đọc tới sự phát triển, giáo dục trẻ.
Sự phát triển
Đọc cho trẻ nghe là hành động tạo ra những tác động mạnh mẽ tới tất cả các mặt trong quá trình phát triển của trẻ, dù cho những dấu hiệu để nhận biết điều đó là rõ hay không rõ. Theo như AAP (Hiệp hội chăm sóc trẻ em của Mỹ), đọc giúp trẻ phát triển trí não và làm tăng thêm sự liên kết về mặt tình cảm giữa cha mẹ và con cái. AAP cho rằng cha mẹ nên bắt đầu thói quen đọc mỗi ngày cho trẻ từ khi trẻ còn ẵm ngửa cho tới khi chúng lớn. Mặc dù vậy, những ghi nhận của tổ chức này cho thấy chỉ 50% các bậc cha mẹ đọc cho con nghe mỗi ngày.
Ngôn ngữ là hình thức được sử dụng nhiều nhất trong giao tiếp và vì vậy, những trẻ được tiếp cận với sách từ nhỏ sẽ có xu hướng cảm nhận tốt về sự thay đổi của âm thanh. Điều này có tác động tích cực tới khả năng ngôn ngữ và nhận thức của trẻ. Nghiên cứu cho thấy việc làm quen với sách của trẻ là do người mẹ, người chăm sóc chính của trẻ trong hầu hết các trường hợp. Những nghiên cứu còn chỉ ra rằng sự quen thuộc của trẻ và sách còn chịu ảnh hưởng bởi trình độ học vấn của người mẹ. Trình độ học vấn của mẹ càng cao thì trẻ càng dễ tiếp cận với việc đọc. Những ảnh hưởng của việc đọc tới khả năng ngôn ngữ cũng như nhận thức của trẻ là tuần hoàn, nhưng diễn tiến một cách tự nhiên. Trẻ càng sử dụng âm thanh để nhận biết từ mới nhiều thì trẻ càng đọc nhiều. Trẻ càng đọc nhiều thì trẻ càng học được nhiều cho tới khi vốn học đó được mở rộng ra và vòng tuần hoàn lại lặp lại.
Ngoài ra việc đọc cũng đem lại cơ hội cho sự phát triển về thể chất. Đơn giản việc lật các trang sách cũng giúp ích cho các dây thần kinh vận động. Điều đó khuyến khích cơ mắt và có tác động về mặt hóa học lên cơ thể thông qua việc sử dụng não. Điều này cũng tác động tới các giác quan như thị giác, thính giác, xúc giác và khứu giác.
Sự giáo dục
Những năm tháng đầu đời của trẻ thực sự là những năm tháng vô cùng quan trọng. Từ khi sinh ra, trẻ đã liên tục sàng lọc những kích thích bên ngoài và học cách ứng xử với môi trường xung quanh, cũng như, với những người mà trẻ tiếp xúc. Cha mẹ là người đặt những viên gạch đầu tiên cho việc giáo dục trẻ sau này. Cha mẹ thường là người thầy đầu tiên trong đời trẻ và từ cha mẹ, trẻ không chỉ học được những điều căn bản ban đầu mà còn cả cách tiếp nhận kiến thức nữa.
Sự hòa nhập xã hội ở trẻ, bao gồm cả thái độ của chúng với việc giáo dục và học tập, chịu ảnh hưởng lớn từ những trẻ cùng lứa. Những báo cáo của tổ chức về trẻ em ở Mỹ cho thấy sự hứng thú của trẻ với việc học cũng tác động tới khả năng học tập của trẻ. Truyền tình yêu đọc cho trẻ và khuyến khích trẻ duy trì tình yêu đó sẽ giúp trẻ tiếp tục phát triển tốt và giúp trẻ tránh được những tác động xấu đến từ những trẻ cùng lứa khác.
Đọc là một biện pháp giúp hình thành nền móng căn bản để từ đó xây dựng nên sự nghiệp giáo dục cho trẻ. Dù cho trẻ còn quá nhỏ để hiểu những từ ngữ trong sách thì điều này cũng không quan trọng. Những nhà khoa học, nhà nghiên cứu trẻ em và những nhà giáo dục đều cho rằng đọc cho trẻ nghe còn giúp làm tăng cường quyết tâm học tập ở trẻ. Họ cũng cho rằng hình ảnh bạn ngồi đọc sách cho trẻ nghe là một trong những tác nhân chính giúp hình thành niềm ham mê đọc sách ở trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ không nên áp đặt những thông tin trẻ cần biết. Trẻ chủ động tham gia vào quá trình phát triển và giáo dục bản thân. Mặc dù như vậy, cùng với việc đọc, bạn hãy dành thời gian trò chuyện với trẻ để giúp chúng củng cố kiến thức và phát triển.
Lượt đọc: 3,950