LÝ DO NÀO DẪN ĐẾN VIỆC THIẾU TỰ TIN Ở CON?
Việc thiếu tự tin ở con trẻ có lẽ là một trong những điều khiến bố mẹ đau đầu nhất. Con rụt rè, nhút nhát, không dám thể hiện bản thân trước đám đông hay ngại ngùng khi lần đầu tiên gặp gỡ một người nào đó, cứ núp mãi sau lưng bố mẹ khiến bố mẹ nhiều khi không biết phải làm sao. Về nguyên nhân dẫn đến sự thiếu tự tin ở con trẻ thì có thể nói là rất nhiều, nhưng chủ yếu là do một vài nguyên nhân dưới đây mà bố mẹ nên tham khảo để thay đổi mà giúp con mạnh dạn và tự tin hơn.
1. Con ít được giao tiếp với mọi người
Đây có thể nói là nguyên nhân thường thấy nhất dẫn đến việc thiếu tự tin ở trẻ. Việc không có cơ hội được giao tiếp với mọi người sẽ khiến con không biết phải mở miệng nói chuyện với mọi người như thế nào, dần dần dẫn đến việc con ngày một trở nên khép mình hơn, ngại nói chuyện với mọi người và ngày một trở nên thiếu tự tin hơn.
Để có thể giúp con tự tin hơn, bố mẹ cần tạo thêm cơ hội để con được tiếp xúc với những người xung quanh, ví dụ như đưa con tới nhà văn hóa hay các khu vui chơi giải trí, để con được chơi và tiếp xúc với bạn bè cùng trang lứa hay thầy cô, từ đó mà con sẽ học được cách giao tiếp với mọi người xung quanh mà dần dần cũng tự tin thể hiện bản thân mình hơn.
2. Con chậm thích nghi với môi trường mới
Có nhiều trường hợp con bình thường nói chuyện rất nhiều, rất tự tin với người thân quen. Tuy nhiên khi tiếp xúc với người lạ, con lại tỏ ra nhút nhát và sợ giao tiếp. Nguyên nhân của hiện tượng này là do con chậm thích nghi với môi trường mới như chuyển chỗ ở, chuyển trường, chuyển lớp… Đối với những trường hợp này, để con có thể tự tin khi giao tiếp với mọi người, bố mẹ cần cho con một khoảng thời gian để thích nghi hoặc mọi người cần có thái độ cởi mở hơn khi tiếp xúc với con.
3. Mặc cảm vì bản thân
Một trong những lí do khiến con thiếu tự tin trước mọi người có lẽ là do có thành tích học tập không tốt hoặc không có các tài năng khác như ca múa, làm thơ, viết văn,… như các bạn. Chính vì con nghĩ mình không có tài, không tốt bằng mọi người nên lo sợ mọi người sẽ chê cười hoặc hỏi han về kết quả học tập, năng khiếu của mình… Con cũng sợ phát biểu trước đám đông vì sợ nói không chính xác, hoặc mọi người không đánh giá cao.
Ngoài ra, những đứa trẻ có ngoại hình không cân đối như quá thấp còi, nhỏ bé, hoặc béo phì cũng phần nào khiến trẻ mặc cảm, không tự tin khi giao tiếp với mọi người. Chính vì vậy mà dần dần con sẽ hình thành suy nghĩ “tránh được là tốt”, thành ra con sẽ cảm thấy sợ đám đông và thiếu tự tin khi đứng trước nhiều người.
4. Cuộc sống gia đình không hạnh phúc
Bên cạnh đó cuộc sống gia đình không hạnh phúc cũng là một trong số những nguyên nhân làm con cảm thấy không tự tin. Đặc biệt đối với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ phạm tội, thần kinh không bình thường hoặc bố mẹ ly thân… Chính vì vậy, khi tiếp xúc với mọi người, con sẽ nghĩ về hoàn cảnh của gia đình mình, cảm thấy xấu hổ hoặc mặc cảm nên không thấy được tự tin, mạnh dạn như những bạn trẻ khác.
Với trường hợp này, bố mẹ cần ở bên con nhiều hơn, trở thành bác sĩ tâm lý hướng con đến những điều tích cực hơn thay vì chỉ nhìn vào những mặt tiêu cực của gia đình mình để rồi mặc cảm và mất đi sự tự tin vốn có đó. Hãy để con cảm nhận được rằng, dù hoàn cảnh gia đình mình có đặc biệt hơn những người khác đi nữa thì tình yêu mà bố mẹ dành cho con cũng sẽ không thay đổi, cũng như không ảnh hưởng được tới khả năng của con.
5. Các nguyên nhân khác
Bên cạnh những nguyên nhân trên, còn có rất nhiều nguyên nhân khiến con không tự tin khi giao tiếp với mọi người như sự áp đặt của ông bà, bố mẹ, người thân, thầy cô, nhà trường, bạn bè… Đặc biệt là kiểu so sánh thành tích học tập hoặc tạo ra sức ép trong học tập, thành tích khiến con thường rơi vào tình trạng stress nặng. Khi con cảm thấy bất lực, không có cách giải quyết từ đó kém tự tin hơn khi tiếp xúc với mọi người.
Vậy nên, bố mẹ cần tạo cho con một không khí thoải mái nhất có thể trong ngôi nhà của mình. Thay vì so sánh rồi gây áp lực cho con, bố mẹ hãy để con được phát huy khả năng theo cách tự nhiên nhất có thể. Mọi đứa trẻ đều là thiên tài ở một lĩnh vực nào đó, và nhiệm vụ của bố mẹ chỉ là giúp con tìm ra được mình thích gì và ủng hộ cũng như hỗ trợ con hết mình mà thôi.
Từ 3 – 9 tuổi là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong việc phát triển các kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết vấn đề, giúp trẻ rèn luyện sự tự tin và tự lập. Đặc biệt là việc giúp trẻ tự tin sẽ khiến trẻ có thể làm được nhiều thứ và thành công trong cuộc sống sau này. Hãy bắt đầu ngay với Bé Thông Minh ngay nào!
Lượt đọc: 1,209