Có “tác gia” trong nhà bạn!

Bạn có tin điều này không: Trước khi trẻ được đi học, được học chữ một cách chính thống thì trẻ đã có xu hướng tự tập viết với một cây bút sáp.

Những nét chữ nguệch ngoạc ban đầu chính là nền tảng cho trẻ phát triển ngôn ngữ. Nghiên cứu cho thấy trẻ được khuyến khích vẽ và viết từ sớm sẽ biết viết nhanh hơn, cũng như tự tin hơn khi bắt đầu lên lớp 1.

Làm thế nào để khuyến khích trẻ tập viết?

Kể từ thưở ấu thơ, việc đọc sách cho trẻ nghe sẽ vô cùng hữu ích trong việc chuẩn bị cho trẻ học đọc, học viết. Nghe đọc sách, đọc truyện sẽ giúp trẻ phát triển những ý nghĩa đầu tiên về các chữ viết, các ấn bản cũng như giúp trẻ ý thức được về tác dụng của những câu truyện. Sau khi trẻ học đọc, việc viết sẽ tiếp tục đóng góp cho việc phát triển ngôn ngữ và đọc.

Trong bài viết này, Hanoi FasTracKids xin gửi tới những bậc phụ huynh một số gợi ý để khuyến khích trẻ tập viết, không chỉ để viết đẹp, viết đúng, mà còn viết như một cách để giao tiếp, bộc lộ cảm xúc và ý kiến của mình.

Chuẩn bị đồ dùng học tập và không gian

trẻ tập viết

Những dụng cụ cần thiết cho việc tập làm nhà văn của trẻ không cần phải thật đặc biệt, đắt tiền, mà nên đầy đủ và luôn trong tình trạng gọn gàng, được chăm sóc cẩn thận. Sau đây là một vài gợi ý:

  • Bàn viết: Một bàn viết ngăn nắp, thoải mái sẽ là nguồn động lực cho con bạn viết tốt. Trẻ nên được sắp xếp cho một chiếc bàn cỡ nhỏ, bàn viết phải xa đồ chơi của trẻ. Trẻ lớn hơn có thể viết, học ngay tại bàn của bố mẹ, hoặc có thể có bàn riêng.
  • Giấy viêt: Những “nhà văn nhí” sẽ cần những giấy khổ to để tiện sáng tác bằng những hình vẽ ngộ nghĩnh. Chỉ cho trẻ sử dụng giấy kẻ ô khi trẻ đã thông thạo bảng chữ cái. Bố, mẹ cũng nên nhớ rằng sản phẩm khác nhau nên được trình bày ở những khổ giấy khác nhau.
  • Công cụ để sáng tác: Trẻ nhỏ thích hợp nhất với bút dạ ngòi to và bút sáp. Trẻ mẫu giáo sẽ thích dùng bút nhỏ hơn, bút sáp thường và phấn. Trẻ mới đi học sẽ cần bút chì và tẩy. Khi trẻ đã viết thạo, tặng trẻ chiếc bút mực để những trang viết đẹp hơn!
  • Sách tham khảo: Khi trẻ thành thạo với việc viết lách, hãy giúp trẻ tự đánh giá về những tác phẩm của mình. Trẻ cần một quyển từ điển để kiểm tra lỗi chính tả, một từ điển thành ngữ sẽ giúp trẻ tăng vốn từ vựng, nếu trẻ thích làm thơ, hãy tặng “thi sĩ nhí” nhà bạn một quyển sách thơ của các tác giả nhỏ tuổi trong nước.
  • Nên có thùng rác: Vạn sự khởi đầu nan. Ai cũng gặp khó khăn trong những buổi đầu, bao gồm cả các “văn sĩ nhí”. Hãy động viên trẻ thử đi thử lại nhiều lần và sẵn sàng làm lại từ đầu nếu chưa vừa ý.
  • Máy vi tính cá nhân. Mặc dù thoạt tiên, máy vi tính có vẻ không cần thiết lắm, tuy nhiên nó có thể giúp ích rất nhiều trong quá trình hình thành những kinh nghiệm viết cho trẻ. Ngoài ra, các trò chơi với chữ và từ của máy còn rất hữu dụng. Với trẻ lớn hơn, trẻ có thể bắt đầu tập làm quen với việc viết trên máy vi tính.
  • Đóng sách: Gom một số đồ như kéo, hồ, băng dính, dập ghim, một số giấy bìa, giấy màu để đóng bìa. Các trang có thể được dập ghim lại, chỗ dập ghim được giấu khéo với một miếng vải nhỏ, hoặc cũng có thể đục lỗ qua các trang sách và dùng dây ruy băng ghép lại thành quyển. Những “đồ nghề đóng sách” này có thể được đựng trong một cái rổ, hoặc một thùng các tông nhỏ xinh để trẻ tiện sử dụng.
  • Trưng bày: Các văn sĩ nhí rất tự hào về tác phẩm của mình. Hãy tặng con một phong bì lớn hoặc một chiếc hộp để lưu trữ các tác phẩm, đồng thời dán trên tủ lạnh tên những tác phẩm ưng ý nhất của trẻ, nếu được, phụ huynh hãy trưng bày những tác phẩm này vào một vị trí trang trọng của tủ sách gia đình.

Rèn luyện mỗi ngày

trẻ tập viết

Cũng giống như việc đọc sách, việc học viết cũng có thể trở thành hoạt động thường nhật của gia đình. Một số gợi ý sau sẽ giúp phụ huynh thấy rằng, hoạt động nào của gia đình cũng có thể là một cơ hội tốt để trẻ tập viết:

  • Trước khi đi chợ bạn hãy nhờ trẻ viết ra danh sách cần mua, hoặc nhờ con bổ sung thêm vào danh sách đi chợ của bạn.
  • Hãy hướng dẫn cho con bạn biết cách ghi lại lời nhắn của khách khi bạn không thể nghe diện thoại. Đặt tệp giấy nhớ và bút ở gần điện thoại để tiện cho việc ghi lại thông điệp, các thành viên trong gia đình cũng có thể để lại lời nhắn cho nhau bằng hình thức này.
  • Bạn có thường xuyên viết thư cho ông bà, hoặc các thành viên khác trong gia đình, bạn bè không? Nếu có, hãy khuyến khích trẻ cùng viết.
  • Khuyến khích trẻ bổ sung những ngày quan trọng như khai giảng, họp mặt phụ huynh vào lịch. Trẻ nhỏ chưa biết viết có thể vẽ, hoặc đánh dấu theo ký hiệu đã quy ước của cả nhà.

 

Viết để vui, vui để viết!

Hãy tạo cho trẻ sự hứng khởi khi tập viết! Phụ huynh nên ghi nhớ rằng việc viết đúng, viết sạch, hay cách trẻ cầm bút sao cho đẹp không quan trọng. Những kỹ năng này rồi sẽ tiến bộ theo năm tháng, điều quan trọng là ý tưởng của trẻ và hãy khuyến khích, tán dương tất cả những tác phẩm của trẻ.

Tập viết bất cứ nơi đâu: hãy giúp trẻ tập để ý tới bất cứ thứ gì có chữ ở xung quanh. Đọc to các bảng hiệu, các biển dừng hoặc bất cứ thứ gì bạn gặp hàng ngày.

Đọc chính tả: Hãy trở thành thư ký của con để viết lại tất cả những gì trong câu chuyện trẻ kể. Đọc đi đọc lại câu chuyện này, vừa để tán dương trẻ, vừa để trẻ có thời gian làm quen với các từ, chữ cái trong truyện.

Khuyến khích những văn sĩ “nhỡ”

trẻ tập viết

Hơi khác một chút so với trẻ mới đi học, nhu cầu viết của trẻ đã học đọc, viết được một thời gian cũng rất khác. Trẻ muốn có cơ hội thể hiện mình, lại vừa tò mò tìm hiểu về cuộc sống xung quanh. Tất nhiên phụ huynh không thể ép trẻ viết, nhưng hoàn toàn có những cách để khiến trẻ trau dồi bút nghiên một cách rất tự nhiên.

Viết nhật ký: Nhật ký là một cách tự nhiên để trau dồi khả năng viết lách, đồng thời cũng là cách trẻ ghi lại những khoảnh khắc cảm xúc của mình. Hãy tặng trẻ một quyển nhật ký, biết đâu nhờ có những vui buồn trong quyển nhật ký này mà trẻ lại có cảm hứng để trở thành một nhà văn sau này thì sao?

Sách hướng dẫn viết: Tham khảo ở nhà sách để lựa chọn những quyển sách hướng dẫn cách viết cho trẻ, bạn cũng có thể lựa chọn những quyển sách “cổ điển” như Em yêu thơ văn, trong đó là những bài viết đã từng đoạt giải văn cấp quân, thành phố, quốc gia của các bạn đồng tuổi với trẻ.

Viết thư: Khuyến khích trẻ viết thư cho những người thân ở xa. Hãy dạy trẻ sự khác biệt giữa điện thoại và viết thư, nếu như điện thoại là cách liên lạc nhanh – trực tiếp thì thư từ lại mang cho người gửi – nhận cảm giác gần gũi lắng đọng hơn, có những điều không nói được thành lời nhưng khi viết ra lại dễ dàng hơn. Phụ huynh có thể cho trẻ xem những bức thư mình gửi cho họ hàng để trẻ làm mẫu.

Những món quà được viết ra: Những tấm thiệp với thông điệp rất riêng, những vẫn thơ sẽ ý nghĩa hơn nhiều nếu như được tự làm. Trẻ lớn một chút có thể tự làm những tấm thiệp, trong đó là những lời chúc và vần thơ do trẻ tự sáng tác. Phụ huynh có thể trợ giúp trẻ tự làm những quyển sách hoặc lịch để tặng người thân, bạn bè.

Cả nhà ta cùng viết!

 

gia đình cùng tập viết, Hanoi FasTracKids

Mặc dù văn, thơ vẫn được coi là tác phẩm cá nhân, tuy nhiên cả gia đình cũng có thể góp phần để hoàn thiện tác phẩm dành cho trẻ. Sau đây là một vài ý kiến để giúp cho tác phẩm của bé có sự

Sổ lưu niệm và album ảnh: Giữ những vật lưu niệm về những hoạt động gia đình trong một album và đề nghị con bạn giúp ghi chú lại ngày tháng, đề mục.

Nhật ký du lịch: Khi cả nhà đi du lịch, bạn hãy thiết kế một quyển nhật ký du lịch, ghi lại cảm nhận về những nơi bạn đến, những người bạn gặp. Khuyến khích trẻ lưu lại dấu ấn trong quyển nhật ký bằng những cảm nhận tự viết, hoặc những hình vẽ ngộ nghĩnh, sau này cả gia đình sẽ có những giờ phút hạnh phúc thư giãn khi xem lại những đoạn đường, những địa điểm đã qua.

Viết dành tặng những người thân trong gia đình: Không chỉ tốt cho trẻ, hoạt động này tạo cho những người thân trong gia đình thêm thân thiết với nhau. Ví dụ:

  • Viết cho trẻ khi trẻ đi cắm trại, hoặc khi bạn đi cắm trại mà không có trẻ. Như đã nói ở phần đầu của bài, có rất nhiều điều không thể diễn tả qua điện thoại, bí quyết là thư giãn, lắng nghe và ghi lại những điều trái tim bạn muốn nói với những người thân.
  • Hãy để lại những lời nhắn với nội dung ngộ nghĩnh trong túi xách, hoặc trong giỏ ăn trưa.
  • Hãy tặng cho con bạn những vẫn thơ, hoặc một bức thư chúc mừng ngày sinh nhật cùng quà tặng.

Và còn rất nhiều hành động khác, những ngôn từ được viết ra sẽ lưu lại mãi mãi trong tâm trí người đọc, thế nên phụ huynh không nên chỉ động viên con mình viết, mà hãy nêu gương viết cùng với con. Ngoài ra, sự  nhiệt tình và cổ vũ của phụ huynh dành cho con cái cũng rất quan trọng, khi cảm nhận được sự quan tâm của cha mẹ, trẻ sẽ tự  tin hơn để viết. Phụ huynh cũng đừng quên nhận xét về bài viết của trẻ với thái độ nhẹ nhàng, tích cực nhưng cũng phải thật chính xác, với thái độ này, trẻ sẽ cảm thấy mình không chỉ được cổ vũ, động viên mà mình còn được tôn trọng.

Lượt đọc: 2,620