BỐ MẸ CẦN CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ CHO CON VÀO LỚP 1?

Rời khỏi ngôi trường mẫu giáo đã quen thuộc từ lâu, xa những người “mẹ hiền” thân thương cũng như những bạn bè thân thiết để đến với một ngôi trường mới, khó tránh khỏi các bé sẽ rất bỡ ngỡ trong thời gian đầu đi học. Vậy để chuẩn bị tâm lý cho con vào lớp 1, bố mẹ cần làm những gì đây? Hãy cùng Bé Thông Minh tìm hiểu nhé!

1. Chuẩn bị tâm lý cho con

Bước vào lớp 1 với bao điều bỡ ngỡ, thậm chí nhiều bé còn khóc nhè trong thời gian đầu khi chưa quen với trường lớp hay bạn bè nữa. Vậy nên, ngay từ mùa hè trước khi vào lớp 1, bố mẹ hãy dành chút thời gian để nói chuyện với con về ngôi trường mà con sẽ học trong thời gian tới. Hoặc bố mẹ cũng có thể dành một ngày để đưa con tới làm quen, tham khảo về trường lớp cũng như cảnh quan xung quanh trường, hoặc giả như bình thường khi vô tình đi ngang trường tiểu học mà con chuẩn bị theo học, bố mẹ hãy giả vờ thích thú như: “Ôi, sắp được đi học rồi nhỉ, thích quá!” và kể cho con nghe về những điều thú vị mà con sẽ được học ở trường sau này, giúp kích thích sự tò mò và hứng khởi của con, từ đó, con sẽ không còn “sợ” việc phải đi học nữa.

2. Làm quen với nề nếp, kỷ luật trường học

Bố mẹ nên gần gũi hơn khi trò chuyện với con về nề nếp học tập của trường tiểu học. hãy nói với con rằng, những bạn nhỏ đi học lớp 1 đều phải biết giữ trật tự trong lớp, giơ tay xin phép thầy cô khi muốn phát biểu hoặc xin ra ngoài, xếp hàng khi vào lớp hay đứng lên chào thầy/cô khi vào học/tan học,…

Bố mẹ cũng có thể mua trước một số sách vở, dụng cụ học tập mà trẻ học lớp 1 cần dùng, giới thiệu qua cho con làm quen với chúng, dạy con cách giữ gìn những vật dụng đó. Bố mẹ nên lưu ý chỉ giới thiệu những điều tích cực và thú vị ở trường tiểu học thay vì dọa con rằng đi học rất khó, không học là cô giáo sẽ phạt… Hãy biến trường học thành một nơi thật vui khiến con cảm thấy hứng khởi với từng ngày đi học, thay vì như là một “ngôi nhà ma” đáng sợ mà con muốn tránh càng xa càng tốt.

BỐ MẸ CẦN CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ CHO CON VÀO LỚP 1?

3. Cần mua những gì cho con?

Bố mẹ hãy cố gắng mua đầy đủ mọi tư trang và dụng cụ học tập cần thiết cho con. Ví dụ như: quần áo, giày dép, mũ, cặp sách, sách vở, bảng con, phấn, bút chì, bút màu, thước kẻ,… Hiện nay các trường tiểu học đều có may đồng phục cho trẻ nên khi đăng ký quần áo, bố mẹ cũng nên chú ý lựa chọn kích thước cho phù hợp. Khi lấy quần áo về, bố mẹ nên giặt giũ thật sạch sẽ, ủi thật phẳng phiu để sẵn sàng cho con bước vào một năm học mới. Tất cả đều phải thật sạch sẽ, gọn gàng và ngăn nắp, tốt nhất là nên mua mới tất cả, thêm nữa là bố mẹ cũng nên để các con được tự chọn mẫu mã và màu sắc mình thích, có vậy, con cũng sẽ giữ gìn đồ dùng đó tốt hơn.

4. Chọn cho con những người bạn cùng học

Bố mẹ cũng nên “nhắm” trước cho con một vài người bạn để cùng học, thậm chí là cùng trường hay cùng lớp ngay từ mùa hè cuối cùng của năm mẫu giáo. Khi có bạn, con cũng sẽ cảm thấy yên tâm và tự tin hơn khi đến với môi trường mới. Tất nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn có “đôi bạn cùng tiến” ngay từ buổi đầu vào học lớp 1. Vậy nên, kỹ năng vui chơi với các bạn mới quen cũng là một thứ vô cùng quan trọng với con trong buổi đầu đến lớp. Có thể sẽ hơi khó khăn, nhưng bố mẹ hãy tin rằng, thời gian lâu dài rồi, lại với sự giúp đỡ nhiệt tình của các cô giáo, con sẽ ổn thôi!

5. Chuẩn bị cho ngày đầu tiên đến trường

Ngày đầu tiên đi học vào năm lớp 1 là một ngày thiêng liêng nhất đối với mỗi đứa trẻ, vậy nên, bố mẹ hãy dành thời gian để đích thân đưa con tới trường, và nếu có thể có có ông bà hay những người thân khác thì càng tốt. Bố mẹ nên ưu tiên mọi điều tốt đẹp nhất cho ngày đầu tiên đi học đó của con, để con nhận được nhiều lời khen, nhiều niềm vui nhất có thể trong ngày đầu tiên đi học đó.

Khi con đi học về, bố mẹ cũng nên hỏi han con về chuyện trường lớp, hỏi xem ngày hôm đó có gì vui hay có gì làm con lo lắng hay không để kịp thời động viên, khích lệ và an ủi con. Hãy cố gắng đừng gây cho con bất kỳ áp lực nào hết, ngay cả khi con có biểu hiện không mấy tốt trong buổi đầu tiên đi học này. Khi tâm lý của con được thoải mái, con cũng sẽ dễ dàng thích nghi với môi trường mới cũng như tự tin vào chính mình hơn.

BỐ MẸ CẦN CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ CHO CON VÀO LỚP 1?

6. Rèn cho con những kỹ năng cần có

Tất cả những kỹ năng như tự xúc cơm ăn, sắp xếp sách vở, đi giày dép hay mặc đồng phục, vệ sinh cá nhân,… đều cần phải được rèn luyện từ trước khi con vào lớp 1. Thực chất, phần lớn những kĩ năng này đều đã được hình thành ở trường mẫu giáo. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn quá cưng chiều con, hoặc giáo viên mẫu giáo hay bảo mẫu đôi khi vẫn làm thay cho con, khiến con không thể tự thực hiện được những việc ấy.

Vậy nên, bố mẹ hãy buông tay để con tự mình làm những việc ấy, đừng bao bọc con quá mức nữa. Tin chắc rằng khi có thể tự mình làm được những việc ấy, con cũng sẽ tự tin và thoải mái hơn rất nhiều trong những năm tháng tiểu học đấy!

7. Rèn cho con kỹ năng giao tiếp cần có

Các kỹ năng giao tiếp cũng là thứ cần được hình thành ngay từ khi con học mẫu giáo. Đó cũng là một kỹ năng mềm được rèn luyện cả trong môi trường gia đình hay những mối quan hệ xung quanh. Tuy nhiên, khi vào lớp 1, con cần phải được rèn luyện thêm những kĩ năng như lắng nghe người khác nói, trả lời khi được hỏi, đặt câu hỏi cho thầy cô, bạn bè khi thắc mắc hay phát âm to, rõ khi nói chuyện.

Về điểm này, bố mẹ có thể sử dụng những trò chơi như đóng kịch, trò chơi thể hiện cảm xúc,… để rèn luyện khả năng giao tiếp cũng như khả năng thể hiện cảm xúc của con, rèn luyện khả năng ngôn ngữ giúp con nói năng lưu loát cũng như biết cách diễn đạt hơn.

8. Làm quen với chữ viết và tính toán

Việc ép con phải học chữ từ trước khi vào lớp 1 là không cần thiết, nhưng việc làm quen với những việc như cách cầm bút, làm quen với chữ cái, những phép tính đơn giản thì bố mẹ cũng cần phải cho con làm quen với chúng. Trước khi vào lớp 1, con ít nhất cần biết đọc, biết viết tên của chính mình hay nhớ được số nhà, số điện thoại của bố mẹ hay một vài thông tin cần thiết khác để đảm bảo an toàn cho con.

Từ 3 – 9 tuổi là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong việc phát triển các kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết vấn đề, giúp trẻ rèn luyện sự tự tin và tự lập. Đặc biệt là việc giúp trẻ tự tin sẽ khiến trẻ có thể làm được nhiều thứ và thành công trong cuộc sống sau này. Hãy bắt đầu ngay với Bé Thông Minh ngay nào!



Lượt đọc: 753