Những thói quen không tốt của bé
Rất nhiều trẻ có những thói quen không tốt. Bốn thói quen không tốt mà các bậc cha mẹ hay phàn nàn nhất là:
- Cắn móng tay
- Mút ngón tay cái
- Nghịch tóc
- Ngoáy mũi
Các bậc cha mẹ thường hay buồn phiền hoặc lo lắng khi thấy con mình có những thói quen không tốt. Tuy nhiên, các bạn không nên quá lo lắng. Trong phần lớn các trường hợp, một thói quen chỉ tồn tại như một giai đoạn trong quá trình phát triển bình thường của trẻ mà thôi.
Một thói quen là gì?
Một thói quen là một hành vi được lặp đi lặp lại và người thực hiện thường không nhận thức được là mình lặp lại những hành vi đó. Trong khi trẻ thường vui vẻ, thoải mái với những thói quen của chúng thì các bậc cha mẹ lại không như vậy.
Và nếu như bé yêu của bạn thường xuyên đưa một tay vào miệng, tay kia nghịch tóc thì bạn cũng đừng quá ngạc nhiên. Các thói quen thường tồn tại cùng nhau. Dưới đây là những thói quen thường gặp ở trẻ nhỏ và các bé tuổi teen.
Cắn móng tay
Nếu bạn hay thấy con mình cắn móng tay thì bạn không phải là người duy nhất thấy điều đó đâu. Cắn móng tay và nghịch móng tay là thói quen thường gặp nhất ở trẻ.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng có từ 30% đến 60% các trẻ và các bé tuổi teen thường gặm móng tay. Và thường thường, một đứa trẻ có thể gặm cả móng chân nữa.
Các bé trai và bé gái ngang nhau về tỉ lệ có thói quen này trong những năm đầu đời. Tuy nhiên, ở những em lớn hơn thì tỉ lệ các bé trai cắn móng tay lại nhiều hơn các bé gái.
Nghịch tóc
Nếu con bạn hay nghịch tóc thì chắc con bạn là con gái phải không? Phần lớn các bé mà hay quấn, nhổ tóc là các bé gái.
Thói quen vân vê tóc có thể xuất hiện khi còn nhỏ như là một dấu hiệu cho thói quen nhổ tóc sau này. Nhưng rất nhiều trẻ thích vân vê và nhổ tóc lại bỏ được thói quen này khi chúng lớn hơn. Đối với những trẻ khó bỏ thói quen này, bạn hãy thực hiện cho chúng xem hành động khó coi đó và cách này thường tỏ ra có hiệu quả. Tuy nhiên, đối với những trẻ bắt đầu nhổ tóc khi đã lớn và ở tuổi teen thì thói quen này trở nên khó bó hơn và có thể là dấu hiệu của sự lo lắng, phiền muộn hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Ngoáy mũi
Ngoáy mũi có vẻ như là một thói quen mà thường xuất hiện khi trẻ còn ấu thơ và kéo dài cho đến khi trẻ trở thành người lớn. Nếu bạn cảm thấy chuyện này thật khó tin thì có thể tham khảo nghiên cứu về người lớn được thực hiện năm 1995. Nó chỉ ra rằng có tới 91% người lớn thường xuyên ngoáy mũi và 8% khai báo rằng họ ăn gỉ mũi.
Mút ngón cái
Do có quá nhiều trẻ hay mút ngón cái, người ta có thể nghĩ rằng đối với trẻ, mùi vị của ngón cái ngon hơn ngón trỏ. Nhưng thực ra đó chỉ là một lựa chọn ngẫu nhiên xuất phát từ việc khi sơ sinh, các bé hay đưa ngón cái vào gần miệng trong những cử động ngẫu nhiên bình thường mà thôi.
Một vài trẻ lại có thói quen mút hết các ngón tay hoặc bàn tay hoặc cả nắm đấm cùng với (hoặc thay vì) mút ngón cái. Phần lớn các bé mút tay đều còn nhỏ, khoảng từ 2 đến 4 tuổi.
Rất nhiều trẻ mút ngón cái để giữ bình tĩnh hoặc có cảm giác thoải mái khi làm như vậy. Nhưng thướng thì nếu các bé từ 4 đến 5 tuổi mà lại hay mút tay thì thói quen này có thể gây ra các vấn đề về răng miệng (chẳng hạn như hàm trên nhô ra nhiều hơn so với hàm dưới), ngón cái hoặc các ngón khác bị viêm nhiễm hoặc trẻ bị bạn bè chế nhạo.
Điều gì tạo nên một thói quen?
Tại sao con bạn lại hay mút ngón tay hoặc hay nghịch tóc? Các chuyên gia đã phải thừa nhận rằng họ không nói chắc được điều gì tạo nên một thói quen nhưng có thể đó là một hành vi bé học được mà lại mang lại cảm giác thoải mái cho chúng.
Các thói quen thường phát triển như một hình thức giải trí khi các bé chán hoặc khi cảm thấy lo lắng. Nếu bạn nhìn thấy con mình cắn móng tay hoặc nghịch tóc lần thứ hai, hãy cố gắng nhớ lại xem gần đầy bé có trải nghiệm nào khiến bé cảm thấy áp lực hay không. Vì nếu có thì hành vi đó chính là cách để bé giải tỏa sự căng thẳng tương tự như việc bạn vẫn thường đi tập thể dục để giải tỏa căng thẳng vậy thôi.
Tuy nhiên, có nhiều trẻ lại thực hiện thói quen khi chúng đang rất thư giãn, chẳng hạn như trước khi đi ngủ hoặc khi đang nằm nghe nhạc. Những thói quen này được giữ lại từ thuở lọt lòng. Chẳng hạn như với các bé sơ sinh thì mút ngón cái thực sự là một hành vi khiến bé cảm thấy thư giãn và có liên quan tới việc được cho ăn và hết đói.
Đôi khi, lời giải thích cho việc tại sao con bạn lại cắn móng tay nằm trong chính bạn. Các nghiên cứu cho thấy thói quen cắn móng tay có thể có liên quan đến gen.
Ngoài ra, trẻ còn có thể giữ thói quen xấu khi muốn thu hút sự chú ý của bố mẹ nữa. Nếu trẻ cảm thấy bố mẹ đang lờ chúng đi thì chúng có thể làm gì đó không hay bởi chúng biết rằng bố mẹ sẽ có phản ứng trước chuyện đó.
Đối mặt với những thói quen xấu ở con
Tin tốt là phần lớn các thói quen kể trên đều biến mất khi bé đến tuổi đi học vì lúc đó trẻ không cần chúng nữa.
Nhưng nếu bạn muốn con bỏ những thói quen này thì có thể cân nhắc các bước sau:
- Bình tĩnh nói với con tại sao bạn không thích thói quen đó của con. Cách này có thể sẽ có tác dụng với các bé 3 hoặc 4 tuổi. Nó giúp trẻ nhận thức được rõ hơn về thói quen của chúng. Hãy nói với con những câu như: “Mẹ không thích con cắn móng tay. Trông chẳng đẹp gì cả. Con có thể thôi không cắn móng tay nữa được không?” Song điều quan trọng nhất là nếu lần sau bạn còn nhìn thấy con cắn móng tay hoặc nghịch tóc thì đừng quở trách con. Những hình phạt và những lời phê bình có thể khiến bé còn làm như vậy nhiều hơn.
- Lôi con vào cuộc. Nếu con bạn 5 tuổi và trở về nhà từ vườn trẻ, mếu máo mách với bạn rằng: các bạn chê cười con mút tay thì bạn hãy tận dụng ngay cơ hội này. Lúc đó, bạn hãy hỏi con xem theo con phải xử lý việc này ra sao hoặc con có muốn bỏ thói quen này không. Hãy cùng con nghĩ ra một vài cách để giúp con bỏ thói quen xấu đó.
- Gợi ý một hành vi khác thay thế. Chẳng hạn, khi con bạn cắn móng tay, thay vì quát lên với con “Đừng có làm thế”, bạn có thể bảo con “Sao con không lắc lư các ngón tay?”. Câu nói này có thể giúp trẻ nhận thức rõ hơn về việc chúng đang làm và có tác dụng như một lời nhắc nhở. Để hoàn toàn thu hút sự chú ý của con, bạn có thể đánh lạc hướng con bằng cách nhờ bé giúp việc trong bếp hoặc rủ bé làm đồ thủ công.
- Thưởng và khen ngợi khi con tự chủ. Ví dụ, hãy cho con bạn sử dụng sơn móng tay nếu bé để móng tay mọc. Hoặc mỗi khi con bạn cố kiềm chế không mút ngón cái thì bạn nên khen con và thưởng cho con thứ gì đó.
- Luôn nhất quán trong việc thưởng phạt. Nếu bạn không nhận ra trẻ đang thực hiện hành vi tốt thì có thể trẻ sẽ không lặp lại hành vi đó nữa. Một hành vi mới, tích cực cần phải được giữ gìn trước khi hành vi xấu biến mất.
Để có được thành công, điều quan trọng nhất là bản thân bé phải có động lực để bỏ thói quen xấu. Và do thói quen được hình thành qua thời gian, cũng phải cần có thời gian mới bỏ được nó. Vì vậy, bạn cần kiên nhẫn.
Khi nào thì một thói quen không chỉ là một thói quen nữa?
Trong một số trường hợp, một thói quen có thể là kết quả hoặc là nguyên nhân của một vấn đề sinh lý hoặc tâm lý nào đó. Ví dụ, một bé hay ngoáy mũi có thể cảm thấy không thoải mái vì dường như có vật gì đó ở trong mũi. Và những thói quen tự chúng có thể gây ra nhưng biến chứng như:
- Có máu trong cục gỉ mũi
- Móng tay bị viêm hoặc mọc vào trong
- Các vấn đề răng miệng, chẳng hạn như răng bị so le (hàm trên nhô ra so với hàm dưới) hoặc ngón cái và các ngón tay khác bị viêm
Một thói quen có thể không còn là một thói quen nữa nếu nó gây ảnh hướng xấu tới các mối quan hệ xã hội hoặc cản trở sinh hoạt hàng ngày của trẻ.
Khi lớn hơn, nếu con bạn vẫn thường xuyên mút ngón tay cái thì có thể bé đang phải lo lắng hay cảm thấy căng thẳng về chuyện gì đó. Nếu bé bị các bạn khác cười nhạo ở trường và chậm nói vì suốt ngày nhét tay vào miệng thì lúc đó mút tay không còn là một thói quen đơn thuần nữa. Những trẻ hay nhổ tóc có thể rơi vào tình mất nhiều tóc. Và những thói quen mà có liên quan tới những ám ảnh có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Tuy nhiên, phần lớn các thói quen không gây ra những vấn đề lớn như vậy và thường mất đi khi trẻ lớn hơn. Song nếu bạn cảm thấy lo lắng về những thói quen xấu của con thì hãy gặp và xin lời khuyên của bác sĩ.
Lượt đọc: 9,669