Khuyến khích hoạt động xã hội ở trẻ nhỏ

“Tôi nên làm gì để khuyến khích sự phát triển về mặt xã hội ở con mình?”.  Đó là câu hỏi mà nhiều bậc phụ huynh đang tìm kiếm câu trả lời. Trong một thế giới mà những kĩ năng xã hội đã trở thành nhân tố quyết định thành bại của mỗi con người thì việc cha mẹ nắm bắt được mức độ hoạt động xã hội của con và khả năng giao tiếp của bé với những người xung quanh là vô cùng quan trọng.

Con bạn có hay thu mình khi gặp những đứa trẻ khác không? Bé có dám bày tỏ ý kiến của mình hay không?  Đây là những vấn đề mà bạn có thể nhận biết được ngay từ những tháng năm đầu đời của trẻ.

Trẻ em ngày nay phải đối mặt với những thách thức lớn hơn so với thế hệ trước. Sự ra đời của kỉ nguyên máy tính đã đặt ra một yêu cầu mới , đó là: trẻ phải có những kĩ năng điều khiển, sử dụng máy tính, kỹ năng Internet. Điều này khiến cho việc rèn giũa tư duy xã hội ở trẻ trở nên khó khăn hơn. Hay nói ngắn gọn là trẻ em ngày nay không có nhiều cơ hội để tham gia vào những hoạt động xã hội thích hợp  như thế hệ trước đã có.

Vậy, là cha mẹ, bạn có thể làm gì? Thực ra, có rất nhiều cách bạn có thể sử dụng để khuyến khích hoạt động xã hội ở con. Dưới đây là một vài cách:

THAM GIA VÀO MỘT TẬP THỂ

Bạn hãy tìm ở những tờ báo ở thành phố của bạn những lớp học phù hợp với độ tuổi của con mình. Ngày nay có đủ loại lớp dành cho trẻ. Hãy một lần bỏ qua những lớp học giúp phát triển trí tuệ cho con và thay vào đó là những lớp học giúp rèn luyện kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp và nên cân bằng chúng với các hoạt động thể thao, những kinh nghiệm tập thể.

BẮT ĐẦU TỪ SỚM

Sự phát triển về mặt xã hội bắt đầu từ những năm tháng đầu đời của trẻ. Do đó, bạn hãy sớm đưa bé đến những sân chơi hay lớp học dành cho mẹ và bé, nơi mà chắc chắn bé có cơ hội gặp gỡ những bạn cùng trang lứa.

HÃY ĐỂ TRẺ TỰ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CỦA MÌNH.

Các bậc cha mẹ thường sốt sắng can thiệp và giải quyết mọi vấn đề cho con, nhưng xin nhớ rằng trẻ cần cơ hội để học cách tự mình làm việc đó. Phần lớn những lần mà trẻ ở vào tình huống buộc phải giải quyết, trẻ đều có thể làm được một cách độc lập. Tất nhiên, bạn phải luôn nắm được những diễn biến trong cuộc sống của con, nhưng hãy làm một cách cẩn trọng. Hãy dành cho con nhiều cơ hội nhất có thể để các con tự giải quyết và xử lý các vấn đề cũng như mạnh dạn gặp gỡ mọi người. Điều này đúng cho tất cả các độ tuổi. Hãy quan sát trẻ khi chơi đùa và chỉ nên can thiệp khi mà mọi việc đã nằm ngoài khả năng kiểm soát.

DẠY TRẺ CÁCH HỎI SỰ GIÚP ĐỠ KHI GẶP KHÓ KHĂN

Bạn nên khuyến khích để trẻ nhờ mọi người giúp đỡ khi gặp khó khăn ngay từ những năm tháng đầu đời. Nếu như trẻ không thể giải quyết được tình huống, bạn đừng nên can thiệp ngay. Đầu tiên, hãy để trẻ tự xử lý vấn đề của mình. Nếu trẻ vẫn không giải quyết được, hãy cho trẻ cơ hội để nhờ bạn giúp. Nhưng dù thế nào thì bạn cũng nên bắt đầu bằng: “Con có cần mẹ giúp không?”. Hãy để trẻ thấy rằng nhờ ai đó giúp đỡ cũng là một cách tốt để xử lý khi tự mình không giải quyết được vấn đề. Sau này khi con bạn trưởng thành và vào đời, chúng sẽ không dè dặt hay ngần ngại khi hỏi xin giúp đỡ.

HẠN CHẾ SỰ XẤU HỔ

Thường thì những lời trách mắng của người lớn dành cho trẻ là hoàn toàn mang ý tốt nhưng mọi việc không phải lúc nào cũng như ý muốn. Mỗi đứa trẻ là khác nhau và vì thế chúng nhận biết các sự việc một cách riêng biệt. Tuy nhiên, trẻ đều có giới hạn chịu đựng trước những lời mắng mỏ-điều mà bạn cần hiểu rõ. Mọi thứ trong thế giới của trẻ đều rất quan trọng với chúng. Hãy xem những ngày tới trường của trẻ như là những ngày làm việc của bạn, dù cho đó có là ở lớp mầm non hay tiểu học. Hãy luôn nghiêm túc và để trẻ tự hào về mỗi việc mà con bạn đã hoàn thành. Một ngày của trẻ cũng bận rộn không kém một ngày của bạn đâu.

NÓI CHUYỆN NHIỀU HƠN VỚI TRẺ

Hãy dành nhiều thời gian để trò chuyện với con bạn. Dù con bạn còn nhỏ và chưa biết nói hay con bạn đang ở tuổi “teen”-ương bướng không muốn trả lời thì cũng không quan trọng. Vấn đề là bạn đã cố gắng và cho dù con có phản ứng ra sao thì điều đó cũng sẽ được chúng trân trọng. Việc trò chuyện tạo cho con bạn niềm tin rằng, với cha mẹ, những cuộc nói chuyện cởi mở lúc nào cũng được hoan nghênh.

Theo Institute4learning

Lượt đọc: 8,369