Xây dựng sự tự tin cho trẻ

Trẻ cần phải luôn tự tin vào bản thân. Cho dù là trên đường tới trường hay đi chơi thì chúng sẽ luôn đi qua những địa điểm mới – những nơi chúng chưa khám phá bao giờ.

Thông thường, các bậc cha mẹ sẽ muốn truyền cho con cái cảm nghĩ rằng “mình có thể làm mọi việc” với mong muốn là chúng sẽ dũng cảm tham gia những thử thách mới và qua thời gian, chúng sẽ tin tưởng vào bản thân. Vậy làm sao để làm được điều này? Hãy thử làm theo những hướng dẫn sau đây:

Sự tự tin được hình thành dựa trên cảm giác về sự thành công. Hay nói cách khác, trẻ có được sự tự tin không phải bởi vì bố mẹ khen chúng giỏi mà là dựa trên những thành công chúng có được, lớn hay nhỏ. Chắc chắn là trẻ cũng rất thích khi được bố mẹ động viên. Nhưng những lời động viên, khen ngợi đó sẽ có tác dụng lớn hơn khi chúng được nói ra dựa trên những việc trẻ đã làm tốt hoặc đã nỗ lực để thực hiện.

Việc để trẻ tự làm những việc khó một chút như buộc dây giày, dọn giường là rất quan trọng. Tuy nhiên, cần phải chọn thời gian thích hợp để trẻ học làm những việc này. Thời gian cuối tuần là thích hợp nhất vì trẻ có thể làm từ từ và ít căng thẳng hơn.

Khi trẻ làm được một việc gì đó, cho dù đó là biết đánh răng hay biết đi xe đạp thì chúng cũng sẽ có cảm giác mình “có thể làm được” và chính điều này là nền tảng cho sự tự tin. Sự tự tin vào bản thân có thể hình thành từ khi trẻ còn rất nhỏ. Khi một em bé học cách giở các trang của một cuốn sách hay chập chững tập đi thì cũng là lúc chúng học để cảm nhận được rằng “chúng làm được”. Sự tự tin ở trẻ sẽ tăng lên mỗi khi chúng học được một kĩ năng mới hay vượt qua một mốc quan trọng trong cuộc đời.

Cha mẹ có thể giúp trẻ gây dựng sự tự tin bằng cách tạo cho chúng thật nhiều cơ hội để rèn luyện và tập thành thục các kĩ năng mới. Hãy để cho trẻ phạm lỗi và hãy luôn ở bên để động viên tinh thần của chúng, nhắc chúng tiếp tục cố gắng. Hãy tỏ ra thích thú và vui mừng mỗi khi trẻ thể hiện cho bạn thấy là chúng đã tập thành thạo một kĩ năng mới rồi . Hãy khen ngợi chúng mỗi khi chúng đạt được một mục tiêu nào đó hoặc nỗ lực làm việc gì đó.

Nhờ sự tạo điều kiện, sự hướng dẫn nhiệt tình và sự kiên nhẫn của cha mẹ, trẻ nhất định sẽ có thể học được cách thực hiện những kĩ năng khó như buộc dây giày hay dọn giường. Sau này, khi chúng phải đứng trước những thử thách khó khăn, trẻ nhất định sẽ tìm được cách để vượt qua. 

Luôn ở bên con

Kích thích sự tò mò ở trẻ cũng là một cách hay để giúp trẻ trở nên tự tin hơn. Có thể khi đặt tay lên những phím đàn piano, con bạn chỉ tạo ra những tiếng ồn chứ không phải là âm nhạc-nhưng điều đó cũng tốt. Bởi vì đó chính là lúc bé khám phá thế giới xung quanh và kiểm nghiệm xem mình có thể làm gì.

Dĩ nhiên là những lúc bé tìm tòi, khám phá như vậy, bạn cần phải luôn theo sát để đảm bảo sự an toàn cho bé. Nhưng để có thể giúp bé học được một kĩ năng mới, bạn không được tham gia vào hoạt động của bé. Hãy tạo điều kiện để bé tự thử nghiệm, phạm lỗi và học hỏi.

Ví dụ, nếu con bạn muôn học cách làm bánh xăng-đuých từ bơ lạc thì bạn hãy làm mẫu cho con xem. Sau đó, cung cấp cho con đầy đủ nguyên liệu làm bánh và yêu cầu con thử làm. Liệu bé có làm mọi thứ lộn xộn hết lên không? Dĩ nhiên là có rồi. Nhưng bạn đừng vì thế mà không cho bé làm nữa. Hãy tiếp tục khuyến khích bé thử lần nữa nếu chưa được. Nếu bạn thấy bé lóng ngóng và gạt bé ra để hoàn thành nốt chiếc bánh thì con bạn chắc chắn sẽ nghĩ rằng “Ồ, chắc mình không thể làm được bánh xăng-đuých rồi”

Nhưng nếu bạn kiên nhẫn chờ đợi và chấp nhận được cảnh lộn xộn tức thời thì có thể “kì tích” sẽ xuất hiện. Một ngày nào đó bé sẽ có thể nói với bạn rằng: “Tới giờ ăn trưa rồi, con đói mẹ ạ. Con sẽ tự làm một chiếc xăng-đuých nhé” và bạn sẽ có thể vui sướng đáp lại: “Tuyệt, con làm cho mẹ luôn một chiếc nhé?”. Khi đó, hãy ngắm nhìn thành quả của việc bạn đã tin vào khả năng của con nhé!

Luôn khen ngợi và động viên con

Đôi khi, những gì diễn ra lại không phải là bạn nhảy vào giữa chừng mà có thể lại là chính bé chán nản và từ bỏ. Nếu vậy, hãy khuyến khích và nói với bé rằng con cần phải kiên gan bền chí. Bằng cách cố gắng thử lại, trẻ sẽ học được rằng những khó khăn, trở ngại là có thể vượt qua.

Một khi trẻ đã đạt được một mục tiêu nào đó thì bạn nên khen ngợi chúng cả về thành quả lẫn quá trình nỗ lực để đạt được thành quả đó.  Ví dụ, sau khi con bạn đã biết làm bánh xăng-đuých từ bơ lạc, bạn có thể nói với con rằng “lần sau con có muốn học cách đập trứng không?” Để có thể làm bánh xăng-đuých và biết đập trứng không phải là việc khó nhưng chúng thực sự là những bước quan trọng trong việc giúp con bạn trở nên độc lập.

Thời thơ ấu chính là khoảng thời gian mà cha mẹ có thể tận dụng để dạy cho con mình cách tự chăm lo cho bản thân. Và như vậy, khi con bạn trở nên tự tin hơn và độc lập hơn, tình cha con cũng vẫn khăng khít. Bạn sẽ vẫn là người mà chúng yêu quý nhất không chỉ bởi sự gắn bó mà còn bởi tình yêu, niềm tự hào mà bạn dành cho chúng. Với những nỗ lực của bạn, khi con bạn lớn lên, nhất định chúng sẽ cảm ơn bạn vì đã chuẩn bị đầy đủ cho chúng những kĩ năng cần thiết để chúng có thể vào đời thật tự tin.

Lượt đọc: 8,863