Con thích học Toán
Chúng ta đều biết toán học liên quan tới các con số, cộng trừ nhân chia, tuy nhiên nhiều người trong số chúng ta có thể lại không biết: toán học trong những năm đầu giúp trẻ xây dựng nền móng cho cách suy nghĩ trong suốt quãng đời còn lại. Toán học trong những năm mẫu giáo, lớp 1,2,3 đặt nền móng cho toàn bộ những gì trẻ sẽ cần sau này. Trẻ nhỏ có được tình yêu đối với toán quan trọng hơn việc trẻ học các con số và đếm. Mục tiêu của toán học là cần làm cho toán “có thực” hơn và có ý nghĩa hơn bằng cách chỉ ra được cho trẻ sự hiện diện của toán học trong cuộc sống. Thay vì học những con số trong sách vở, trẻ có thể được đọc và so sánh giá trong các cửa hàng tạp phẩm, đếm cây cối, xe cộ, đọc thành phần nguyên liệu, tính toán các coupon giảm giá hoặc thậm chí so sánh các chai hoặc lon nước trên bàn ăn, tính toán các món tiền nho nhỏ….
Đối với trẻ nhỏ toán học không khó hơn các môn khác nếu trẻ được tiếp cận với toán theo cách chúng thích, toán cũng có màu sắc, cũng có tình huống gay cấn, cũng có thử thách cùng bạn bè, và trẻ luôn cảm thấy hứng thú. Trong bài toán tìm quy luật, với sự hỗ trợ của bảng thông minh, hình ảnh rõ nét, flash, xoay, nhấp nháy thu hút được sự quan tâm của những đứa trẻ sắp vào lớp 1 này, trẻ dần nhận ra quy luật, tìm được quy luật rồi nhưng diễn đạt lại ý kiến của mình lại không dễ tẹo nào, tuy nhiên trẻ lại thấy thích thú hơn là làm 1 bài toán chỉ với bút và giấy.
Tìm quy luật trong toán, vừa dễ vừa khó
Những bài toán suy luận bằng màu sắc có thu hút trẻ hơn không? Chắc chắn là có chứ, đề bài toán là có 5 màu, hãy tô màu sao cho trong mỗi hàng ngang và hàng dọc không có màu nào lặp lại, với trẻ chưa học lớp 1 thì bài toán này luyện được khả năng quan sát và suy luận và rồi tô màu thật cẩn thận .
Cần tính toán trước khi bắt tay vào bài toán nhé
Trần Long tự suy luận nên làm như thế nào để không nhầm lẫn trước khi tô, con làm theo cách là tô màu theo đường chéo trước và kết quả là con không nhầm, Bảo Ngân lại không làm như vậy, con tô theo hàng ngang, vừa tô vừa quan sát và suy nghĩ và dù cách của con khác con vẫn làm đúng không sai ô nào. Khôi Nguyên thì láu táu hơn, con không cẩn thận và đã nhầm 1 ô… Sự phối màu có thể không giống nhau, kết quả có thể không đúng hoàn toàn, tuy nhiên sự hứng thú thì đều lên rất cao độ khi mình được tự lựa chọn, tự ra quyết định, đôi khi hơi bí các con cũng ngẩn ra và hỏi cô giáo, khi đó sự động viên và hướng dẫn là vô cùng quan trọng, làm sao cho con hiểu ra và vẫn giữ được ý kiến và sự chủ động của mình..
Toán là phải cẩn thận, dễ nhầm lắm
Toán mà, vừa làm vừa quan sát lại
Với bài toán chia đa giác, không phải bé nào cũng làm đúng ngay, giáo viên lại cần bắt đầu bằng những hình trẻ hay gặp trong cuộc sống, và các con dần hiểu ra không chỉ có 1 cách chia đôi hình vuông, hình chữ nhật sau đó con đã học được cách chia đa giác lõm này thành 2 tam giác ra sao, các con cười phá lên với việc bạn kẻ 1 đường chia rất nhanh nhưng do không cẩn thận thì hình mới không phải là tam giác nữa, “tam giác gì mà có cạnh cong veo thể”. Với người lớn việc này thật đơn giản, nhưng với trẻ chuẩn bị vào lớp 1 bạn cần dành cho trẻ thời gian, sự hướng dẫn và động viên. Kết quả đúng tất nhiên là rất quan trọng nhưng điều quan trọng hơn con cần rèn luyện sự kiên trì trong suy nghĩ, tính linh hoạt, sự sáng tạo, tính cẩn thận và khả năng suy luận.
Có mấy cách chia hình này thành 2 tam giác nhỉ
Hoan hô, bạn đã làm đúng rồi
Toán đòi hỏi cẩn thận nhé, tam giác đấy
Khi bạn thổi hồn của cuộc sống vào toán, khi bạn đưa toán vào cuộc sống, bạn đang nhen nhóm tình yêu với toán học trong những đứa trẻ. Một giờ học toán không khô khan với những con số, các con có thể tái hiện lại những gì đã học bằng những hoạt động khác, toán học có trong mọi ngóc ngách của cuộc sống mà.
Chúng mình tự tạo ra các hình khối nào
Chúng mình vẽ lại các hình đã học nhé
Con có nhiều ý tưởng
Tớ biến báo với hình khối cho các bạn xem này
Lượt đọc: 2,085