Rèn luyện kĩ năng ngôn ngữ cho trẻ 3 tuổi

Đây là thời điểm rất thích hợp để phát triển kĩ năng ngôn ngữ của trẻ em. Trẻ ba tuổi sẽ  lắng nghe và hiểu hầu hết những gì bạn nói. Trẻ nói chuyện, bắt chước và thể hiện ý muốn rất tốt. Trẻ sẽ nói những câu có 3 hay thậm chí là 5 từ, thường sử dụng “và” để nối và tạo nên những câu còn dài hơn. Nhiều trẻ có khả năng làm việc này sớm  hơn.

Trẻ cũng sẽ có những ý niệm ban đầu về ngữ pháp, mặc dù chưa được hoàn thiện. Trẻ có thể nói “con đi ngủ” hay “con đã ăn rồi”. Trẻ cũng có thể nhận biết nhiều mặt chữ, đặc biệt là những chữ có trong tên của mình, và nhiều trẻ còn có thể đọc được vài đoạn trong bảng chữ cái cũng như những bài thơ cho trẻ, những bài đồng dao. Vốn từ của trẻ cũng được mở rộng vì trẻ sẽ đọc lại từ, cụm từ mà trẻ nghe được. Do đó, đừng nói những câu mà bạn không muốn trẻ bắt chước.

Ngôn ngữ và suy nghĩ có liên quan mật thiết với nhau. Trẻ 3 tuổi có vốn từ vựng đủ cho phép bé có được những ý tưởng mới và lên kế hoạch cho các hoạt động của mình, vì thế, việc chơi đồ chơi sẽ trở nên rất thú vị. Khi đã 3 tuổi, trẻ sẽ rất tò mò về mọi vật xung quanh nên sẽ muốn biết thêm nhiều thông tin, và từ mà trẻ hay nói nhất là “Tại sao?”, như “Tại sao bầu trời lại xanh?” hay ”Tại sao ông lại đội mũ?”…hãy luôn cố gắng trả lời những câu hỏi đó của trẻ, ngay cả khi chúng rất tẻ nhạt. Nếu bạn nói bạn sẽ trả lời trẻ sau, hãy giữ lời.

Học từ sách

Đọc sách cho trẻ là một việc làm hết sức thú vị, và điều này sẽ giúp trẻ nâng cao khả năng ngôn ngữ. Trẻ  đã có thể lật giở trang sách mà không làm rách giấy và trẻ cũng rất thích làm như thế khi bạn đọc. Đừng lo lắng nếu trẻ nhà bạn muốn đọc đi đọc lại chỉ một cuốn sách. Trẻ sẽ phát hiện ra điều mới mẻ sau mỗi lần đọc như vậy. Ngay cả những bức hình thân thuộc nhất cũng chứa đựng nhiều chi tiết mà trẻ không hề biết trước đó.

Hãy ngừng lại trước hoặc trong khi đọc truyện để hỏi trẻ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Trẻ sẽ thích trả lời những câu hỏi như vậy và đây cũng là một bài tập hữu ích trước khi đọc. Đôi khi, bạn cũng có thể thay đổi từ ngữ trong một câu truyện nổi tiếng nào đó. Chẳng hạn như, thay vì nói “Con sâu róm khổng lồ đang đói bụng” bạn có thể sửa thành “con ngựa vằn khổng lồ đang đói bụng”, Điều này sẽ khiến trẻ thích thú và trẻ sẽ muốn nhắc lại về lỗi này của bạn.

Lượt đọc: 8,082