TRUYỀN CHO CON ĐỘNG LỰC HỌC TOÁN

Cha mẹ luôn được nghe nói rằng cần đọc sách cùng con, nhưng lại ít khi nghe nói về tầm quan trọng của việc học toán cùng trẻ. Chúng tôi muốn chia sẻ trong bài viết này về việc làm thế nào để truyền cho con động lực học toán. Nhiều bố mẹ cho rằng rất khó, họ không có thời gian, họ không giỏi toán, họ chẳng biết tìm tài liệu gì hoặc làm như thế nào…?

Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc dạy toán và kỹ năng học tập cho trẻ em, tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm để cha mẹ có thể áp dụng ngay?

  1. Trả lời câu hỏi được nhiều phụ huynh quan tâm: độ tuổi nào bắt đầu dạy toán là phù hợp, câu trả lời rất đơn giản: Dạy toán cho con từ khi con còn rất nhỏ.

Chúng ta có thể chắc chắn rằng khi đi học tiểu học con chúng ta sẽ học được cách cộng, trừ, nhân và chia…, nhưng lại không nghĩ rằng những bài học toán đầu tiên từ lúc trẻ bập bẹ nói hoặc chưa biết chữ và biết số lại thiết lập cơ sở cho phần còn lại của cuộc đời tư duy của trẻ.

Tại sao như vậy: bởi vì tôi muốn mọi trẻ hiểu và yêu môn học cực kỳ hữu ích cho cuộc sống của trẻ ngay từ khi trí não trẻ trong sáng như một tờ giấy trắng.

Trong khi đa phần chúng ta nghĩ rằng toán học là cộng trừ nhân chia và làm rất nhiều bài toán ở trường thì trong thực tế trẻ học rất nhiều thứ hay ho và bổ ích khác, chứ không chỉ là đếm và số.  Đó là lý do tại sao truyền cho con động lực học toán từ tuổi mẫu giáo lại vô cùng quan trọng.

Cha mẹ nào cũng bắt đầu bài học toán đầu tiên cùng con bằng cách cùng con đếm, khuyến khích trẻ quan sát và tìm kiếm các kiểu mẫu và nhận dạng hình dạng, sau đó chuyển sang các con số, nhưng họ thường quên mất điều này, và họ thường nói đến toán khi con chuẩn bị vào lớp 1, và đưa 1 quyển vở, 1 chiếc bút chì và yêu cầu con viết số, làm phép tính, làm tới mỏi tay và chán nản, chỉ vì bố mẹ sợ rằng con mình gặp rắc rối với toán khi vào lớp 1. Và đương nhiên là đối với nhiều trẻ ấn tượng  về môn toán là đầy trở ngại.

truyền cho con động lực học toán

  1. Làm sao để toán học trở nên “thực tế” và có ý nghĩa với trẻ sẽ giúp con bạn thật nhiều trong chặng đường học tập sau này.

Bố mẹ hãy chỉ cho con thấy toán học xuất hiện trong thế giới xung quanh chúng ta như thế nào.  Ví dụ các con số xuất hiện ở đâu và có ý nghĩa gì, chúng ta liệu có thể thiếu nó được không nhỉ, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thiếu các con số. Sẽ thật khủng khiếp phải không các bạn. 

Và chúng ta hãy cùng nhau tìm các con số, đọc lên ý nghĩa của chúng, và giải thích cho con điều kỳ diệu mà toán học mang lại

  •  Đọc to biểu giá trong thực đơn, hóa đơn điện thoại hay điện nước.
  • So sánh giá cả các mặt hàng tại cửa hàng tạp hóa,
  • Nói về giá của những món đồ chơi.
  • Đọc to công thức nấu ăn, đặc biệt là những món mà con bạn thích thú,
  • nghĩa các con số trong các chương trình khuyến mãi trên tivi
  • Số điểm người chơi có được trong các cuộc thi tài nhí…
  • So sánh số lượng, độ to nhỏ, cao thấp … của các đồ vật trong gia đình.
  • Nói về tuổi, cân nặng, chiều cao của các thành viên trong gia đình
  • Số hiệu các chuyến bay, cửa lên máy bay…. và các con số con bạn gặp trong cuộc sống
    truyền cho con động lực học toán
  1. Bố mẹ hãy quan sát và hiểu được con mình thích thú những khía cạnh nào của toán học:
  • Một số trẻ rất thích đếm,
  • Số khác rất thích so sánh,
  • Số khác nữa lại cực kỳ thích đo đạc,
  • Và nhiều trẻ yêu thích quy luật, ….
  • Một số trẻ luôn quan tâm đến nguyên nhân và kết quả,
  • Một số trẻ luôn thích thú với hình dạng, hình khối,
  • Một số trẻ luôn hỏi về tất cả những điều chúng thấy.

Hãy khuyến khích con tìm tòi mày mò khám phá sâu hơn những khía cạnh mà trẻ thích, đồng thời tìm cơ hội để thúc đẩy trẻ phát triển các kỹ năng toán học khác. Hãy lấy những điểm mạnh làm đòn bẩy cho trẻ cải thiện những điểm chưa mạnh bố mẹ nhé.

Cũng giống như việc bạn khuyến khích con đọc sớm bằng cách chỉ ra các chữ cái quen thuộc, bố mẹ hãy khuyến khích con hiểu về toán học bằng cách nói về các tình huống toán học với con mỗi ngày.

Hoàng Mỹ Anh

(Còn tiếp)

 

Lượt đọc: 1,515