Sự chia sẻ, học hỏi và phát triển ở trẻ

Chia sẻ

Khi một đứa trẻ chập chững biết đi (năm 2 tuổi) thì bé sẽ bắt đầu hiểu được khái niệm “sở hữu”. Tuy nhiên, bé lại có xu hướng tin rằng bé sở hữu tất cả mọi thứ trên đời từ con chó nhà bác hàng xóm, cái ví của mẹ cho tới đồ chơi của bạn.

Nhiều bà mẹ cảm thấy xấu hổ trước điều đó và tìm cách sửa con song kết quả là bé phản ứng lại bằng cách giật, kéo hoặc khóc òa lên – dĩ nhiên là vì bé cáu. Các bé thường phải đến năm 3,4 tuổi mới hiểu được khái niệm “chia sẻ”.

Mặc dù phần lớn các bé khi đến tuổi đều học được cách chia sẻ và chơi ngoan nhưng chúng đều phải trải qua những quá trình nhất định. Các bé 2 tuổi thường tỏ ra “giữ của” là vì chúng chưa hiểu được rằng khi chúng đưa ai đó một món đồ, người ta rồi sẽ trả lại món đồ đó. Ngoài ra, các bé còn muốn giữ những cái riêng của mình, muốn thử nghiệm mọi thứ xung quanh và giữ quyền lợi riêng của chúng nữa.

Mặc dù việc dạy cho trẻ biết sẻ chia ở tuổi này rất mất thời giờ và có những lúc thất bại nhưng cha mẹ vẫn có thể dạy được trẻ điều đó. Các ông bố bà mẹ phải dạy từ từ, không nên nôn nóng. Tuy nhiên đối với nhiều trẻ, nếu để chúng tự giải quyết các vấn đề thì kết quả sẽ tốt hơn.  Khi cha mẹ thấy cần thiết phải dạy con và chúng phản ứng lại thì cha mẹ nên nhẹ nhàng, bình tĩnh khuyên bảo con. Hãy để cho chúng có thời gian nguôi ngoai cơn giận.

Có một điều cha mẹ nên biết là các bé ở tuổi lên hai rất dễ bị đánh lạc hướng. Vì vậy, hãy tận dụng điều này khi cần giải quyết vấn đề “chia sẻ”. Hãy hướng sự chú ý của bé tới một món đồ chơi khác hoặc hướng bé tham gia vào một hoạt động khác. Và thường thường, bé sẽ quên ngay cơn cáu giận của mình.

Một trong những cách hữu hiệu nhất để khuyến khích trẻ chia sẻ với người khác chính là đưa ra những nhận xét tích cực trước hành động của trẻ. Khi bạn nhận ra rằng con đang chia sẻ đồ chơi với bạn bè và chơi ngoan thì hãy khen con. Đứa trẻ nào cũng muốn thích được khen và được tôn trọng

Học hỏi

Bẩm sinh trẻ đã có thiên hướng tìm tòi, học hỏi. Từ những năm tháng đầu đời, trẻ đã bắt đầu học để hiểu về những cảm xúc của con người, học ngôn ngữ và mọi vật xung quanh. Trong những năm đầu đời này, trẻ cũng học nhiều hơn so với những năm còn lại.

Khuyến khích trẻ học là một điều cha mẹ cần làm. Bố mẹ càng giỏi khuyến khích con tìm tòi học hỏi bao nhiêu thì con cái càng ham học hỏi bấy nhiêu.

Có rất nhiều cách khuyến khích trẻ học. Trước hết, hãy để trẻ tiếp xúc với các môi trường khác nhau. Hãy cho trẻ chơi đánh đu, té nước, tô màu và chơi trên cát. Tiếp đến, hãy khuyến khích trẻ thử nghiệm mọi điều. Trẻ thường thích xem xem điều gì sẽ xảy ra nếu chúng hái một bông hoa hoặc đập nồi và chảo vào nhau.

Cha mẹ cũng nên sớm bắt đầu đọc truyện cho con nghe và phải duy trì đều đặn. Bạn có thể bắt đầu đọc cho con ngay từ khi bé được vài tháng tuổi vì đọc rất có lợi cho trẻ, cho dù chúng chỉ xem tranh hay là học cấu trúc câu mà thôi.

Cha mẹ cũng cần làm gương cho trẻ trong việc học hành. Không ai là quá già để học một điều mới cả.

Phát triển

Trong những năm đầu đời, trẻ trải qua quá trình phát triển vượt bậc về cả thể chất và tinh thần. Thông thường, các bé cao thêm hơn 25,4 cm và nặng hơn gấp 3 lần so với lúc mới đẻ trong năm đầu tiên. Ngoài những thay đổi về thể chất ra, bé còn học đi và học nói.

Các bác sĩ ghi lại quá trình phát triển của trẻ về chiều cao và cân nặng bằng các biểu đồ. Công cụ này đảm bảo rằng trẻ đang lớn ở mức độ bình thường và dần dần. Khi trẻ thay đổi chiều cao và cân nặng, các bác sĩ sẽ dựa vào bảng này để chắc chắn rằng trẻ đang phát triển theo nhịp phù hợp với chúng. Thường thì họ không so sánh bảng của trẻ này với trẻ khác

Tốc độ lớn của trẻ sẽ chậm lại sau năm đầu tiên, thường là chỉ cao thêm 5,08 – 7,26 cm và nặng thêm từ 1,5 – 2,5 kg ở giai đoạn trước dậy thì mà  thôi. Một đứa trẻ 2 tuổi cao trung bình 87cm và nặng khoảng 13kg. Thông thường, trẻ lớn ở những giai đoạn “bùng nổ” nhất định chứ không phải đều đều.

Khi giai đoạn dậy thì bắt đầu, thường là 9-13 ở nữ và 10-15 ở nam thì sự phát triển bắt đầu “bùng nổ”. Bên cạnh sự phát triển về chiều cao và cân nặng, các em sẽ trải qua những phát triển về giới – điều mà gây ra những thay đổi trên cơ thể. Những thay đổi có thể kể đến như là mọc lông, ngực phát triển và giọng nói thay đổi. Từ 15 – 17 tuổi, các em sẽ đạt tới độ “chín” của quá trình phát triển.

Có rất nhiều điều mà cha mẹ có thể làm để giúp con mình phát triển bình thường. Trẻ thường cần được ngủ từ 10 – 12 tiếng mỗi tối. Nguồn dinh dưỡng thường xuyên và các bài thể dục cũng rất quan trọng đối với một cơ thể đang phát triển.

Lượt đọc: 4,003