DẠY CON NÊN NGƯỜI BẰNG TỪ NGỮ TÍCH CỰC

Ngôn ngữ là điều kỳ diệu của văn minh nhân loại, nó giúp con người giao tiếp, thấu hiểu nhau và được truyền dạy từ đời này sang đời khác.

Bố mẹ và các thành viên trong gia đình là những người thầy ngôn ngữ đầu tiên của trẻ. Sử dụng ngôn ngữ tiêu cực làm ảnh hưởng đến nhân cách, thái độ sống và hình thành tâm lí nhút nhát, e dè của bé khi trưởng thành. Ngược lại, với ngôn ngữ tích cực, trẻ có xu hướng phát triển thông minh, tự tin hơn.

Các bậc phụ huynh có thể tham khảo một số mẹo nhỏ trong việc sử dụng từ ngữ cho con yêu qua bài viết dưới đây!

  • Đừng dùng ngôn từ thô tục là phương pháp đầu tiên trong việc dạy con nên người bằng từ ngữ tích cực

 Bố mẹ nên nói với trẻ “đi vệ sinh”, thay vì nói “đi tè, đi ị” trước mặt nhiều người. Trẻ đánh bủm cũng không nên nhận xét bàn tán…

  • Đừng “Vâng, dạ, ạ” khi nói chuyện với trẻ

Nhiều ông bà, bố mẹ làm như vậy vì muốn trẻ bắt chước theo mình. Vấn đề không phải ở việc trẻ nói các từ đó. Cái bé cần học là sử dụng ngôn ngữ kính trọng “vâng, dạ, ạ” với người lớn tuổi hơn. Nếu bạn muốn con lễ phép trong giao tiếp thì nên cư xử khuôn phép với bố mẹ, người lớn tuổi để con nhìn thấy và áp dụng. Cha mẹ là người ảnh hưởng lớn nhất đến trẻ. Người lớn dạ vâng với bé làm đảo lộn trật tự vai vế trong xã hội và sai cách dùng từ trong tiếng Việt.

  • Đừng bắt trẻ “ạ” rồi mới cho cái này cái kia

“Ạ” là cách thể hiện sự tôn trọng, không phải hành động có điều kiện. Trẻ yêu tất cả mọi người xung quanh không toan tính vật chất. Tuy nhiên, người lớn dạy con khi muốn cái gì, phải “ạ” mới được cho. Chẳng phải chúng ta đang giáo dục trẻ mọi thứ đều có điều kiện hay sao? Bạn đã bao giờ tưởng tượng tình huống khi bạn không đồng ý cho bé điều gì, bé sẽ đáp: “Con không yêu mẹ nữa đâu. Mẹ phải cho con ăn kẹo con mới yêu mẹ”.

  • Đừng dùng những cụm từ tiêu cực với trẻ: ăn vạ, quấy, lười học, chậm như sên…

Thay vì sử dụng ngôn ngữ chê trách, bố mẹ nên lựa chọn từ ngữ tích cực, nói giảm nói tránh khi nói chuyện với con.

Sự thật, trẻ không ăn vạ, quấy khóc chỉ là cách để bé thể hiện chính kiến bản thân. Con không lười học, có thể do phương pháp học tập chưa phù hợp. Bố mẹ nên ngồi cùng bé đưa ra cách khắc phục sự việc, thay vì sử dụng ngôn ngữ gây tổn thương tâm hồn con.

  • Đừng bàn luận hay nhận xét bé: “Con bé nhà em lười ăn khổ lắm”, “Nó nghịch như giặc không ai trông được đâu”…

Bản thân người lớn không muốn bị nhận xét tiêu cực: hư, xấu…trong cuộc sống cá nhân hay kém hiệu quả trong công việc. Vậy tại sao bố mẹ lại áp dụng điều đó với con trẻ. Không làm theo ý người lớn là hư. Sự thật, bé chỉ đang phản ứng để xem hành động của mình đúng hay sai?  Trẻ không có khả năng phản kháng với những nhận xét tiêu cực từ bố mẹ, vì vậy, các bậc phụ huynh nên tránh bàn luận xấu về con.

  • Đừng đặt vị trí mình lên cao hơn trẻ

 Trong giảng dạy, các thầy cô luôn nói: “Cô hướng dẫn con trước rồi con tự làm nhé”, “Cô giúp con một tay nhé?”… Vì quá trình học sẽ do trẻ tự làm, không phải do cô dạy bé mới biết học. Cách sử dụng ngôn ngữ giúp con cảm thấy được tôn trọng.

  • Đừng dùng câu hỏi, câu phủ định

Ví dụ, thay vì yêu cầu: “Không được nhảy nhót trên giường của mẹ”, mẹ có thể nói: “Giường là nơi để nằm ngủ”; “Có ngừng ném đồ chơi ngay lại không?” thành “Lego là để xếp hình. Con muốn ném thì đi ném bóng rổ”; “Sao cứ gào toáng lên thế?” thành “Nói to là mất lịch sự đấy con ạ”…

Sử dụng câu hỏi và câu phủ định khiến lời nói bị giảm trọng lượng, bé cảm thấy lo sợ trong tình huống đấy và lần sau sẽ tiếp tục sai phạm. Ngược lại, khi cha mẹ dùng câu nói khẳng định, bạn đã đưa cho con một bài học, răn dạy con không được mắc lỗi trong những lần tiếp theo.

  • Đừng suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề tiêu cực là một trong những phương pháp dạy con nên người bằng từ ngữ tích cực

Khi bé bê cốc sữa từ bếp ra bàn bị đổ ra ngoài, mẹ nên nói “May thật, may con chỉ làm đổ một ít. Đổ nhiều thì chẳng còn gì để uống”. Bé vẽ ra ngoài hình tô màu, có thể bảo: “Chỉ hơi ra ngoài tí thôi. Bao giờ con khéo léo hơn thì tất cả các nét sẽ nằm gọn trong hình vẽ”. Cách nói như vậy giúp con học cách bình tĩnh giải quyết vấn đề. Đồng thời, con hiểu dù sao mọi chuyện đã xảy ra rồi, nhìn nhận vấn đề tiêu cực chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn.

  • Đừng ra lệnh

“Ra lệnh” chỉ là phương thức khiến con nghe lời bố mẹ trong tình huống thời điểm, không mang tính lâu dài.

Thay vì câu nói: “Không được đánh bạn. Bố nói con có nghe không?”, phụ huynh có thể khuyên răn bé: “Mọi người đều phải tôn trọng nhau. Đánh người là vi phạm pháp luật”.

Với cách diễn đạt này, bé sẽ hiểu quy cách ứng xử văn hóa trong xã hội, dù người lớn hay trẻ nhỏ đều phải tôn trọng pháp luật và tôn trọng lẫn nhau. Tương lai, khi con trưởng thành, con biết cách cư xử nơi công cộng, tôn trọng người xung quanh.

Trong suốt những năm tháng ấu thơ, việc sử dụng ngôn ngữ tích cực là cách cha mẹ thể hiện sự tôn trọng trẻ, giúp bé hình thành thái độ sống tích cực ngay từ nhỏ. Đồng thời, đây là phương thức trang bị hành trang giao tiếp tốt nhất cho con trước khi bước vào cuộc đời.

Bạn quan tâm đến việc nuôi dạy con, hãy liên hệ trung tâm Bé Thông Minh, 18 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Đt: 02439411316, Hotline: 0982929815

Email:kids@indochinapro.com hoặc ĐĂNG KÝ tại đây

Lượt đọc: 6,333