Nâng cao chỉ số IQ cho trẻ từ những năm đầu đời

Nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu và đi đến kết luận: sự biến đổi tâm lý của thai phụ có ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi, và việc dạy dỗ trẻ tốt từ khi chưa lọt lòng có thể làm tăng chỉ số thông minh (iq) ở trẻ.

Nâng cao IQ từ trong bụng mẹ

Trong thời kỳ mang thai, nếu thai phụ được sinh hoạt trong hoàn cảnh tốt, nghe những điệu nhạc du dương, êm dịu, thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật, ngắm phong cảnh đẹp hoặc đọc những cuốn sách hay… thì biểu đồ sóng siêu âm cho thấy hoạt động của các cơ quan hoặc phản ứng sinh lý của thai nhi đều diễn ra rất tốt. Còn ngược lại, nếu trong thời gian mang thai, người mẹ phải chịu những áp lực không thuận lợi từ điều kiện sống thì những biểu hiện hoạt động tích cực của thai nhi cũng kém đi.

Các bà mẹ có thể tham khảo một số cách đơn giản sau đây để giúp nâng cao chỉ số IQ cho trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ

Âm nhạc: Từ khi người mẹ biết mình đã có thai, nên cho thai nhi tiếp xúc với âm nhạc mỗi ngày và mỗi khi có thời gian cho đến khi trẻ ra đời. Tốt nhất là nhạc thiếu nhi, dân ca, nhạc nhẹ, nhạc cổ điển. Điều này sẽ kích thích sự phát triển tri giác, đem lại hiệu quả “an thần” cho thai nhi.

Trò chơi: Khi người mẹ cảm nhận được sự vận động của thai nhi thì đã bắt đầu có thể chơi trò “vỗ một cái, động một cái; vỗ hai cái, động hai cái”. Trò chơi này kéo dài khoảng một tháng thì trẻ sẽ có những phản ứng phối hợp nhịp nhàng với động tác của mẹ.

Nói chuyện: Từ tháng thứ 6 trở đi, hệ thống thần kinh thính giác của thai nhi đã có thể cảm nhận được nhịp tim và sự hô hấp của mẹ. Sau bảy tháng, sẽ dần dần có phản ứng với những âm thanh đến từ môi trường bên ngoài. Vì vậy, mẹ có thể “nói chuyện” với thai nhi một cách dịu dàng, điều này không chỉ kích thích sự phát triển thính lực của thai nhi mà còn làm thai nhi cảm thấy thoải mái hơn.

Ăn uống: Những thai phụ có chế độ ăn uống cân bằng và đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của trẻ sau này, đóng vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển trí não của trẻ.

Từ lúc sinh đến 3 tuổi

Giao tiếp bằng mắt: Những khoảnh khắc tuy ngắn ngủi này cũng đem lại những lợi ích cho trẻ. Khi trẻ mở to mắt, hãy nhìn vào mắt trẻ. Trẻ có khả năng phân biệt khuôn mặt từ rất sớm, và mỗi lần trẻ nhìn thấy bạn khả năng quan sát và trí nhớ của trẻ dần dần được hình thành.

Cho trẻ bú sữa mẹ: Cố gắng cho trẻ bú sữa mẹ một thời gian dài. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, những trẻ được bú sữa mẹ có chỉ số IQ khá cao. Khi cho trẻ bú, bạn hãy tranh thủ hát cho trẻ nghe, đó chính là cơ hội tốt để “giao lưu” với trẻ.

Tán gẫu: Lúc đầu chắc chắn bạn sẽ chỉ nhận được cái nhìn ngơ ngác của trẻ, hãy dừng lại một chút cho trẻ có cơ hội tham gia câu chuyện. Dần dần, trẻ sẽ “a…a…” trò chuyện với bạn cho mà xem.

Xem phản ứng của trẻ: Cho trẻ tự soi mình trong gương. Ban đầu, có thể trẻ sẽ tưởng bóng mình trong gương là một đứa trẻ dễ thương nào đó, nhưng chẳng bao lâu sẽ đến lúc trẻ sẽ rất thích thú vẫy tay chào chính mình trong gương.

Cù nhẹ vào chân trẻ: Bạn có thể cù nhẹ vào chân trẻ. Tiếng cười chính là hạt giống đầu tiên của sự hài hước. Bạn có thể nói rằng: “Mẹ đã bắt được con rồi!”, sau đó cù vào chân trẻ và dẫn dắt trẻ tham gia trò này.

Chỉ ra sự khác biệt: Lấy hai bức hình có sự khác biệt, đưa cách mắt trẻ khoảng 20-30cm cho trẻ xem, trẻ sẽ xem đi xem lại và dần dần phát hiện ra sự khác nhau. Điều này rất có ích cho việc học chữ của trẻ sau này.

Chia sẻ cùng trẻ những điều hai mẹ con nhìn thấy: Khi bế trẻ đi dạo, hãy chỉ cho trẻ những thứ bạn nhìn thấy và chia sẻ, trò chuyện cùng với trẻ. Như vậy trẻ sẽ có thêm cơ hội biết thêm nhiều từ mới cùng những sự vật ở thế giới xung quanh.

Ca hát: Hãy học thêm thật nhiều bài hát, hoặc nếu có khả năng, bạn cũng có thể tự soạn một số bài hát để hát cho trẻ nghe. Các chuyên gia cho rằng âm điệu của những bài hát có liên quan tích cực đến việc học toán của trẻ sau này.

Học tập ngay cả khi thay tã: Nhân cơ hội thay tã hãy chỉ cho trẻ biết cách gọi các bộ phận cơ thể hoặc tên của áo quần để giúp trẻ hiểu thêm về bản thân mình.

Tạo niềm vui bất ngờ: Những lúc rảnh rỗi, bạn nên nhẹ nhàng vuốt ve mặt, bụng hoặc tay chân để tạo niềm vui cho trẻ. Lúc đó bạn hãy quan sát phản ứng và khả năng phối hợp của trẻ.

Đọc sách: Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng trẻ 8 tháng tuổi đã có thể nhớ thứ tự của một số từ vựng trong những câu mà bạn nói với trẻ, điều này rất có lợi cho khả năng ngôn ngữ sau này của trẻ.

Giúp trẻ cảm nhận: Bạn hãy chuẩn bị một ít loại vải khác nhau như tơ tằm, nhung, vải sợi thô…, rồi nhẹ nhàng cọ xát những loại vải đó trên bụng, ngực, lòng bàn chân của trẻ. Vừa làm vừa miêu tả cho trẻ nghe cảm giác sẽ như thế nào.

Xem hình: Hình của những người thân hoặc họ hàng trong gia đình có thể giúp trẻ luyện trí nhớ. Chẳng hạn, khi bà nội gọi điện thoại cho trẻ, vừa để trẻ nghe giọng bà qua điện thoại, vừa đưa trẻ xem ảnh bà nội.

Tự tập ăn: Trẻ khoảng 10 tháng tuổi đã có thể ăn nhiều loại thức ăn khác nhau, bạn có thể tập cho trẻ tự cầm thức ăn thử xem.

Vượt chướng ngại: Đặt một số chướng ngại dưới sàn nhà, như: Gối ôm, gối tựa lưng, hộp giấy… sau đó bạn biểu diễn cho trẻ xem trước cách làm thế nào để vượt qua những thứ đó, nên bước qua hay nên bò phía dưới. Điều này giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động.

Mẹ và con cùng chơi: Khi trẻ sờ mũi bạn, bạn sẽ phùng hai má; trẻ kéo tai bạn, bạn phải le lưỡi ra; nếu trẻ đánh vào đầu bạn, bạn kêu lên một âm thanh khác lạ… Có thể lặp lại chừng ba bốn lần, sau đó có thể thay đổi quy luật và bắt trẻ đoán xem bạn sẽ làm gì.

Lượt đọc: 12,121