Cách học thông minh và năng động
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng quá trình chơi đùa không chỉ mang lại niềm vui cho trẻ và cả gia đình mà còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Vì việc chơi đùa vận dụng mọi giác quan nên chơi đùa là một cách tự nhiên giúp trẻ học, đồng thời cũng là cách luyện tập nâng cao nhận thức khi trẻ có thể tập lấy, xử lý thông tin để giải quyết vấn đề và hiểu biết về môi trường xung quanh.
Mặc dù để trẻ tự chơi rất quan trọng, nhưng người lớn cũng nên chơi cùng trẻ bằng cách luyện tập, hướng dẫn một số kỹ năng. Điều này để giúp trẻ xây dựng lòng tự tin, tự trọng, khả năng tập trung và nâng cao khả năng ngôn ngữ cũng như các kỹ năng vận động khác. Những kỹ năng này không hề tự nhiên xuất hiện mà phụ huynh cần phải học để chơi với trẻ.
Quan sát và học hỏi
Bước đầu tiên để trở thành một “bạn chơi” của trẻ là quan sát cách trẻ chơi đùa. Phụ huynh nên tập trung tìm kiếm xem trẻ thích loại đồ chơi nào nhất? Trẻ có thích tìm hiểu phương thức hoạt động của các loại đồ chơi không, hay trẻ thích tự lắp ráp các thứ lại với nhau? Thường thì phụ huynh nào cũng bận rộn mà bỏ qua những điểm này.
Tập trung lắng nghe ý tưởng của trẻ
Sau khi quan sát, đã đến thời điểm cha mẹ chơi với trẻ. Một trong những lỗi lầm lớn nhất phụ huynh mắc phải đó là luôn đóng vai trò chủ đạo trong mọi trò chơi. Ví dụ, nếu trẻ đang chơi trò xây dựng và bạn thấy rằng cái tháp trẻ xây quá hẹp, chẳng mấy chốc sẽ đổ xuống, bạn sẽ có xu hướng muốn củng cố lại phần tháp hoặc chỉ cho trẻ thấy rằng nên bắt đầu xây tháp với phần chân lớn hơn. Người lớn có thể nghĩ rằng cách này giúp trẻ học được các kỹ năng xây dựng nhưng điều này cũng rất nguy hiểm. Khi chúng ta làm thế tức là đã gửi đi một thống điệp ngầm rằng những điều trẻ làm là sai trái và trẻ chưa cố gắng đủ mức cần thiết. Có thể trẻ không chỉ muốn xây một chiếc tháp thật to mà đơn giản chỉ muốn nhìn nó đổ. Để chơi được với trẻ, bạn cần tập trung vào ý tưởng của trẻ, chứ không phải của bạn. Khi chơi cùng trẻ tốt nhất bạn nên hỏi “Con muốn bố, mẹ làm gì?” và theo sự sắp xếp của trẻ.
Trò chuyện để lấy thông tin
Phụ huynh có thể sử dụng những cuộc trò chuyện trong đó khuyến khích trẻ miêu tả những gì trẻ làm, sử dụng, nhìn thấy, những gì trẻ nghe và điều này tác động thế nào đến suy nghĩ của trẻ. Bằng cách trò chuyện như thế trẻ sẽ dần dần để ý đến môi trường xung quanh. Phụ huynh cũng nên đóng góp vào câu chuyện bằng những trải nghiệm của chính mình vì điều này sẽ giúp trẻ tăng khả năng ngôn ngữ cũng như phân tích thông tin. Tuy nhiên, phụ huynh nên nhớ rằng không nên chuyển tải quá nhiều lượng thông tin vào trẻ. Và điều quan trọng nhất là hãy dành thời gian để trẻ cảm nhận được tình yêu và sự quan tâm của mình
Theo Preschool
Lượt đọc: 3,952