5 CÂU BỐ MẸ KHÔNG NÊN NÓI NẾU KHÔNG MUỐN CON MẤT TỰ TIN HƠN NỮA

Đôi khi trong cuộc sống, bố mẹ hay vô tình nói ra những câu nói làm tổn thương đến lòng tự tin của con. Hôm nay các bố mẹ hãy cùng Bé Thông Minh tìm hiểu xem những câu nói nào không nên nói nếu không muốn con mất tự tin hơn nữa nhé!

1. Con lại làm sai nữa rồi

Khi thấy con liên tục mắc sai lầm, bố mẹ thường hay vì thất vọng mà liên tục cằn nhằn “Con lại làm sai nữa rồi.” hoặc “Chuyện đơn giản thế mà con cũng làm không xong.” Vô tình, những câu cằn nhằn đó của bố mẹ lại ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến con. Điều ấy sẽ khiến con nghĩ rằng việc mình mắc sai lầm là một điều vô cùng đáng xấu hổ, đáng bị ghét bỏ. Từ đó, con sẽ không còn dám thể hiện ý kiến hay hành động của mình nữa vì sợ mình sẽ lại làm sai, bị trách phạt trong khi những sai lầm đó lại chính là thứ tốt nhất giúp con học hỏi và thành công.

Khi con phạm sai lầm, thay vì cằn nhằn chỉ trích con, bố mẹ nên từ tốn chỉ ra những điểm sai, khuyến khích con thử lại cũng như cùng con thảo luận và tìm ra biện pháp giải quyết. Nếu sau đó con vẫn lặp lại những sai lầm tương tự, lúc đó bố mẹ mới cần áp dụng những biện pháp cứng rắn.

5 CÂU BỐ MẸ KHÔNG NÊN NÓI NẾU KHÔNG MUỐN CON MẤT TỰ TIN HƠN NỮA

2. Để bố mẹ làm cho

Đôi khi những hành động quan tâm thái quá của bố mẹ lại vô tình làm con mất đi sự tự tin vốn có, ngày càng trở nên ỷ lại vào bố mẹ và thu mình trở nên nhút nhát hơn. Bởi nếu con không được tự mình thử sức, tự mình trải qua thất bại và nỗ lực hết mình để làm lại, con sẽ trở nên mất lòng tin vào khả năng của mình mà từ đó, trở nên mất tự tin về bản thân mình hơn.

Khi con đứng trước một khó khăn hay thử thách nào đó, bố mẹ hãy kiên nhẫn để con tự thử sức mình, tự tìm cách giải quyết. Nếu chuyện đó quá khó với con, bố mẹ có thể giúp con bằng cách đưa ra lời khuyên hoặc góp ý cho con, chứ tuyệt đối đừng làm thay con.

Ví dụ như khi con gặp bài tập khó, thay vì làm giúp cho con,hãy khuyến khích con tự suy nghĩ tìm hướng giải bài khác theo cách nghĩ của mình. Khi con không thể suy nghĩ được nữa, lúc đó bố mẹ hẵng gợi ý cách giải hoặc nói con ghi chú lại để hỏi giáo viên sau.

3. Chuyện dễ thế mà con cũng không làm được

Khi bố mẹ yêu cầu con làm bất kỳ việc gì như rửa bát, quét nhà nhưng con lại làm không tốt, đừng nói rằng những việc này quá dễ dàng mà con cũng làm không tốt. Câu nói này có thể sẽ đánh vào lòng tự trọng của con, ám chỉ các con còn quá thiếu kỹ năng, không thể làm được gì dù là những chuyện đơn giản nhất. Nó sẽ khiến con nhụt chí, lung lay quyết tâm hoàn thành mục tiêu, khiến con luôn e ngại trước những thử thách.

Trẻ nhỏ có tới 8 loại trí thông minh khác nhau, mỗi đứa trẻ có một cách tiếp thu kiến thức riêng, không phải đứa trẻ nào cũng giống nhau. Ví dụ như một đứa trẻ có trí thông minh về âm nhạc, chúng sẽ tiếp thu thông tin một cách tốt hơn thông qua những bài hát thay vì sách vở. Vậy nên, bố mẹ cũng cần phải tìm hiểu xem con mình thuộc loại trí thông minh nào để có phương pháp giáo dục phù hợp với con.

Còn khi con đạt được thành tích nào đó, hãy khen ngợi sự cố gắng và nỗ lực của con để khuyến khích con nỗ lực hơn, thay vì nói “Con chỉ làm được có thế thôi à?”. Nhưng lời khen của bố mẹ cũng chính là thứ giúp các con nhận ra được năng lực của bạn thân và ngày một tự tin hơn vào chúng.

5 CÂU BỐ MẸ KHÔNG NÊN NÓI NẾU KHÔNG MUỐN CON MẤT TỰ TIN HƠN NỮA

4. Sao con không được như các bạn?

Việc liên tục so sánh kiểu “con nhà người ta” có thể sẽ có chút tác dụng giúp con biết phấn đấu để vượt qua bạn, nhưng đôi khi sẽ lại sản sinh tác dụng ngược lại, khiến con ngày một tự ti hơn về bản thân mình. Các con có thể sẽ nảy sinh cảm giác ghen tị với bạn bè khi liên tục bị bố mẹ, người thân cho là lép về hơn, hoặc thậm chí là nổi giận với cả bố mẹ.

Mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, vậy nên bố mẹ không nên đặt các con lên bàn cân để mà so sánh. Thay vào đó, bố mẹ hãy tìm ra điểm mạnh và điểm yếu của con mình để giúp con khắc phục hoặc phát huy. Thay vì dành thời gian để so sánh, hãy tìm cách để giúp con mình ngày một trở nên tốt hơn.

5. Con chẳng làm được gì nên hồn cả

Việc phủ nhận khả năng của con đồng nghĩa với việc bố mẹ đang khuyến khích con bỏ cuộc ngay từ khi chúng còn chưa kịp bắt đầu. Những đứa trẻ thường xuyên bị cha mẹ nói như vậy sẽ sản sinh suy nghĩ “Chẳng việc gì phải cố gắng, vì đằng nào có cố cũng chẳng làm được trò trống gì cả.” Cách tư duy này sẽ bào mòn sự tự tin của con, biến các con thành những kẻ lười biếng và nhút nhát.

Khi con thất bại trong một chuyện gì đó, thay vì chê bai con, bố mẹ nên khuyết khích con nỗ lực thử lại lần nữa. Nếu các con quá áp lực với việc phải thành công, bố mẹ đừng nên ép con tiếp tục mà hãy phân tán sự chú ý của con sang các hoạt động khác để con được thư giãn. Cuối cùng, hãy luôn nhắc cho con nhớ rằng con có một tiềm năng vô hạn để vượt qua mọi khó khăn, chỉ cần tin tưởng vào bản thân mình nữa mà thôi.

Từ 3 – 9 tuổi là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong việc phát triển các kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết vấn đề, giúp trẻ rèn luyện sự tự tin và tự lập. Đặc biệt là việc giúp trẻ tự tin sẽ khiến trẻ có thể làm được nhiều thứ và thành công trong cuộc sống sau này. Hãy bắt đầu ngay với Bé Thông Minh ngay nào!

Lượt đọc: 213