9 PHƯƠNG PHÁP DẠY TRẺ TỰ TIN HƠN
Dưới sự bảo bọc thái quá của bố mẹ, rất nhiều trẻ đều trở nên nhút nhát và thiếu tự tin, luôn cảm thấy tự ti mặc cảm với bản thân mình. Con ngại giao tiếp với những người xung quanh, đặc biệt là ở những nơi động người, con sẽ càng thu mình hơn. Vậy, phải làm thế nào để dạy con tự tin thể hiện mình trước đám đông được đây?
Dưới đây là một vài chia sẻ của Bé Thông Minh về cách dạy con tự tin trong giao tiếp, đặc biệt là giúp con tự tin trước đám đông mà bố mẹ có thể tham khảo. Khi tự tin, con sẽ biết mình là ai, muốn gì và cần làm những gì một cách rõ ràng nhất.
1. Trò chuyện cùng con
Để dạy trẻ tự tin, bước đầu bố mẹ hãy tập thói quen trò chuyện với con hằng ngày, đồng thời trong quá trình đó, bố mẹ cũng nên để con có quyền lên tiếng. Bố mẹ hãy khuyến khích con chủ động bày tỏ quan điểm cũng như ý kiến riêng của mình nhiều hơn. Mặt khác, bên cạnh những câu hỏi vặn vẹo của mình, bố mẹ cũng nên tạo động lực cho con để đưa ra những câu phản biện, tranh luận với những lý lẽ, dẫn chứng để thuyết phục bố mẹ. Chỉ cần bố mẹ rèn cho con thói quen phản biện này hằng ngày, đảm bảo bố mẹ sẽ thấy con tự tin hơn rất nhiều khi đứng trên sân khấu, đứng trước đám đông kể chuyện hay thuyết trình, thể hiện suy nghĩ của bản thân mình hơn đấy.
2. Dạy trẻ cách tự lập
Bố mẹ hãy để con tự làm việc nhà như nấu cơm, rửa bát, quét nhà,… giúp bố mẹ hay để con tự mình vệ sinh cá nhân, thay quần áo hay chuẩn bị sách vở trước khi đi học. Hãy để con có quyền tự quyết định xem chọn đồ gì, mặc quần áo gì một cách thoải mái nhất, bố mẹ chỉ cần ở bên cạnh và hướng dẫn con phối đồ sao cho phù hợp là được. Để con tự lập và tôn trọng những quyết định của con chính là cách tốt nhất để dạy trẻ tự tin.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng có thể giúp con thể hiện sự tự tin của mình trước đám đông từ những việc nhỏ nhặt nhất như: để con tự gọi món khi đi ăn nhà hàng khi đi cùng bố mẹ, hoặc để con tự mình xếp hàng mua vé tham quan,… Tất cả những điều tưởng như nhỏ nhặt đó vô tình lại có hiệu quả vô cùng lớn giúp con tự tin hơn khi được tự mình tiếp xúc cũng như nói lên mong muốn của mình đấy!
3. Cho trẻ chơi với các bạn khác
Việc chơi cùng các bạn cùng trang lứa sẽ giúp con có cảm giác an toàn hơn, không còn nhút nhát hay sợ sệt khi phải tiếp xúc với người khác nữa. Khi chơi cùng các bạn, con sẽ tự tin nói ra những suy nghĩ, ý kiến của mình mà không sợ bị sai hay bị la mắng. Khi những điều này đã trở thành thói quen, lâu dần, con sẽ học được cách đưa ra quan điểm cá nhân của mình một cách vô cùng tự tin.
4. Tạo cơ hội cho trẻ thể hiện
Bố mẹ hãy cho con cơ hội thể hiện bản thân bằng cách để con hướng dẫn em nhỏ học bài hay giải giúp em một bài toán khó. Khi con có thể giảng được bài cho em nhỏ thì đó chính là kĩ năng nói chuyện trước đám đông để thuyết phục người khác đó. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể tạo cơ hội cho con thử sức bằng việc cho con đi học các lớp kĩ năng sống hay lớp văn nghệ, thể thao… để con có cơ hội lên sân khấu thể hiện, biểu diễn trước đám đông mà từ đó sẽ giúp con tự tin và mạnh dạn hơn.
5. Quan tâm, chăm chút đến ngoại hình của trẻ.
Cũng giống như người lớn vậy, con trẻ cũng sẽ cảm thấy tự tin hơn nếu mình có một vẻ ngoài thu hút người khác. Vậy nên, bố mẹ cũng nên chăm chút ngoại hình cho con bằng cách cho con một chế độ dinh dưỡng và tập luyện tốt nhất, cũng như giúp con phối những bộ đồ thật đẹp để con có được nền tảng để tự tin đó. Khi con được bạn bè hay thầy cô khen ngợi về ngoại hình, con cũng sẽ vui vẻ và hạnh phúc cũng như tự tin rất nhiều khi đứng trước tập thể.
6. Dạy con biết lắng nghe
Trước khi trở thành một người nói tốt, con cần phải là một người nghe tốt trước đã. Bố mẹ hãy hướng dẫn con rằng đừng vội cắt ngang lời người khác mà phải luôn lắng nghe một cách lịch sự và luôn quan sát thái độ của người đang nói, đợi tới lượt mình rồi mới trình bày ý kiến. Việc này nghe thì có vẻ to tát, nhưng bố mẹ hoàn toàn có thể luyện tập với con hằng ngày. Ví dụ như khi con và em nhỏ tranh nhau “mách tội” người kia với bố mẹ, bố mẹ nên ngăn con lại, chấn chỉnh con một cách thật nhẹ nhàng để từng đứa trẻ nói một, bởi người nói thì phải có người nghe, luôn luôn là vậy. Khi con học được cách lắng nghe, con sẽ “luyện” được cho mình khả năng nói năng thuyết phục hơn, dùng logic để thuyết phục người khác.
7. Chia sẻ những “thất bại” của trẻ
Có thể có những đứa trẻ có thể thoải mái với áp lực khi phải đứng trước đám đông, nhưng cũng lại có những trường hợp con sẽ đột nhiên rơi vào trạng thái “đơ” và không biết phải nói gì, biểu diễn vụng về hay nói năng lắp bắp dù trước đó đã được tập luyện rất nhiều lần. Đây chính là sự thiếu tự tin ở con trẻ.
Khi con gặp phải trường hợp này, bố mẹ nên chia sẻ thật chân thành để giúp con vượt qua, giúp con không còn sợ hãi khi phải đứng trước đám đông nữa. Những lời động viên dịu dàng và ấm áp của bố mẹ sẽ là thứ giúp con bớt cảm thấy nặng nề với thất bại lúc đó của mình và tự tin hơn trong những lần sau. Dạy trẻ tự tin bằng cách giúp con chấp nhận và học hỏi được từ những thất bại của bản thân.
8. Bồi dưỡng nội tâm cho con
Một đứa trẻ sẽ chẳng thể nói tốt được trước đám đông khi chúng thật sự còn chẳng biết phải nói gì. Nội tâm của một đứa trẻ chính là thứ mà bố mẹ cần từ từ vun đắt qua nhiều ngày tháng ngay trong chính gia đình của mình. Ví dụ, bố mẹ có thể kể cho con nghe thêm nhiều câu chuyện, hướng dẫn con đọc những loại sách phù hợp với độ tuổi, xem những bộ phim có nội dung bổ ích,… Lâu dần, những thứ này sẽ trở thành “chất ngọc” giúp con có được một lượng kiến thức to lớn, những suy nghĩ độc lập cùng một thế giới nội tâm phong phú. Sở hữu cho mình một lượng kiến thức phong phú tới vậy, bố mẹ còn cần phải lo những lời con nói ra sẽ không có tính thuyết phục hay thiếu tự tin trước đám đông hay sao? Dạy trẻ tự tin với nội tâm phong phú chính là cách giúp con đạt được sự tự tin bền vững nhất.
9. Đừng ép buộc con
Nên nhớ rằng mọi sự rèn luyện chỉ mang tính bước đầu để tạo dựng nên nền tảng sự tự tin cho con sau này. Con cần được làm tất cả trong trạng thái thoải mái nhất có thể. Ví dụ, nếu con không thích một không gian xa lạ nào đó, bố mẹ đừng ra sức ép con phải tới đó. Bố mẹ có thể đưa con tới một môi trường khác cho con cảm giác thoải mái hơn để giúp con làm quen từ từ với môi trường mới đó. Khi bé cảm thấy môi trường mới đó thật sự “an toàn”, tự khắc con sẽ thoải mái và tự tin thể hiện mình hơn thôi.
Từ 3 – 9 tuổi là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong việc phát triển các kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết vấn đề, giúp trẻ rèn luyện sự tự tin và tự lập. Đặc biệt là việc giúp trẻ tự tin sẽ khiến trẻ có thể làm được nhiều thứ và thành công trong cuộc sống sau này. Hãy bắt đầu ngay với Bé Thông Minh ngay nào!
Lượt đọc: 1,068