XÂY DỰNG SỰ TỰ TIN Ở TRẺ PHẦN 1
Sự tự tin bắt nguồn từ nhận thức về năng lực của chính mình, như vậy câu hỏi khi nào trẻ thấy tự tin thật dễ trả lời phải không các bạn, trẻ thấy tự tin không phải vì gia đình và bạn bè khen ngợi chúng, mà vì thành tích của chính mình.
Vậy chúng ta hãy tạo ra những cơ hội để trẻ thấy tự tin. Trẻ nhỏ có thể hoàn thành được rất nhiều việc vừa sức mình, tôi đã thấy nhiều trẻ thấy tự tin hơn khi trẻ học và hoàn thành các nhiệm vụ và mục tiêu mới.
Là cha mẹ, bạn muốn truyền sự tự tin cho con mình là điều đương nhiên. Những đứa trẻ tin tưởng vào bản thân và có thể đối mặt với những thử thách mới mà không sợ hãi — những yếu tố cần thiết cho một cuộc sống hạnh phúc và thành công.
Mặc dù mỗi đứa trẻ rất khác nhau về tính cách, nhưng ta có thể làm theo một số nguyên tắc chung để xây dựng sự tự tin cho con trẻ.
- Dành thời gian để chơi với con
Chơi để học là một trong những khoản đầu tư tốt nhất mà bạn dễ dàng làm với con mình. Những giờ bạn chơi với con chính là khoảng thời gian bạn cho con thấy mình rất quý giá với bố mẹ, dù có bao nhiêu bận rộn bố mẹ vẫn dành thời gia để chơi với mình.
Bố mẹ nên chú ý là lúc này cần tập trung vào việc chơi với con, không phân tâm vào điện thoại hay thiết bị di động. Trẻ nhỏ có tri giác và sẽ biết rằng tâm trí của bạn đang ở nơi khác, trẻ rất dễ tủi thân và buồn bực khi thấy bố mẹ không quan tâm tới mình. Hãy cống hiến hết mình cho trò chơi mà bố mẹ và con đang chơi. Cùng tưởng tượng, cùng tranh luận, trêu đùa, hò hét, tất cả những thứ tưởng chừng rất bình thường đó giúp bố mẹ và con cái đến gần nhau hơn, đặc biệt điều này cho con biết rằng bố mẹ đang lắng nghe chúng.
- Giao cho trẻ những công việc vừa sức mà trẻ có thể làm tốt là một trong những cách xây dựng sự tự tin ở trẻ.
Trẻ nhỏ cần có cơ hội để thể hiện kỹ năng của mình và cảm thấy rằng sự đóng góp của mình được đánh giá cao. Ở nhà, bố mẹ có thể nhờ trẻ giúp đỡ các công việc gia đình như:
- Dọn bàn ăn cùng bố mẹ, trẻ có thể tính toán nhà mình có mấy người, mình sẽ xếp bát đũa cho những ai, đặt ở đâu.
- Thu dọn đồ chơi sau khi chơi xong, sau khi các bạn đến nhà mình chơi ra về rồi
- Dọn dẹp nhặt 1 số giấy vụn, rau rơi, rổ rá không dùng tới, xếp chai lọ đúng chỗ, sắp xếp đồ đạc trong bếp…
- Cùng bố mẹ chế biến các món ăn đơn giản: kẹp bánh mỳ kẹp, xếp hoa quả vào đĩa, bày bánh mỳ, xúc xích, pho mát lên đĩa cho cả nhà ăn sáng…
- Phân loại hoặc gấp quần áo sau khi giặt và phơi, con có thể đảm nhận phần quần áo của mình và 1 số đồ nhẹ của gia đình.
- Tưới cây, quan sát xem cây có lên tốt không, có con sâu nào không, có cây nào thiếu nước hay không.
Mỗi khi giao việc bạn hãy nói những câu tăng tính tự tôn của con, ví dụ: bếp phó hãy giúp mẹ nhặt rau nào, hay nhiệm vụ dọn bàn ăn thật là khó, mẹ rất cần có người phụ giúp, và bố mẹ nhớ khen nỗ lực của con.
Bố mẹ hãy chú ý quan sát và tìm ra sở thích của con, từ đó giao cho trẻ một công việc để trẻ cảm thấy hữu ích và thành công. Nếu con thấy tự hào về khả năng sắp xếp của mình, hãy yêu cầu con cất đồ chơi vào khu vực quy định. Khi một đứa trẻ hoàn thành một nhiệm vụ, trẻ thấy tự tin.
Khi các nhiệm vụ bắt đầu mất đi sự thú vị, hãy làm việc cùng với con, khi lớn dần lên trẻ học được rằng đôi khi công việc cần hoàn thành trước khi chơi.
Xem tiếp ở phần 2
Hotline: 0982929815.
Email: kids@indochinapro.com
Lượt đọc: 1,098