PHÁT TRIỂN TƯ DUY PHẢN BIỆN CHO TRẺ PHẦN 1
Chúng ta đều muốn phát triển tư duy phản biện cho trẻ, nhưng bắt đầu từ đâu? Có rất nhiều cách mà các nhà giáo dục và cha mẹ học sinh đang vận dụng để đạt được mục tiêu. Trong bài này chúng ta cùng đề cập tới một số biện pháp phát triển tư duy phản biện cho trẻ em.
Trẻ nhỏ không những có tư duy phản biện từ rất sớm mà còn làm rất tốt. Khi con bạn hỏi tại sao chim đà điểu lại không biết bay, hay con không đồng tình với việc anh mình lớn thì được xem TV nhiều hơn con chỉ vì con nhỏ hơn, đó là khi con bạn đã sử dụng tư duy phản biện.
Chúng tôi giới thiệu với các bố mẹ một số cách để mài giũa tư duy phản biện cho trẻ.
- Chúng ta hãy khuyến khích trẻ đưa ra ý kiến “đồng ý” hay “không đồng ý”.
Chúng ta cần giải thích với trẻ nhỏ rằng chỉ vì ai đó nói,” Tôi không đồng ý “, không có nghĩa là họ đã suy nghĩ chín chắn”. Để suy nghĩ trở thành một phản biện đúng đắn, người ta cần phản bác theo cách đúng đắn.
Chúng ta có thể khuyến khích con đưa ra lý do hoặc ví dụ cho thấy tại sao con đồng ý hoặc không đồng ý với điều gì đó.
Ta có thể hỏi ”Con có đồng ý với ý kiến này không?” để khuyến khích con đánh giá ý kiến của người khác. Hãy hỏi con xem điều gì đó “đúng hay sai”, “tốt hay không tốt?”
- Chúng ta luôn cần đặt câu hỏi “tại sao” khi muốn phát triển tư duy phản biện cho trẻ em
Ví dụ, khi một đứa trẻ mách bạn rằng “bạn Minh đã ăn bánh của con mà không xin phép con, bạn làm thế là không tốt”, khi đó chúng ta hãy khuyến khích con nói ra tại sao con lại nghĩ làm như thế là không tốt?
Hẳn là trẻ sẽ nói ”vì đấy không phải là bánh của bạn ấy, là bánh của con chứ”.
- Câu hỏi nối tiếp câu hỏi cũng là cách để phát triển tư duy phản biện cho trẻ
Chúng ta có thể giúp học trò phát triển tư duy phản biện thông qua các lý luận theo một loạt các bước tiếp theo, chúng tôi vẫn tiếp tục dùng ví dụ bên trên.
Chúng ta sẽ nói với trẻ về các nguyên tắc chung (luôn luôn / không bao giờ / thỉnh thoảng): “Thế ta có nên luôn trả lại những gì không phải của mình không?”
Trẻ có thể sẽ nói “Không ạ, vì con có khi lại cần nó.”- lúc này có thể con đang nghĩ tới việc đôi khi con rất thích dùng đồ của anh chị hoặc bạn bè mình – thứ mà con chưa có.
“Vậy trong trường hợp này sao bạn Minh phải trả lại bánh cho con? “
Và con sẽ suy nghĩ và đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Nếu ta khéo léo thì 1 chủ đề đơn giản như vậy cũng có thể là 1 chủ đề khai thác rất thú vị.
- Người lớn chúng ta nên khuyến khích sự cởi mở.
Để giúp phát triển tư duy phản biện cho trẻ, chúng ta hãy tập thói quen đặt câu hỏi về suy nghĩ và quan điểm của trẻ. Có 5 cách đơn giản để làm điều này:
- Hỏi “tại sao”: yêu cầu con đưa ra lời biện minh, giải thích, mục đích hoặc động cơ.
- Yêu cầu làm rõ: ‘con có thể nói rõ hơn, ý của con là…?’
- Hỏi thêm: ‘Con có thể nói thêm về điều đó không?’
- Hỏi thêm ví dụ: ‘Con có thể nêu một ví dụ được không?
- Yêu cầu các điều kiện: “Con có thể nói điều này phụ thuộc vào cái gì?”
- Chúng ta hãy dạy cho trẻ cách nói hàm ý
Tư duy phản biện liên quan đến việc suy nghĩ thông suốt điều gì đó để đưa ra kết luận khả thi. Điều này có nghĩa là xem xét hàm ý của điều gì đó: “Điều gì sẽ xảy ra nếu con làm như thế này?”
Đây là một thói quen tốt cần phát triển khi trẻ nhỏ đọc hiểu. Ví dụ khi đọc 1 câu chuyện, chúng ta hãy thử dừng câu chuyện vào 1 thời điểm nào đó hoặc khi mâu thuẫn xảy ra, và để trẻ đoán điều gì sẽ xảy ra, con có thể có nhiều dự đoán khác nhau và chúng ta sẽ hỏi tại sao con nghĩ như vậy.
Mời các bố mẹ xem tiếp phần 2
Lượt đọc: 584