Dạy con trẻ cách chi tiêu tài chính
Nên định hướng cho trẻ biết cách sử dụng tiền bạc từ nhỏ
Thường không mấy khi trẻ có được một ý niệm rõ ràng về tiền bạc, tiêu dùng. Thậm chí nhiều người trưởng thành cũng rất mơ hồ về điều này và họ thường phải đối diện với tình trạng rỗng túi mặc dù mức thu nhập không thấp
Theo các nhà xã hội học, nếu được thẩm thấu cách chi tiêu hợp lý ngay từ nhỏ, khi trưởng thành, con người sẽ biết kiếm tiền và có thể đưa ra được những quyết định chính xác về tài chính.
Giúp con hiểu giá trị lao động
Thực tế chứng minh rằng con cái trưởng thành chịu ảnh hưởng rất nhiều từ thói quen sinh hoạt và cách chi tiêu của bố mẹ. Tuy nhiên, không phải lúc nào con cái cũng ý thức được giá trị mà mình thụ hưởng. Nhiều bậc phụ huynh thực sự lúng túng trước nhu cầu chi tiêu của con. Theo một kết quả nghiên cứu, để con cái hiểu được vấn đề, bố mẹ nên giải thích nguồn gốc những đồng tiền bố mẹ có được.
Có một cách đơn giản là hãy lấy giấy bút ra, hình họa hóa những gì cha mẹ kiếm được, trừ đi mọi khoản chi cố định như tiền thuế, tiền nhà (nếu có), điện, nước… và cho con trẻ thấy tiền chi tiêu trong gia đình còn lại bao nhiêu. Sau đó trừ tiếp các khoản có thể linh động như tiền chợ, tiền mua đồ chơi cho con, mua quần áo…
Sau khi có thể định hình được tất cả những thứ này, trẻ sẽ hiểu tại sao bạn không thể mua cho chúng món đồ chơi mà chúng mê tít ở ngoài cửa hàng hôm trước hay các thứ đồ chơi xa xỉ khác mà chúng vòi vĩnh.
Bên cạnh đó nên quy định định mức tiền chi tiêu của con. Đây là một trong những cách đơn giản nhất để giúp con có được những bài học đầu tiên về sử dụng tiền. Bố mẹ có thể cho con tiền hằng tuần, số tiền tùy thuộc vào độ tuổi của con, chẳng hạn 100.000 đồng/tuần cho con bạn là sinh viên để tiêu vặt… Số tiền này nên được duy trì đều đặn. Vào những dịp quan trọng như lễ, sinh nhật bạn bè hoặc khi con đạt kết quả nào đó thật vượt trội, phụ huynh có thể cho con thêm để khuyến khích con nỗ lực, cố gắng hơn.
Dạy con tích cóp
Ngay từ lúc con có những giao tiếp xã hội đầu tiên (5-6 tuổi), thay vì mua những thứ lặt vặt, bố mẹ nên hướng con tích cóp số tiền ấy để có những thứ có ý nghĩa hơn, tốt hơn hoặc để dành đầu tư cho việc học hành. Việc này giúp trẻ học được cách phân biệt những mục tiêu quan trọng, những mục đích ý nghĩa với những khoản chi thỏa mãn thú vui chốc lát, vặt vãnh. Nên nhớ, trẻ sẽ không học được điều gì bổ ích nếu bạn luôn quyết định thay chúng cách tiêu tiền của chúng vào đâu hay mua cái gì.
Và một điều cũng vô cùng quan trọng là ngay từ buổi đầu, bố mẹ nên dạy con thói quen tiết kiệm. Để làm được điều này không phải quá khó, bố mẹ nên làm gương cho con, phải tự mình cắt giảm những khoản chi tiêu xa xỉ.
Bố mẹ cần bắt đầu từ những việc nhỏ như cắt giảm việc chi tiêu cho con vào những khoản như đồ chơi, game trên máy tính, CD hay DVD… Điều này sẽ giúp trẻ ý thức được những thứ mà chúng muốn và có được. Thêm nữa còn cho con thấy sự khác biệt rõ ràng giữa việc chi tiêu cho các thứ đồ xa xỉ phẩm với những nhu yếu phẩm không thể thiếu.
Có trách nhiệm với đồng tiền bỏ ra
Dạy cho trẻ học cách chịu trách nhiệm với những hành động và những món đồ mà mình sở hữu là việc rất cần làm. Bố mẹ có thể áp dụng nhiều cách khác nhau để giúp con xây dựng thói quen này. Chẳng hạn: Nếu con có thói quen vứt đồ chơi, kẹo bánh, đĩa nhạc lung tung khắp nhà thì bố mẹ gom chúng lại, đặt vào một chỗ chỉ mình bạn mới có thể lấy được và giữ những món đồ đó khoảng 3 ngày, như một biện pháp trừng phạt. Nếu con muốn lấy lại những món đồ đó sớm hơn, đừng đưa lại dễ dàng, hãy để chúng “chuộc” lại đồ chơi bằng tiền tiết kiệm. Như thế lần sau con sẽ nhớ hơn và không dễ tái phạm.
Tuy nhiên, dạy con thói quen tiêu tiền không dễ. Và nguyên tắc đầu tiên mà bố mẹ nên nhớ mình luôn phải làm gương cho con.
Lượt đọc: 3,053