Giúp con thông minh từ thưở lọt lòng

Những năm đầu đời là thời cơ ‘vàng’ để cha mẹ kích thích trí tuệ cho bé, giúp bé thông minh hơn. Những gợi ý dưới đây kích thích phát triển cho bé từ sớm.

Kích thích thị giác cho bé

1. Giao tiếp bằng mắt: Tận dụng khoảnh khắc gần gũi để cha mẹ mở to mắt và nhìn thẳng vào bé. Với các bé sơ sinh, được đối diện với khuôn mặt mẹ trong những ngày đầu đời là điều quan trọng. Mỗi lần nhìn chăm chăm vào mẹ là bé đã xây dựng được hình ảnh về mẹ trong bộ nhớ của bé.

2. Các cử chỉ nét mặt: Nghiên cứu cho thấy, bé 2 ngày tuổi có thể bắt chước những cử động nét mặt của cha mẹ và sao chép là một cách thú vị để bé học hỏi và tư duy.

3. Để cho bé phản ứng: Bé có thể nhìn chằm chằm vào hình ảnh của bé trong gương. Lúc đầu, bé có thể nghĩ đó là một em bé dễ thương và bé sẽ yêu thích khi được “em bé trong gương” mỉm cười hay vẫy tay với bé.

4. Một sự khác biệt: Giơ ra 2 hình ảnh trước mặt bé, cách khoảng 20cm. Có thể chọn 2 hình ảnh khác biệt, chẳng hạn một là bức tranh cái cây, bức tranh còn lại là tranh khuôn mặt em bé. Ngay cả bé sơ sinh cũng có tư duy phân biệt, giai đoạn tiền để cho nhận biết chữ số và tập đọc về sau.

Trò chuyện và cười cùng bé

5. Bập bẹ với con và chờ: Khi nói chuyện với con nên có những quãng nghỉ để bé cơ cơ hội đáp trả lại. Chẳng bao lâu, bé sẽ biết bắt nhịp câu chuyện và rút ngắn những khoảng trống.

6. Đa dạng giọng điệu: Em bé của bạn thích nghe những giọng điệu trầm – bổng liên tục từ cha mẹ. Thì thầm hoặc tạo ra những âm thanh vui nhộn có âm vực cao sẽ thu hút các bé.

7. Hát một bài: Đa dạng các thể loại bài hát càng nhiều càng tốt. Hoặc bạn sáng tác ra những vần điệu (âm nhạc, thơ) của riêng mình (chẳng hạn, này giờ thay tã tới rồi, thay tã, thay tã…). Một nghiên cứu cho thấy, làm quen với âm nhạc giúp bé tư duy tốt toán học sau này.

8. Dạy bé nhân – quả: Khi bạn báo với con: “Mẹ sẽ bật đèn” rồi bật công tắc đèn nghĩa là bạn đã dạy bé về nguyên nhân – hệ quả.

9. Cù ngón chân của bé: Tiếng cười là cách kích thích sự hài hước trong bé. Cù bé dưới chân, dưới cằm hay cù vào tay…

10. Khuôn mặt hề: Để bé chạm vào mũi, vào má của mẹ hoặc hơn nữa là chạm vào lưỡi hay kéo tai mẹ. Tạo ra một tiếng động vui nhộn mỗi lần bé chạm vào mẹ.

11. Nói đùa: Đem một tấm ảnh người họ hàng và chỉ cho bé: “A, mẹ đây”. Sau đó, nói với con là bạn đã nhầm hoặc chỉ đùa thôi.

Thời gian cho hai mẹ con

12. Cho con bú mẹ ngay khi bé đói: Nghiên cứu cho thấy, những bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu có chỉ số thông minh cao hơn. Thêm vào đó, thời gian bú mẹ là lúc tuyệt vời để hai mẹ con gắn bó với nhau. Bạn có thể ca hát, trò chuyện hoặc đơn giản là vuốt ve tóc tơ của bé.

13. Dạy bé khi thay tã: Lúc thay tã cho con, bạn có thể dạy bé về tên các bộ phận trên cơ thể hoặc các loại quần áo.

14. Không tivi: Sự phát triển não cho bé những tháng đầu đời không phụ thuộc vào tivi. Cũng không có chương trình truyền hình nào giúp bé thông minh ngoài sự “đầu tư” của cha mẹ.

15. Đừng quên nghỉ ngơi: Dành ít phút mỗi ngày, đơn giản là ngồi trên sàn nhà với bé – không âm nhạc, ánh sáng hay trò chơi nào. Để bé nhìn ngắm và ghi nhớ đồ đạc, cảnh vật xung quanh.

Phát triển thể chất

16. Nằm và chơi: Bạn nằm xuống trên sàn, để bé leo trèo và bò qua người mẹ. Hoặc cho bé chơi trên thảm đồ chơi với nhiều chi tiết thú vị. Cách này giúp bé tăng kỹ năng phối hợp tay mắt và giải quyết vấn đề.

17. Xây dựng các chướng ngại vật: Tăng kỹ năng vận động cho bé bằng cách đặt đệm sofa, gối, hộp mềm hoặc đồ chơi trên sàn nhà và sau đó, chỉ cho bé làm thế nào để bò trên, dưới và xung quanh các đồ vật.

18. Lên cao – xuống thấp: Nhẹ nhàng bế bé lên cao rồi hạ xuống để chơi tàu lượn. Nhớ là không được rung, lắc bé.

19. Bò theo mẹ: Bạn bò phía trước, thay đổi tốc độ nhanh – chậm để bé bò theo. Sau đó, dừng lại ở một điểm vui chơi thú vị.

20. Làm theo dẫn dắt của bé: Khi bé lớn hơn, bé sẽ biết cách cho mẹ thấy bé thích chơi gì, bò, cười hay tham gia một trò chơi.

Khám phá môi trường mới

21. Chia sẻ cảnh quan: Khi bé ở trên địu, ngồi trên xe đẩy và cùng mẹ ra ngoài, bạn có thể tường thuật cho bé những gì mẹ nhìn thấy: “Ôi, con chó con” hoặc “Cái cây này to quá con ạ” hay “Con có nghe thấy còi xe bus không”… Cách này giúp bé xây dựng vốn từ hiệu quả.

22. Đi mua sắm: Bạn có thể đưa con tới siêu thị. Các gian hàng, âm thanh và màu sắc trong siêu thị cũng giúp bé học hỏi nhiều điều.

23. Thay đổi cảnh quan: Chuyển ghế ngồi bàn ăn của bé sang chỗ khác trên bàn ăn để bé ghi nhớ được vị trí các món ăn được đặt trên bàn ăn.

Chơi cùng con

24. Gây ngạc nhiên cho bé: Sau đấy, làm bé thỏa thích bằng cách thổi nhẹ vào lông mày, cánh tay, cổ hay bụng của bé.

25. Giấu và tìm: Lấy 3 hộp nhựa rỗng, giấu một đồ chơi nhỏ bé dưới một hộp nhựa. Thả 3 hộp nhựa vào một hộp bìa cứng và xem bé tìm đồ chơi thế nào.

26. Chơi ú òa: Trò chơi này mang tới tiếng cười khúc khích cho bé. Bé sẽ biết các đối tượng sẽ biến mất và trở lại thế nào.

27. Bé thả – mẹ nhặt: Bé có thể thích thả đồ chơi xuống sàn khi đang ngồi trên một chiếc ghế cao. Sau đó, mẹ sẽ nhặt giúp bé.

Dạy bé về chất liệu

28. Kéo giấy ăn: Nếu bé thích kéo khăn giấy ra khỏi hộp giấy, bạn cứ để bé được vui chơi. Bé sẽ khám phá được chất liệu mềm của giấy khi kéo ra khỏi hộp. Đồng thời, giấu một đồ chơi nhỏ, cứng vào hộp khăn giấy và để bé tự tìm ra.

29. Chất liệu khác nhau: Lấy vài hộp khăn giấy rỗng, bỏ vào đó những miếng vải chất liệu khác nhau như vải len, ren, lanh. Để bé kéo vải nhẹ nhàng ra khỏi hộp hoặc bạn cọ nhẹ từng miếng vải sạch lên má, bàn chân, bụng của bé để bé cảm nhận từng chất liệu vải.

30. Để bé chạm vào nhiều thứ: Dắt bé đi bộ quanh nhà, bạn cầm tay bé để bé chạm tay vào cử sổ, một miếng vải mềm, một đồ chơi nhồi bông mịn và những đồ an toàn khác.

31. Để bé được chơi với đồ ăn: Khi bé đã sẵn sàng ăn bốc, cho bé một số đồ ăn có kết cấu khác nhau như hạt đỗ hấp chín, mì ống cắt ngắn, những miếng dưa hấu…

Dạy bé ngôn ngữ và đếm

32. Mỗi tuần dạy bé một chữ cái: Chẳng hạn, ăn một món có chữ “a”, cắt đồ ăn nhẹ theo hình dạng chữ “a” hoặc viết chữ “a” bằng phấn lên hè.

33. Đếm mọi thứ: Đếm số khối hình mà bé đang xếp hoặc số lượng các bước chân của bé. Đếm ngón tay, ngón chân của mẹ và bé. Duy trì thói quen đếm mọi thứ và bé sẽ sớm tham gia.

34. Đọc sách: Các nhà nghiên cứu tin rằng, bé 8 tháng có thể hiểu được trình tự của câu chuyện nếu được nghe 2-3 lần liên tiếp. Điều này được tin là sẽ giúp bé học tốt ngôn ngữ.

35. Kể chuyện: Kể một mẩu chuyện ngắn, thay thế tên nhân vật chính bằng tên bé cho vui.

36. Đi cửa hàng sách: Cùng bé mua sách và tìm những cuốn sách thú vị.

Kích thích trí nhớ cho bé

37. Album gia đình: Giữ lại những bức ảnh họ hàng, người thân và chỉ cho bé từng bức ảnh để lưu giữ hình ảnh người thân trong kí ức của bé.

38. Tạo một cuốn sách sở thú: Bạn sưu tập những hình động vật và tạo thành một cuốn album. Sau đó, đọc lại cho bé nghe, gọi tên, mô tả đặc điểm vào những câu chuyện với từng con vật.

39. Cho bé xem video: Những video quay cảnh bé biết lẫy, biết bò, đang tắm hoặc chơi cùng ông bà.

40. Chơi trò nhận diện: Trải một số ảnh ông bà, bố mẹ lên sàn nhà và để bé tìm số lượng ảnh của ông, bà hay của mẹ, của bố.

Những lời khuyên phát triển khác

41. Khuyến khích đặt câu hỏi: Tìm những chi tiết nhỏ trong bức ảnh và khuyến khích bé đặt câu hỏi.

42. Chơi sau cơn mưa: Cho bé đi trên cỏ ướt, cùng mẹ nghịch vũng nước mưa là cách chơi vui vẻ, cách bé học về ướt – khô và đừng quá lo vì những gì lộn xộn khi ấy.

43. Cho bé tự quyết: Cho bé được chọn giữa hai loại bánh để ăn, hai màu khác nhau khi tô màu.

44. Ăn mặc: Cho bé chơi cùng sơmi cũ của bố, chơi cùng khăn quàng, mũ, găng tay cũ của mẹ. Đặt ra những tình huống giả vờ và để bé sáng tạo.

45. Chơi lại lần nữa: Với những đồ chơi bé làm hỏng, đừng vội bỏ đi vì bé có thể chơi đồ chơi hỏng theo cách riêng của bé, miễn là chúng an toàn.

46. Nói chuyện với bé: Trò chuyện với bé xem hôm nay bé có gì vui hay buồn, điều gì làm bé hạnh phúc và tức giận? Bạn sẽ giúp bé nhớ lại những sự kiện trong ngày, hiểu được khái niệm quá khứ và gọi tên đúng cảm xúc của con.

47. Hình ảnh và thực tế: Chỉ cho bé thấy một số côn trùng vô hại (dế, bướm, bọ rùa) trong sách (tạp chí) sau đó, đi tới công viên để tìm chúng.

48. Tìm màu: Bạn gợi ý để bé tìm những thứ có màu xanh khi hai mẹ con đi xe bus hoặc đi du lịch. Sau đó, để bé chọn một màu khác và hai mẹ con tiếp tục “săn màu”.

49. Cho bé những việc nhỏ: Bé có thể biết dọn đồ chơi, phân loại quần áo của bé.

50. Học về khối lượng: Xếp vài cái cốc có kích thước khác nhau, để bé đong nước từ cốc này sang cốc kia. Dạy bé phân biệt ít – nhiều, đầy – vơi, cốc lớn – cốc nhỏ…

Lượt đọc: 14,117