BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU ĐỂ GIÚP TRẺ TỰ TIN?
Ai cũng muốn con mình tự tin, vấn đề là chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu để giúp trẻ tự tin. Có hàng trăm lời khuyên, có hàng ngàn biện pháp để thực hiện, trong bài viết này chúng tôi đề cập tới 5 phương hướng giúp trẻ tự tin, trong mỗi phương hướng này bố mẹ có thể tìm ra những cách thức và hoạt động để thực hiện cùng con hàng ngày.
- GIÚP TRẺ LÀM QUEN VÀ TẬP LUYỆN VIỆC TỰ CHẤP NHẬN.
Mỗi người chúng ta có những điểm mạnh điểm yếu khác nhau. Đôi khi người lớn chúng ta cũng cảm thấy thiếu tự tin khi tiếp xúc với những người rất nổi về một điểm gì đó. Trẻ nhỏ càng hay gặp các tình huống như vậy, đặc biệt khi còn nhỏ, sự so sánh khập khiễng rất dễ dẫn con tới thiếu tự tin.
Chúng ta hãy khuyến khích trẻ xem xét điểm mạnh và điểm yếu của mình theo hướng yêu bản thân và chấp nhận những điểm yếu, và đặt mục tiêu giảm yếu điểm dần dần. Các con cần hiểu rằng con có thể giải quyết những điểm yếu của mình mà không quá chỉ trích bản thân, đây là một trong những việc quan trọng mà chúng ta cần làm. Đặc biệt những trẻ quá hiếu thắng và dễ suy sụp khi thất bại thì chúng ta cần dạy cho con rằng giá trị của con không chỉ phụ thuộc vào những thành công hay thất bại của bản thân ở một thời điểm nào đó. Thất bại cũng là chuyện bình thường, vấn đề là chúng ta tìm cách để lần tới sẽ thành công hơn.
- TẬP TRUNG VÀO THÀNH TÍCH NHỎ.
Hãy dành chút thời gian để ngồi lại với con bạn và lập danh sách những điều con đã đạt được trong học tập và trong cuộc sống hàng ngày.
Không quan trọng thành tích của con nhỏ hay lớn, danh sách này ta sẽ giúp con phát triển cảm giác thành tựu và sự tự tin và cũng mang lại cho con điều gì đó tích cực để nhìn lại khi con gặp thất bại. Đối với trẻ nhỏ thì những tiến bộ bé xíu cũng có thể được tính, vấn đề ở chỗ là cha mẹ và giáo viên cần quan sát từng chi tiết để thấy được sự tiến bộ của con. Tiến bộ đơn giản nhất bạn có thể thấy là con đã dành thêm thời gian (hôm qua chỉ tập trung 5’ hôm nay là 6’) để tô bức tranh, trẻ biết nói với bạn điều trẻ muốn thay vì khóc lóc mè nheo….
- ĐẶT CÁC MỤC TIÊU CÓ THỂ ĐẠT ĐƯỢC.
Khi đặt mục tiêu ta cần chú ý chia nhỏ mục tiêu thành các bước để có thể đạt được nó. Với 1 đứa trẻ hay cáu giận thì không thể ép con hết cáu giận trong vài ngày. Bố mẹ có thể phải bắt đầu từ việc tránh cho con cáu gắt, và có lý do để nói với con và mọi người trong nhà là khi không có ai cáu giận thì nhà mình thật là vui. Từ đó bố mẹ đưa ra 1 số tình huống để con tập giải quyết, thay vì cáu giận con sẽ làm như thế nào, sau một vài lần con nhận thấy là mình có thể kiểm soát được cơn giận, con sẽ thấy tự tin hơn khi phải đối diện với các tình huống cần giải quyết, và dần tự tin là mình có thể làm được điều này hay điều khác. Sau 1 thời gian bạn có thể cùng con bạn đặt ra những mục tiêu nhỏ có thể đạt được được khi cần cải thiện kỹ năng hoặc giải quyết những điểm yếu.
Bố mẹ không được thấy căng thẳng, hãy thoải mái để con thấy là việc đặt mục tiêu, đưa ra mục tiêu cũng dễ làm và có thể đạt được khi chúng ta cố gắng.
- TẠO RA CÁC TRẢI NGHIỆM TÍCH CỰC.
Ta cần chú ý là khi con trẻ bị bao quanh bởi những cá nhân haychỉ trích, hay phán xét có thể ảnh hưởng đến cách trẻ cảm nhận về bản thân. Vì vậy chính bố mẹ cần có thái độ tích cực, tạo động lực và hướng dẫn để con có được môi trường thuận lợi nhất. Chúng ta không thể giúp trẻ tự tin khi liên tục chỉ khen anh chị của trẻ giỏi, hoặc khi luôn trách móc khi trẻ làm rơi vỡ đồ hay không thể kiên nhẫn ngồi học theo mong muốn của bố mẹ. Ta cũng không thể giúp trẻ tự tin hơn khi quá khắt khe, không công nhận những nỗ lực của con khi so sánh con với những đứa trẻ khác ở trường.
Nếu chúng ta muốn con giảm cân thì hãy thực hiện các chế độ ăn uống phù hợp thay vì liên tục nói rằng con béo quá, con không được ăn thứ này, thứ khác. Hãy nói chúng ta sẽ rèn luyện để có sức khỏe hơn, bắt đầu bằng việc ăn thêm rau, giảm đồ rán và cả nhà sẽ cùng nhau luyện tập. Như vậy thay vì luôn suy nghĩ béo là điều gì đó rất tệ, trẻ sẽ thấy là sẽ có cách để chúng ta khỏe hơn, đẹp hơn. Việc chỉ trích liên tục có thể còn gây ra những vấn đề về tâm lý, về lâu dài điều này rất bất lợi cho trẻ.
5. KHEN THƯỞNG CHO NHỮNG NỖ LỰC CỦA TRẺ LÀ MỘT TRONG NHỮNG ĐIỀU CẦN LÀM ĐỂ GIÚP TRẺ TỰ TIN
Khen đúng cách, thưởng đúng cách là cách mà con bạn đạt được sự tự tin.
Chúng ta cần nhớ rằng ta sẽ khen khi trẻ có những nỗ lực, mặc dù kết quả có thể chưa được như mong muốn. Đánh giá cao sự cố gắng, khen hành động cụ thể, tránh việc liên tục khen quá, khen con thông minh.
Khen quá là rất không tốt, khen quá khiến trẻ không thực sự biết là mình cần làm gì để tốt hơn, có thể gây ra tính tự phụ và coi thường người khác.
Hệ thống giáo dục Bé Thông Minh có nhiều khóa học giúp con bạn tự tin, chúng tôi tạo ra môi trường trải nghiệm, trẻ học hỏi, làm việc, tự giải quyết các vấn đề của mình và tham gia các hoạt động cùng bạn bè để học cách giao tiếp và chia sẻ. Hãy liên lạc ngay với chúng tôi:
Hotline: 0982929815
Email: kids@indochinapro.com
Lượt đọc: 1,080