Nghệ thuật giáo dục trẻ về tiền bạc
Muốn bài học thật tự nhiên? Hãy bắt đầu sớm.
Bà Suzanne Landers Zavatsky- Giám đốc học viện nghiên cứu “Ý nghĩa của tiền bạc” tại Boston cho biết: “Nếu thấy cần, bố mẹ có thể bắt đầu dạy con về những khoản chi tiêu cần thiết trong gia đình khi thấy con có hứng thú. Bắt đầu càng sớm những câu chuyện về khái niệm “tiền” càng khiến nó trở nên gần gũi với trẻ”. Ví dụ như bố mẹ có thể bắt đầu cho trẻ làm quen với những câu chuyện ít nhiều “gần xa” về tiền bạc khi trẻ biết đếm. Hãy dùng thái độ tự nhiên, thoải mái để kể với trẻ về việc bố mẹ sử dụng tiền bạc thế nào? Đầu tư, tiết kiệm, hay sử dụng cho những nhu cầu thiết yếu trong gia đình ra sao? Cố gắng mở rộng câu chuyện và nhấn mạnh vai trò của trẻ trong quá trình đưa ra quyết định về tiền bạc của người lớn.
Trẻ em vốn rất tò mò, ngay khi thấy những trao đổi hàng-tiền-hàng mỗi ngày, trẻ sẽ âm thầm để ý và muốn tìm hiểu về chúng. Lúc này không nên gạt trẻ ra mà hãy dạy trẻ quy luật trao đổi: Các cửa hàng không chỉ là nơi “nhận” hàng hóa, hãy cho con cùng đi mua hàng và cho trẻ thấy quá trình “cho” và “nhận” luôn diễn ra song song, và ai ai cũng cần phải lao động chân chính để “nhận” được những gì mình muốn.
Muốn bài học có giá trị? Hãy áp dụng vào thực tế
Hãy cùng nghe một bà mẹ ở Los Angeles, California tâm sự làm thế nào để giáo dục cô con gái 4 tuổi của mình những bài học quý giá bằng việc đi dạo trong các cửa hàng. Cô Nicole Weisman đã quy định rõ với con mình 2 việc:
- Hai mẹ con sẽ cùng đi dạo trong các cửa hàng và cùng đưa ra quyết định mua hàng.
- Không phải lúc nào tới cửa hàng cũng phải mua một thứ gì đó, sẽ có “ngày ngắm nghía” và “ngày mua sắm”.
Hầu hết những ngày đi dạo trong cửa hàng là ngày “ngắm nghía”, và 2 mẹ con tha hồ thảo luận về những gì cả 2 quyết định mua khi có đủ tiền. Thế rồi, chỉ duy nhất 1 tháng 1 lần, 2 mẹ con mới có “ngày mua bán” để thực thi quyết định mà cả 2 đã cùng bàn bạc sôi nổi trong suốt những lần ngắm nghía trước đó. Tiền để mua hàng không phải số tiền cô Heidi cho con gái, mà là số tiền cô con gái 4 tuổi tự tiết kiệm từng ngày.
Giáo dục con bài học tiết kiệm đồng tiền không đơn giản. Ông Paul Richard – Giám đốc điều hành Học viện Giáo dục tài chính tiêu dùng khuyến khích phụ huynh nên tập cho trẻ thói quen “tiết kiệm có mục tiêu” mỗi khi trẻ muốn hỏi xin một thứ gì đó. Tiết kiệm có mục tiêu vì những lý do đặc biệt chính là động lực mạnh mẽ giúp trẻ ý thức trách nhiệm về sử dụng tiền bạc.
Một phụ huynh khác ở Palo Alto, California, chia sẻ một phương pháp đặc biệt để giáo dục con mình biết giá trị của đồng tiền. Và đây là phương pháp của cô Heidi Emberling:
“Nếu con trai tôi mỗi sáng thức dậy và tự chuẩn bị sẵn sàng tới trường (con tôi đang học mẫu giáo), cháu biết tự đi vệ sinh, mặc quần áo, chải răng và đầu tóc gọn gàng, cháu sẽ nhận được một phiếu vào ngày đó trên lịch. Đến cuối tuần, mỗi phiếu sẽ tương đương với 1 đồng.”
“Cháu có 3 cái lọ trong phòng – 1 lọ để tiết kiệm, 1 lọ để cho đi, và 1 lọ để tiêu dùng. Cháu có thể tùy nghi phân chia số tiền nhiều hay ít vào mỗi lọ, nhưng ít nhất mỗi tuần, mỗi lọ phải được bỏ thêm 1 đồng. Cháu có thể tiêu ngay số tiền trong lọ tiêu dùng, hay cháu có thể gộp thêm số tiền cháu có trong lọ tiết kiệm để trả cho những thứ đắt đỏ nhưng cháu thấy cần thiết. Cháu tự hiểu rằng tiền trong lọ cho đi là dành để giúp đỡ những người cần giúp đỡ, những chú chó, mèo hay con vật không ai nuôi”.
Bằng cách để con mình tự đưa ra quyết định nên sử dụng đồng tiền thế nào và chỉ đưa ra những chỉ dẫn hợp lý, bố mẹ đã cho con mình cơ hội thực tập quý giá về bài học đưa ra quyết định về tiêu dùng của bản thân.
Muốn giá trị của mỗi bài học được bền vững? Hãy trở thành tấm gương cho con học tập.
Tinh tế trong việc quản lý tiền bạc của bản thân chính là bài học bền vững nhất phụ huynh có thể truyền cho con mình. Chúng ta đang dạy con cái cách trân trọng và sử dụng đồng tiền hợp lý, không có lẽ gì chúng ta không tự rèn luyện để trở thành một tấm gương tốt cho con cái noi theo. Nếu như phụ huynh không khuyến khích việc nợ nần, chỉ chi tiêu đúng mức và khuyến khích việc tiết kiệm dài hạn vì mục đích lâu dài, con bạn sẽ nhìn vào đó như một tấm gương sáng để noi theo mỗi khi tiêu dùng. Cả nhà hãy cùng bàn bạc và coi trẻ như một thành viên có đầy đủ tiếng nói trong mỗi quyết định chi tiêu, dần dần trẻ sẽ chững chạc hơn và tiếp thu được những kinh nghiệm xử lý tình huống, cũng như hiểu rằng luôn luôn phải đưa ra quyết định hợp tình hợp lý nhất khi liên quan đến vấn đề tiền bạc.
Theo Monney
Lượt đọc: 4,352